GS Trần Đông A: Cử tri lựa chọn đại biểu phải “đúng người, đúng thời điểm”!
GS.TS.BS Trần Đông A: Tôi không kỳ vọng ở cá nhân, mà đặt niềm tin vào “Đoàn đại biểu”
Theo GS.TS.BS Trần Đông A, khi thể hiện quyền ở lá phiếu của mình, cử tri hãy chọn người phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, như cách nói bây giờ là “Đúng Người – Đúng thời điểm”!
23/5, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra trên cả nước. Các cử tri đều đang nghiên cứu kỹ hồ sơ ứng viên ở khu vực bầu cử của mình để có quyết định đúng đắn, lựa chọn đúng người tài đức đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực cao nhất. Nhân dịp này, báo Dân trí đã có buổi trao đổi cùng Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Đông A.
– Thưa giáo sư, ông vốn nổi tiếng với những phản biện, đóng góp mang tính đột phá. Trong 2 kỳ liên tiếp giữ vai trò của “Ông Nghị” (Đại biểu Quốc hội khóa XI và XII), những kiến nghị nào của ông đã được đi vào cuộc sống? Kiến nghị nào khiến ông tâm đắc nhất? Và liệu có còn điều gì “tiếc nuối”?
– Tôi từng nghiên cứu chế độ bảo hiểm y tế tại Pháp và từng có bài phát biểu trước Hội đồng nhân dân khóa IV và sau này tại Quốc hội về vấn đề này, đại ý là chỉ có bảo hiểm y tế là cách duy nhất để mọi người dân, bất kể thuộc tầng lớp nào, đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách khả dĩ nhất.
Các cố gắng của tôi đã được ghi nhận và trung ương cho phép thí điểm đầu tiên ở TPHCM vào những năm đầu thập kỷ 90. Sau đó, Luật Bảo hiểm Y tế ra đời vào năm 2008. Thực tế đã chứng minh, đã thấy hiệu quả khi chúng ta đang tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Dịch vụ y tế hầu như đã “phủ khắp” mọi đối tượng. Không chỉ thế, danh mục dịch vụ y tế (phương pháp điều trị lẫn thuốc tây) chi trả theo chế độ bảo hiểm ngày được mở rộng cả về chất lẫn lượng. Và người dân tiếp cận dịch vụ y tế cũng dễ dàng hơn. Có thể nói, đây là kiến nghị được đưa vào cuộc sống theo kiểu “Trên giấy đưa vào cuộc sống” nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Một luật khác mà chúng tôi cố gắng thúc đẩy là Luật Ghép tạng. Luật liên quan đến hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vào năm 2006. Đây chính là kiến nghị mà tôi cho rằng vẫn còn điểm mà tôi “tiếc nuối”. Bởi, theo luật hiện nay, vẫn chỉ cho phép người đủ 18 tuổi hiến tạng.
Đây chính là điều khá bất cập, vì thực tế có rất nhiều trẻ em đang chờ được ghép tạng, trong khi nguồn tạng hiến từ trẻ em thì Luật của mình chưa cho phép. Và ghép tạng của người lớn cho trẻ em thì rất phức tạp, thậm chí kéo theo nhiều hệ lụy, rủi ro…
Mới đây bệnh viện tôi đã ghép quả thận do một người lớn (người bố) nặng 60kg cho một đứa trẻ (người con) chỉ nặng 20kg. Với ca này, chưa nói đến những khó khăn khi ghép sao cho quả thận lớn của người bố vào được đúng vị trí trong ổ bụng nhỏ của người con, mà những hệ lụy sau đó là phải truyền dịch rất nhiều để nuôi quả thận. Việc cơ thể của người con còn nhỏ, phải nuôi quả thận lớn sẽ khiến gây nhiều hệ lụy như suy tim, phù phổi…
Trong khi đó, nếu Luật ghép tạng mở rộng “hành lang pháp lý” cho phép trẻ em dưới 18 tuổi hiến tạng khi chết não thì việc ghép tạng giữa trẻ em với trẻ em sẽ đơn giản hơn nhiều và hiệu quả của việc ghép cũng rất cao. Hiện, chúng tôi hiện vẫn đang góp ý để sửa đổi những điều này cho phù hợp hơn.
– Được biết, trong kỳ bầu cử sắp tới, ông được mời là một trong những cử tri đầu tiên của TP mới Thủ Đức đi thực hiện quyền công dân. Với lá phiếu của mình, ông có đặt kỳ vọng vào một cá nhân nào? Hay hy vọng điều gì đặc biệt?
