GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng người phụ nữ Anh hùng của ngành y tế

Đến nơi, tôi xin gặp BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc BV này theo cuộc hẹn qua điện thoại trước đó. BS. Phượng đang dự cuộc họp Đảng ủy (mở rộng), đã xin phép cuộc họp để đưa tôi đi thăm một số khoa, phòng. Chị rất vui khi được biết tôi vừa từ Hà Nội vào và có nguyện vọng đến thăm Khoa Hiếm muộn. Theo dọc hành lang chị tranh thủ kể cho tôi nghe về hoạt động của BV sau ngày giải phóng và thỉnh thoảng, chị phải dừng lại nhiều lần để ký những văn bản do chị em các bộ phận kế cận chuẩn bị, hoặc các hóa đơn, chứng từ cần có xác nhận của Giám đốc. Tôi thật sự ái ngại về sự tất bật vất vả của chị, nhưng như hiểu được nỗi băn khoăn đó, chị vui vẻ nói lên niềm vui trong công việc để cho tôi yên tâm. Khoa Hiếm muộn được thành lập trước đó không lâu, sau khi chị dành thời gian khá dài nghiên cứu các tài liệu nước ngoài và tìm hiểu kỹ càng tình hình hiếm muộn của những cặp vợ chồng ở nước ta. Chị tâm nguyện về việc đem lại hạnh phúc làm cha, làm mẹ của không ít cặp vợ chồng nhiều năm mong đợi có đứa con sau những tháng năm dài kết hôn mà chưa được hưởng niềm vui quý giá đó.

GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng.

GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng.

Tôi chú ý đến kho lưu giữ bảo quản tinh trùng, được bảo quản trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối và nhiệt độ thích hợp. Đồng thời, việc theo dõi chặt chẽ chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, tính toán ngày rụng trứng để lấy noãn và đưa vào thụ tinh trong ống nghiệm có sẵn tinh trùng đã được sàng lọc có sức sống cao nhất, đảm bảo khả năng trứng được thụ tinh trong ống nghiệm, rồi đem “cấy” vào niêm mạc tử cung để thụ thai. Thật may, tôi được trực tiếp gặp đôi vợ chồng từ một tỉnh khu 4 cũ, được chị vợ kể rằng đã có thai được gần hai tháng. Anh chồng cũng bày tỏ niềm vui và không ngớt lời ngợi khen và biết ơn mẹ Phượng đã đem lại hạnh phúc cho vợ chồng họ. Cũng nằm tại căn buồng đó và vài buồng kế bên, có nhiều chị đã mang thai và những chị đang chuẩn bị sinh… Tôi quay lại hỏi BS. Phượng, chắc  là chị chuẩn bị chào đón lớp công dân vào dịp 30/4/1998, kỷ niệm 23 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước phải không? Chị mỉm cười gật đầu, rồi ân cần dặn dò các cặp vợ chồng những điều cần giữ gìn và theo dõi thai nhi để có kết quả tốt như mong đợi, với những lời thân tình gần gũi nhất. Mọi người đều hứa thực hiện thật đầy đủ những lời căn dặn của mẹ Phượng. Đúng vào dịp 30/4/1998, 3 công dân được sinh ra theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã chào đời, đánh dấu cột mốc lịch sử của ngành sản khoa nước ta và từ đó đến nay, hàng nghìn trẻ sơ sinh đã sinh ra không chỉ ở BV Phụ sản Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh, mà đã nhân ra trên một số BV phụ sản của nước ta, đem lại nguồn vui và hạnh phúc vô bờ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn trên cả nước.

Cuối năm đó, qua điện thoại, BS. Phượng hẹn gặp tôi tại Hà Nội, khi chị ra họp Quốc hội; chị trao cho tôi bài giới thiệu về BV Phụ sản Từ Dũ mà tôi viết trước đó, được chị sửa và ký đồng thuận. Chị vui mừng báo tin cho tôi biết, bản luận án phó tiến sĩ của chị đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và sẽ được bảo vệ ít ngày sau đó. Thật đáng cảm phục về sức làm việc không ngơi nghỉ của một phụ nữ đã vượt qua tuổi tác và khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống riêng tư, vẫn luôn lạc quan, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng là đại biểu Quốc hội ba khóa VII, VIII, IX, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa IX, ủy viên đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, TW Hội Phụ nữ Việt Nam, chị đang đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (hình ảnh chị đưa nạn nhân chất độc da cam trên xe lăn trên đường phố Thủ đô Washington còn để lại ấn tượng sâu sắc với mọi người). Năm 2000, GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Chị đã góp phần xứng đáng vào danh hiệu Anh hùng Lao động của BV Từ Dũ. Ba người con gái của GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng đều trưởng thành, trong đó, BS. Vương Thị Ngọc Lan là bác sĩ sản khoa nổi tiếng, giảng viên Bộ môn Phụ sản, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, chị đã được nhận giải thưởng Kovalevskaia – phần thưởng danh giá về khoa học cho các tác giả nữ có đóng góp xứng đáng. Chồng TS. Lan, BS. Hồ Mạnh Tường là Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ là một thầy thuốc có uy tín của ngành y tế thành phố mang tên Bác.

Năm nay, GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Những cặp vợ chồng hiếm muộn đã gọi chị là “Mẹ Tiên”. Đó là phần thưởng vô giá!

Chúng ta bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng về chị với lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

GS.TS.AHLĐ.TTND. Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một trong những người phụ nữ tiêu biểu của ngành y tế nước ta.