Fluor: Ứng dụng và cảnh báo

Thứ Hai 15/12/2008 , 08:00 (GMT+7)

Fluor là một nguyên tố hóa học có ký hiệu là F với số nguyên tử là 9.

Fluor có thể ngừa sâu răng, nhưng nếu dùng quá nhiều lại gây hại cho men răngFluor là một nguyên tố hóa học có ký hiệu là F với số nguyên tử là 9. Phân tử F2 chứa hai nguyên tử fluor là một chất khí mầu vàng nhạt hay nâu và là một chất oxy hóa rất mạnh.

Fluor được dùng rộng rãi trong công nghiệp như hydrofluoric acid (HF) dùng để khắc ăn mòn thủy tinh trong bóng đèn điện, tetrafluoroethylene và perfluorooctanoic acid (PFOA) dùng trong sản xuất chất dẻo có độ mòn thấp như Teflon (polytetrafluoroethylene), fluorochlorohydrocarbon dùng cho máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh, sulfur hexafluoride là một chất khí trơ và không độc, được dùng làm chất cách điện trong các thiết bị điện thế cao, sodium fluoride được dùng làm thuốc trừ sâu, đặc biệt là trừ gián…

Trong ngành y các dẫn chất của fluor được dùng trong thuốc gây mê, chống viêm, chống nấm và trong kháng sinh (như fluoroquinolone)…

Fluor có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể như giúp ngăn ngừa sâu răng, tham gia cấu trúc xương và dây chằng, kích thích tổng hợp collagen ở giai đoạn đầu để khôi phục xương gãy, kích thích các tế bào xương làm tăng khối lượng xương dùng trong điều trị bệnh loãng xương. Men răng là tổ chức cứng nhất của cơ thể, thành phần chủ yếu của men răng là apatit, fluor có thể ngấm vào men răng và tạo thành fluoroapatit, làm cho răng cứng chắc hơn và ít bị ăn mòn bởi acid, từ đó tránh bị sâu răng.

Trong đời sống hàng ngày, fluor được dùng rộng rãi để ngăn ngừa sâu răng; hợp chất của fluor như sodium hexafluorosilicate (Na2SiF6) hay hexafluorosilicate acid (H2SiF6) được thêm vào nguồn nước sạch (nước fluor hóa) cung cấp cho các hộ dân trong thành phố; sodium fluoride (NaF), thiếc fluoride (SnF) dùng trong thuốc đánh răng.

Ở một số nước, hệ thống cung cấp nước không về được nông thôn thì fluor dưới dạng fluoride đã được trộn vào muối ăn (muối fluor hóa đang được thực hiện ở 40 nước châu Âu và Mỹ). Theo vnexpress.net thì tháng 10 năm 2008, Việt Nam thí điểm trộn fluor vào muối ăn, chương trình thực hiện ở Lào Cai do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ (www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/07/3BA0502A/?q=1).

Khoảng 5,7% dân số thế giới đã dùng nước fluor hóa, trong đó có 62,5% dân Mỹ, 12 triệu dân Tây Âu, bao gồm Anh, Tây Ban Nha, Ireland, Pháp và Đức; một vài nước châu Âu khác dùng muối fluor hóa như Hà lan, Thụy điển. Hiện nay Trung Quốc, Nhật, Philippines và Ấn độ không dùng nước fluor hóa. Ở Mỹ mức fluoride trong nước là 0,7 đến 1,2 mg/lít tùy thuộc vào nhiệt độ không khí, trời nóng thì dùng mức thấp còn trời lạnh thì dùng mức cao. Ở Úc mức fluoride là 0,6 đến 1,1 mg/lít.

Với vai trò ngăn ngừa sâu răng của fluor đưa vào nước sinh hoạt hay vào trong thuốc đánh răng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa kỳ coi đây là “một trong top 10 những thành tựu của y tế cộng đồng thế kỷ 20”.

Tuy fluor có nhiều ứng dụng trong đời sống, nhất là vai trò bảo vệ răng, nhưng đã có những cảnh báo về sự nhiễm độc của fluor. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì mức fluoride trên 1,5 mg/lít nước sẽ gây nguy cơ ngộ độc fluor ở răng (gọi là fluorosis răng), nếu tiêu thụ nước có mức trên 10 mg/lít thì gây biến đổi bệnh lý trong cấu trúc xương (fluorosis xương).

