Gần 93% sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có việc làm
Với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng là 92,7%, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã vượt qua tỷ lệ 91% của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vừa có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về kết quả khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Cuộc khảo sát này được học viện thực hiện trong các tháng 6, 10 và 11/2016 thông qua hình thức trực tuyến (bảng hỏi gửi qua email, Facebook và website của trường).
Học viện có hai cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM, phần lớn người tham gia khảo sát ở Hà Nội (70,73%).
Kết quả cho thấy 68,3% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, 24,4% có việc sau 3-6 tháng ra trường, 4,9% sinh viên đi làm sau 7-12 tháng và 2,4% sinh viên có việc làm sau một năm.
Theo bà Đỗ Hải Yến – Trưởng phòng Chính trị và Công tác Sinh viên, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường cao vì học viện ký kết nhiều thỏa thuận cung cấp nhân lực cho các công ty công nghệ lớn. Nhiều sinh viên năm thứ tư đã được các đơn vị tuyển dụng.
Trong đó, 3 ngành rất “hot” của trường có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp là Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, Điện tử và Điện tử – Truyền thông.
Theo cuộc khảo sát này, chỉ 2,4% sinh viên Công nghệ Bưu chính Viễn thông chưa có việc làm sau 12 tháng ra trường. Ảnh: Minh Nhật
Khảo sát cũng cho thấy hầu hết sinh viên ra trường đều làm đúng chuyên ngành đào tạo hoặc những ngành nghề liên quan kiến thức chuyên môn được học (chiếm 85,4%).
Xét về mức lương sau khi ra trường, thống kê cho thấy 19,5% sinh viên có mức lương trên 10 triệu đồng, 68% nhận lương từ 5-10 triệu đồng, 12,2% có mức lương từ 3-5 triệu đồng. Không có sinh viên nào có thu nhập dưới 3 triệu đồng sau khi tốt nghiệp.
Thu nhập bình quân mỗi tháng của sinh viên tốt nghiệp. Ảnh: Minh Nhật
Theo đánh giá của nhiều học viên, lương của sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sau khi ra trường chỉ ở mức trung bình. Lương bình quân của nhân lực ngành Công nghệ thông tin khoảng 8-15 triệu đồng/tháng.
Một trong những lý do được nêu ra là khả năng ngoại ngữ của sinh viên còn yếu nên cơ hội làm việc ở các đơn vị nước ngoài – nơi có mức lương hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước – còn thấp.