Fintech là gì? Đặc điểm, tác động của công nghệ tài chính tới thị trường – Học viện Tài chính
Trong thời đại công nghệ 4.0 ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Vậy Fintech là gì?
Nội Dung Chính
1. Fintech là gì?
Fintech là viết tắt của từ Financial Technology có nghĩa là công nghệ tài chính. Hiểu một cách đơn giản thì Fintech đề cập đến việc vận dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ đó. Từ đó tạo ra mô hình kinh doanh mới, thay đổi kênh phân phối sản phẩm truyền thống, đơn giản hóa các thủ tục mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
2. Ví dụ về công nghệ tài chính Fintech
Dưới đây là một số ví dụ về Fintech trong một số lĩnh vực như:
- Trong lĩnh vực tài chính: Nhờ ứng công nghệ Fintech, khách hàng có thể vay tiền trên các ứng dụng như Doctor Đồng, Money Cat, One Click Money, Cash 24, Senmo…mà không cần gặp mặt. Quy trình từ lúc làm hồ sơ đến lúc giải ngân đều được thực hiện 100% online. Người vay chỉ cần nộp hồ sơ qua website/ứng dụng, tổ chức cho vay sẽ dựa trên những thông tin đó để xét duyệt khoản vay mà không cần phải gặp mặt để thẩm định. Số tiền vay sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của khách hàng cung cấp. Quy trình trả nợ cũng được thực hiện trực tuyến giúp người vay tiết kiệm khá nhiều thời gian và chi phí đi lại.
- Trong lĩnh vực ngân hàng: Các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại (hay còn gọi là Mobile banking) chính là những ví dụ điển hình về Fintech của ngân hàng. Các ứng dụng đó do ngân hàng quản lý và liên với công ty Fintech để triển khai. Khi sử dụng ứng dụng ngân hàng, khách hàng có thể tự quản lý tài khoản của mình, thực hiện các giao dịch thanh toán hóa đơn, chuyển khoản nội bộ, liên ngân hàng nhanh chóng mà không phải đến trực tiếp phòng giao dịch để làm thủ tục. Có thể thấy, Fintech là cánh tay nối dài của ngân hàng giúp ngân hàng dễ dàng kết nối với khách hàng ở khắp mọi miền của đất nước.
3. Đặc điểm của công nghệ tài chính (Fintech)
- Fintech hoạt động dựa trên trí tuệ nhân tạo, nó được xem như một chú robot có thể nhận diện, thống kê, thiết lập nhu cầu của khách hàng thông qua các thuật toán.
- Fintech có thể làm thay đổi nguồn lực tài chính trong tương lai khi một nhân viên có thể hỗ trợ nhiều khách hàng trong mỗi lần giao dịch.
- Fintech có thể làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng sang hình thức online thay vì gặp mặt trực tiếp như trước.
- Fintech trong lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ các dịch vụ thanh toán và chuyển khoản.
- Trong lĩnh vực tài chính Fintech là nền tảng giúp bên cho vay và khách hàng kết nối với nhau mà không phải gặp mặt trực tiếp. Mọi quy trình từ tiếp cận, đăng ký, nộp hồ sơ, giải ngân, trả nợ đều được thực hiện thông qua tổ chức cho vay sử dụng Fintech.
- Tương tự trong lĩnh vực bảo hiểm, Fintech cũng giúp khách hàng mua bảo hiểm online nhanh chóng mà vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi.
4. 3 nhóm đối tượng của Fintech
– Các công ty Fintech: là các công ty công nghệ chuyên nghiên cứu và triển khai các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng. Khách hàng của công ty Fintech là người sử dụng cuối cùng hoặc là các ngân hàng, công ty tài chính (hay còn gọi là các định chế tài chính).
– Các định chế tài chính: Mối quan hệ của các định chế tài chính và các công ty Fintech rất mật thiết khi họ luôn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình. Có 2 phương án được các định chế tài chính sử dụng:
- Sử dụng các dịch vụ do công ty Fintech
- Trực tiếp đầu tư nguồn nhân lực để tập trung nghiên cứu, áp dụng công nghệ vào hệ thống của mình để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ.
– Khách hàng: là mục tiêu chính mà các định chế tài chính hướng đến. Việc áp dụng công nghệ tài chính không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh cho các định chế tài chính mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng.
5. Các sản phẩm tiêu biểu của Fintech
Hầu hết các sản phẩm thuộc lĩnh vực tài chính đều ứng dụng Fintech mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới và tiện ích. Các sản phẩm tiêu biểu của Fintech bao gồm:
Các loại ví điện tử
Ví điện tử là một tài khoản điện tử đóng vai trò là phương tiện thanh toán online giúp khách hàng lưu trữ thông tin cá nhân, mua bán hàng hóa nhanh chóng và tiện lợi thông qua mạng internet. Trong những năm gần đây, số lượng người dùng ví điện tử tăng mạnh. Một số ví điện tử phổ biến trên toàn thế giới như: PayPal, Alipay, Google Wallet…
Bitcoin – Đồng tiền điện tử
Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp do Satoshi Nakamoto nghiên cứu, phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở vào năm 2009. Việc trao đổi Bitcoin sẽ được thực hiện trực tiếp với sự hỗ trợ của thiết bị có kết nối internet mà không cần phải thông qua các tổ chức trung gian. Ví dụ, một khách hàng ở Anh có thể chuyển tiền Bitcoin cho đối tác ở Việt Nam trên smartphone có kết nối internet mà không phải thông qua ngân hàng hay bất kỳ tổ chức trung gian nào.
