Gà rừng lai – nói khẽ: khỏi chê!

Tuy nhiên, số lượng gà rừng lai cũng không nhiều, nên thị trường hàng quán ở trung tâm Sài Gòn ít thấy bán. Mặc dù, nhiều thực khách sành sỏi thường gạn hỏi về giống gà bay hấp dẫn này.

Hiếm hoi, còn một quán trong hồ câu cá Phú Hữu, ở Q.9, TP.HCM, đường đi khá quanh co và khách phải chịu khó đặt trước rồi chờ chủ quán gọi lại.

Gà rừng lai đời F2 vẫn rất nhát – Ảnh: Tấn Tới

Chỉ còn cánh miền Đông, một số vùng như Bến Cát, Bình Dương; Đồng Xoài, Bình Phước; Bình Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu, rải rác giống “gà tre đi bụi”.

Chú gà trống rừng lai gần 1 tuổi, nặng không quá 1.1kg, “tích” xanh bạc, chân xanh đen làm món gì cũng ngon. Đúng điệu, đem ướp với ít lá mắc mật giã cùng nhúm muối ớt rừng, nướng lên, thơm lộng lẫy! Lai rai cùng bầu bạn thì sướng như tiên.

Thanh tân gà rừng lai nướng mắc mật – Ảnh: Tấn Tới

Cần tí nước húp cho mát lòng, giải cảm có món hầm cùng lá và trái ớt hiểm hườm, chấm muối lá é. Ăn uống vào, mồ hôi kéo nhau rịn ra, bao sảng khoái lại theo về. Sớ thịt gà trắng tươi, chắc ngọt nhưng không quá dai. Thêm vị é nồng the kích thích dịch vị tuôn trào, càng đắm đuối.

Được biết, việc lai gà cũng mất khá nhiều thời gian và công sức. Trước tiên, người dân địa phương sẽ chọn mua những “chị” mái tre biết chăm con giỏi, rồi thả vào vạt rừng cao su thường nghe tiếng gà rừng gáy “te te”.


Thịt gà ngọt chắc nhưng không dai – Ảnh: Tấn Tới

Song việc tăng đàn gà rừng lai rất chậm. Bởi đa phần bà con ở miền Đông, thường thả lang gà vào rẫy chứ không nuôi nhốt. Dưới năm tuần tuổi, gà con lai chưa mọc đủ lông nên không thể bay nhanh theo mẹ lên ngọn cây cao trú mưa hoặc lẫn trốn chồn, cú… nên tỉ lệ hao hụt khoảng 50%.

Đồng thời, dân chơi gà  tre đá và nuôi kiểng cũng rất thích gà rừng lai. Bởi ngoài bộ lông đẹp mắt, gà trống lai còn lì đòn, bay cao đá giỏi và sở hữu tiếng gáy có âm độ cao dễ áp đảo tinh thần đối thủ.

Đủ biết, gà rừng lai như hoa lạc giữa rừng… gươm. Cho nên, những ai lỡ chưa ăn cũng đừng vội… thử, nếu không dễ mắc chứng ghiền!