Nhiễm độc dễ mắc phải khi cho trẻ nhỏ dùng thuốc đánh răng chứa fluor. Trẻ có thể nuốt phải thuốc đánh răng. Liều độc gây chết tiềm năng của fluoride là 5mg/kg cân nặng; nếu ăn phải fluoride với liều thấp hơn 15-20 lần liều gây chết (0,2-0,3 mg/kg cân nặng) thì có những rối loạn về tiêu hóa như đau bụng, ỉa chảy, tiết nhiều nước bọt, buồn nôn và nôn, ra mồ hôi nhiều và khát nước.

Chính vì nguy cơ trên mà từ năm 1997 Tổ chức Thuốc và Thực phẩm Hoa kỳ (FDA) đã yêu cầu các loại thuốc đánh răng có chứa fluoride phải cảnh báo trên nhãn dòng chữ: “Tránh không cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi tiếp xúc với thuốc. Nếu có triệu chứng nhiễm độc do nuốt phải nhiều thuốc khi đánh răng phải tìm đến cơ quan chuyên môn để giải độc ngay”.

Ngoài sự nhiễm độc cấp tính do ăn một số lớn fluoride trong một thời gian ngắn còn có nhiễm độc mãn tính do ăn phải fluoride với số lượng nhỏ trong một thời gian dài; độc mãn tính gây bệnh “fluorosis” ở răng và xương. Biểu hiện “fluorosis” dạng nhẹ ở răng là răng bị vàng, bị vân đá (có những đốm trắng trên bề mặt), dạng nặng răng có các vết hoen ố mầu nâu. Trung tâm Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ thấy rằng tỷ lệ trẻ con Mỹ bị “fluorosis” ở răng cao hơn 20 năm trước đây 9%.

Tháng 11 năm 2006 Hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo cha mẹ khi pha chế sữa cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi chỉ nên dùng nước không có hoặc có hàm lượng fluoride rất thấp.

Gần đây, nhờ những nghiên cứu của Tiến sĩ J. Luke trường Đại Học Surry ở Anh đã phát hiện được rằng tuyến quả thông (một tuyến nằm bên dưới não trước, tiết hormon melatonin) là tuyến đích trong cơ thể tích lũy fluoride. Luke cũng tiến hành những thí nghiệm trên động vật để xem fluoride tích lũy ở tuyến này có tác động đến chức năng của tuyến không, đặc biệt đến sự điều tiết melatonin. Melatonin là một hormon giúp điều tiết sự khởi phát của quá trình dậy thì cũng như bảo vệ cơ thể tránh khỏi những tổn hại của tế bào do sự tấn công của các gốc tự do.

Luke đã thấy rằng động vật thí nghiệm xử lý với fluoride đã hạ thấp melatonin trong máu. Hàm lượng melatonin máu giảm được cho là nguyên nhân làm cho sự dậy thì khởi phát sớm (theo www.mercola.com/sites/articles/achive/2008/12/04/fluoride-expose-may-contibute-to-early-puberty).

Ở Mỹ các bé gái có tuổi dậy thì sớm hơn trước đây. Vào năm 1990, theo khảo sát của các nhà nội tiết học thì sự phát triển vú của bé gái – dấu hiệu đầu tiên của dậy thì ở lúc 8 tuổi được coi là bất thường. Tuy nhiên sau những nghiên cứu ở năm 1997, người ta đã thấy rằng 50% bé gái da đen Hoa kỳ và 15% bé gái da trắng Hoa kỳ đã phát triển vú ở tuổi lên 8. Vú phát triển sớm được cho là tăng nguy cơ ung thư vú khi lớn lên, đồng thời cũng làm trẻ mất cuộc sống tuổi thơ do thể xác phát triển nhanh hơn là sự phát triển về tâm sinh lý.

Tất nhiên dậy thì sớm có thể còn do nhiều yếu tố khác gây nên, nhưng yếu tố ô nhiễm hóa chất của môi trường là chắc chắn, đặc biệt các hóa chất gây rối loạn nội tiết như BPA (bisphenyl A), PFOA (Teflon) và PCBs (dẫn chất thuộc nhóm dioxin), trong số này fluoride cũng được nêu tên.