Khác với loại tiền tệ điển hình, Bitcoin không có ngân hàng trung ương quản lý, nó hoạt động dựa trên phương thức ngang hàng trên mạng internet. Có nhiều sàn giao dịch Bitcoin được lập ra để các nhà đầu tư dễ dàng trao đổi mua bán đồng tiền này. Với nguồn cung được giới hạn ở mức 21 triệu đồng Bitcoin nên nó sớm được đón nhân và sử dụng rộng rãi.
TransferWise – Dịch vụ chuyển tiền ngang cấp
TransferWise là dịch vụ chuyển tiền ngang cấp được thành lập vào tháng 1/2011 bởi Kristo Käärmann và Taavet Hinrikus. Ban đầu, TransferWise được ứng dụng để chuyển tiền ra nước ngoài tại London với mức phí hợp lý. Ngay sau đó, ứng dụng này được phát triển ra nhiều nước và dần trở nên phổ biến trên toàn cầu
Lending Club – Dịch vụ cho vay vốn
Đây là một nền tảng cho vay ngang cấp ứng dụng công nghệ tài chính tiên phong tại Mỹ. Theo đó, ứng dụng này kết nối những người có vốn để cho vay và những người đang cần tiền để giải quyết các nhu cầu tài chính mà không phải thông qua một tổ chức trung gian nào khác.
Kickstarter – Gọi vốn cộng đồng
Kickstarter chính thức có mặt tại New York vào năm 2009 cho phép các nhà nghiên cứu, sáng tạo mang dự án của mình để huy động vốn từ người tiêu dùng. Quy trình huy động vốn của các startup đều được thực hiện online thông qua mạng internet. Cho đến nay, Kickstarter là trang gọi vốn lớn nhất giúp cho nhiều startup kết nối thành công với các nhà tài trợ vốn.
Robinhood – Ứng dụng hỗ trợ giao dịch chứng khoán
Robinhood là sàn môi giới chứng khoán được ưa chuộng ở Mỹ. Nó hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu Mỹ ở nền tảng website và trên ứng dụng được tải về điện thoại. Số lượng người dùng của Robinhood tăng mạnh từ 1 triệu người vào năm 2016 tăng đến 13 triệu người vào năm 2020.
6. Danh sách các công ty Fintech tại Việt Nam
Hiện nay, có khoảng 154 công ty Fintech tại Việt Nam hoạt động trong các phân khúc chính như: thanh toán (payment), cho vay ngang hàng (P2P lending), công nghệ bảo hiểm (Insurtech), blockchain/cryptocurrency, ngân hàng số (digital banking), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), SMEs Financing, đầu tư và quản lý tài sản (retail investment & wealth management), Comparison, đánh giá điểm tín dụng (credit scoring), POS…
Trong đó, có một số công ty Fintech khởi nghiệp nổi tiếng ở Việt Nam như:
- Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) – Ví điện tử MoMo
- Công ty CP Đổi Mới Công Nghệ Tài Chính Fiin – FIIN CREDIT
- Công ty Cổ phần ZION – Ví điện tử ZaloPay
- Công ty Cổ phần AirPay – Shopee Pay
- Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY)
- Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ Whypay
- Công ty TNHH dịch vụ di động Việt Nam
- Công ty cổ phần giải pháp thanh toán điện lực và viễn thông
- Công ty TNHH MTV tư vấn tài chính LGC
- Công ty cổ phần TrueMoney Việt Nam
- Công ty TNHH Grab…
7. Tác động của Fintech với ngành tài chính
Tác động tích cực
– Việc ứng dụng công nghệ tài chính đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới thay đổi kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống.
– Các Big Data giúp các tổ chức tài chính dễ dàng phân tích hành vi khách hàng, thu thập dữ liệu, giảm chi phí hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ quá trình ra quyết định để nâng cao chất lượng dịch vụ.
– Sự phát triển của công nghệ mới như xác thực sinh trắc học, định danh khách hàng điện tử… giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, giúp tổ chức tài chính tiết kiệm nguồn nhân lực, khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
– Fintech thu hút sự quan tâm của nhiều Startup trong thời gian qua vì không yêu cầu nguồn vốn lớn và không cần nhiều chi nhánh như hệ thống ngân hàng truyền thống.
– Tạo ra giải pháp cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được các dịch vụ tài chính do rào cản về địa lý, thủ tục. Fintech còn giúp các nhóm khách hàng cá nhân hoặc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các dịch vụ tài chính tốt hơn. Các đối tượng khách hàng này thường bị ngân hàng từ chối vì không đáp ứng được các điều kiện về vốn và tài sản.
