Gái đảm mách cách làm hồng treo gió không cần phải ngâm qua rượu, dẻo ngon lên phấn cực đẹp
Với cách làm hồng treo gió đơn giản này đảm bảo nhiều chị em sẽ vô cùng hứng thú làm thử.
Hồng treo gió là loại hồng khô có nguồn gốc từ Nhật Bản. Sau khi treo, hồng được phơi nắng, gió, héo lại, thành loại mứt ngọt dẻo, vô cùng hấp dẫn. Hồng treo gió là món ăn đang được nhiều chị em ưa thích và tìm hiểu cách làm.
Chị Loan Lê (hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật) là người rất đam mê món hồng khô. Chị chia sẻ, “Một năm 12 tháng thì mình có 6 tháng ăn hồng, từ hồng giòn đến hồng khô”. Chị cũng cho biết thêm, vào tiết trời lạnh từ 15-20 độ C, hanh khô là thời điểm lý tưởng để phơi hồng. Ở Nhật người ta thường phơi hồng vào tháng 11, tháng 12 thu hoạch, bảo quản để ăn vào dịp Tết, đem biếu người thân, bạn bè,…
Chị Loan Lê
Thông thường khi làm hồng treo gió/hồng khô, nhiều người có ngâm qua rượu để khử trùng, tránh mốc cho hồng. Nhưng chị Loan Lê không sử dụng rượu, công thức cũng rất đơn giản mà không lo hồng bị mốc. Dưới đây là cách làm hồng treo gió hay hồng khô của chị Loan Lê, các bạn cùng tham khảo nhé:
Chuẩn bị:
– Hồng
– Dây để treo
Cách làm:
1. Hồng chát chọn quả cắt còn cuống chữ T cho dễ treo, quả hồng vừa vừa khoảng 4 quả/1kg, còn cứng tay, không bị dập.
2. Rửa qua hồng cho sạch bụi bẩn.
Sau đó dùng nạo hoa quả gọt sạch vỏ, để lại cuống. Vỏ để riêng, phơi khô để sau này ủ hồng (có thể bỏ qua).
Cắt từng đoạn dây dài 6-70 cm, buộc hồng đã gọt vào hai đầu dây. Đun nước sôi, nhúng hồng vào khoảng 10 giây (để hạn chế bị mốc trong quá trình phơi) rồi vớt ra treo lên. Nếu phơi ở nơi có nhiều khói bụi, nên phủ màn tránh ruồi nhặng và bụi bẩn.
3. Phơi hồng ở nơi thoáng gió, tránh sương, mưa. (Nếu phơi ở ngoài trời thì đến tối lại mang vào nhà bật quạt nhẹ). Sau khi phơi được 1 tuần, quả hồng hơi héo và bắt đầu mềm ra một chút thì đeo găng tay nilon và nắn bóp mát xa cho chất ngọt lan đều.
Hồng sau 1 tuần phơi
Lưu ý, nhớ mát xa nhẹ tay để tránh làm bục quả hồng, dễ gây mốc. (Không nắn bóp hồng quá sớm sẽ làm hồng tiết ra nhựa dễ bị thâm).
4. Tiếp tục phơi hồng thêm 2 tuần nữa. Mỗi 1 hoặc 2 ngày mát xa hồng 1 lần. Sau 3 tuần kể từ khi bắt đầu phơi là hồng khô vừa đủ, còn hơi mềm tay, ăn dẻo dẻo.
5. Sau khi thu hoạch, cho hồng vào ủ cùng vỏ hồng đã phơi khô, để ngăn mát tủ lạnh 1-2 tuần là lên phấn trắng khắp quả vô cùng đẹp mắt.
Chúc các bạn thành công!