GS.TS.BS Trần Đông A nói về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội.
– Kỳ bầu cử năm nay diễn ra sau khi chúng ta tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tôi vinh dự được làm đại biểu khách mời của Đại hội nên có nghiên cứu kỹ các văn kiện tài liệu của đại hội. Phải nói là không nước nào soạn thảo các văn kiện cẩn thận, chỉnh chu về các mặt phát triển của đất nước như ở ta và các văn kiện đã được thảo luận rất đầy đủ.
Bằng nhận định chủ quan của cá nhân, tôi cho rằng những người được giới thiệu ra ứng cử tại TPHCM đều là người có trình độ cao vì TPHCM là trung tâm khoa học kỹ thuật của cả nước. Các ứng cử viên đều rất xứng đáng, vấn đề là chọn người nhỉnh hơn một chút, người cần thiết cho giai đoạn hiện tại.
Giai đoạn hiện nay, đất nước đang phát triển nền kinh tế số, kỹ thuật số, đang xây dựng TPHCM trở thành một thành phố số theo nghị quyết của TP và Trung ương. Nói cách khác, chúng ta phải chọn “Đúng người, Đúng thời điểm”. Tuy nhiên, tôi không hy vọng ở một cá nhân mà là kỳ vọng vào Đoàn Đại biểu Quốc hội của TPHCM trong nhiệm kỳ này (2021-2026).
Còn câu hỏi “hy vọng điều gì khác?”, tôi theo dõi thời sự khá sát, theo những thông tin gần đây tôi được biết, Chính phủ đã hứa hẹn sẽ ủng hộ kiến nghị cho TPHCM được giữ lại tỷ lệ ngân sách nhiều hơn. Nếu điều này trở thành hiện thực, TPHCM sẽ có điều kiện để phát triển mạnh hơn nữa. Là con dân của thành phố này, đây chính là điều tôi mong ước.
– Là người đi trước với kinh nghiệm 2 kỳ liên tiếp trong vai “ông Nghị”, với các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội kỳ này, ông có “nhắn nhủ” điều gì, thưa ông?
– Kinh nghiệm hai nhiệm kỳ (10 năm) của tôi khi giữ vai trò là Đại biểu Quốc hội, đó là luôn cập nhật kiến thức thực tế nhưng phải chú ý quan sát tổng quan vấn đề, bởi làm chính khách khác với làm chuyên môn.
Làm chuyên môn thì mình phải nói thẳng để cùng nhau tranh luận và giải quyết vấn đề.
Còn làm chính khách thì phải biết khi nào nên nói và nói như thế nào? Phải luôn ý thức mình là đại biểu Quốc hội để giữ gìn hình ảnh của đất nước cũng như góp ý cho những vấn đề quan trọng của đất nước sao cho không chỉ “Có Tâm” mà phải “Có Tầm”. Điều này đòi hỏi đại biểu luôn phải cập nhật kiến thức, luôn phải sát sao với thực tiễn để thể hiện đúng trách nhiệm của mình là giám sát và phản biện.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn nhất định do đại dịch Covid-19. Do đó, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội thời kỳ này phải nỗ lực nhiều hơn để cùng giải quyết những công việc lớn của đất nước sắp tới.
Công việc của đại biểu Quốc hội, một cách tổng quan thì có 3 nhóm việc quan trọng phải làm tốt. Thứ nhất là làm luật, phải làm thế nào để không có tình trạng luật vừa ra đã phải sửa đổi, không thể đi vào cuộc sống. Thứ hai, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì phải có tầm nhìn khái quát được từ kinh nghiệm thực tế. Và cuối cùng là giám sát, phải chịu khó đi đến các nơi để giám sát, góp ý, phản biện để cơ quan hành pháp thực hiện.
GS.TS – Bác sĩ Trần Đông A: Đại biểu Quốc hội cần làm tốt 3 nhóm việc quan trọng.
Kinh nghiệm cá nhân tôi là đại biểu Quốc hội không chỉ cần luôn cập nhật kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn mà còn cần đi nhiều, giám sát nhiều để có kinh nghiệm thực tiễn. Có như vậy thì mới giám sát tốt và góp ý đúng để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước. Tức là, nếu là một đại biểu Quốc hội “có Tâm và có Tầm” thì không chỉ cần trí lực mà còn cần cả thể lực.
22/05/2021