– Fintech còn cung cấp danh mục sản phẩm tài chính đa dạng nhờ sự phát triển của công nghệ. Đồng thời đảm bảo phục vụ khách hàng 24/7, tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet.
Tác động ngoài mong muốn
– Doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ việc gian lận tài chính, tội phạm công nghệ, phát tán mã độc, lỗ hệ thống. Giải pháp công nghệ thông tin càng hiện đại thì rủi ro càng nhiều, một sự cố xảy ra có thể dẫn đến rủi ro của toàn bộ hệ thống.
– Các quy định của pháp luật hiện hành chưa theo kịp tốc độ phát triển của của Fintech. Điều này là nguyên nhân dẫn đến các vụ lừa đảo liên quan đến Fintech trong thời gian gần đây như: kinh doanh tiền điện tử, lừa đảo góp vốn mua máy đào tiền ảo…
– Chính vì sự thuận tiện của Fintech nên nhiều người sử dụng các dịch vụ tài chính mà không hiểu về sản phẩm, không có kiến thức nền tải, không biết cách bảo mật thông tin. Những sơ hở này dễ khiến người tiêu dùng bị lừa đảo, bị tội phạm công nghệ tấn công chiếm đoạt tiền…
– Thị phần của các ngân hàng có thể bị giảm bớt để chia sẻ với các công ty Fintech.
– Sự thay đổi của công nghệ có thể làm thay đổi lớn về mặt nhân sự làm việc tại các quầy giao dịch truyền thống tại ngân hàng. Với xu hướng phát triển “ngân hàng không giấy tờ”, “tổ chức tài chính không giấy tờ” sẽ giảm bớt các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, các tổ chức tài chính trong tương lai.
8. Tổng quan thị trường Fintech Việt Nam 2021
Tại Việt Nam, số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tăng nhanh trong thời gian gần đây. Năm 2015, chỉ có 39 công ty gia nhập vào thị trường này. Con số này tăng lên 74 công ty vào năm 2017, 124 công ty vào năm 2019. Đến này, con số này ước tính lên đến hơn 150 công ty. So với các nước trên thế giới thì con số này vẫn khá khiêm tốn. Cụ thể:
- Tại Singapore có hơn 1.150 công ty
- Tại Indonesia có hơn 510 công ty
- Tại Malaysia có hơn 370 công ty.
Trong các sản phẩm/dịch vụ của Fintech thì thanh toán vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể tính đến tháng 10/2020, có 39 nhà cung cấp các dịch vụ thanh toán được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Trong đó có 5 ví điện tử lớn nhất là: MoMo, ViettelPay, ZaloPay, Payoo và Moca. Hiện nay tỷ trọng các công ty Fintech tham gia vào lĩnh vực thanh toán đã giảm nhưng việc chiếm tới 31% tổng doanh nghiệp hiện có trên toàn thị trường thì thanh toán vẫn là lĩnh vực chủ đạo.
Bên cạnh đó, các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng chiếm 17%, blockchain/cryptocurrency chiếm 13%. Đây đều là những phân khúc có mức độ tăng trưởng rất mạnh thể hiện ở việc gia tăng số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực này, từ 5 công ty vào năm 2017 đến hơn 15 công ty vào năm 2020.
Các dịch vụ tài chính cá nhân, quản lý tài sản, bảo hiểm, đầu tư… cũng bắt đầu có những công ty xuất hiện và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn chưa cao. Ví dụ, tỷ lệ công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực Đầu Tư & Quản Lý Tài Sản đang dừng ở mức khá khiêm tốn là 7,5%. Điều đó chứng tỏ nguồn cung cho mảng này vẫn còn thiếu hụt. Đó là cơ hội dành cho các Startup mới.
Sự hiện diện của Fintech trên thị trường đầu tư tài chính tại Việt Nam như sau:
- Đối với thị trường sơ cấp: Nền tảng gọi vốn đang dần được thay thế
- Đối với thị trường thứ cấp thì các nền tảng hướng dẫn giao dịch, đầu tư bắt đầu hình thành như:
- Nền tảng nhận diện điện tử khách hàng (e-KYC)
- Nền tảng quản lý danh mục đầu tư trực tuyến, tổng hợp thông tin và quản lý tài chính cá nhân
- Nền tảng hướng dẫn giao dịch và đầu tư theo mẫu
- Nền tảng tư vấn và môi giới trực tuyến
- Nền tảng phân phối chứng chỉ quỹ qua sở giao dịch chứng khoán…
Ngoài ra, trên thị trường còn có:
- Các ứng dụng quản lý, giám sát
- Nền tảng cho hoạt động thanh toán bù trừ
- Nền tảng tổ chức thị trường dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp
- Ứng dụng phân tích dữ liệu lớn,
- Ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo
- Công nghệ điện toán đám mây
- Công nghệ sổ cái phân tán – DLT…
Như vậy lĩnh vực Fintech vẫn còn khá hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Để thị trường Fintech phát triển lành mạnh, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế số, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.