F&B Là Gì? Bạn Biết Gì Về Bộ Phận F&B Trong Khách Sạn?
F&B trong khách sạn là gì? Đây ắt hẳn là câu hỏi được nhiều bạn học ngành Nhà hàng Khách sạn quan tâm. Trong bài viết sau từ Hướng Nghiệp Á Âu sẽ giúp bạn hình dung về bộ phận F&B trong khách sạn.
Nội Dung Chính
F&B là gì?
F&B (Food and Beverage Service) là bộ phận nhà hàng và quầy uống trong khách sạn, chịu trách nhiệm cung cấp thức ăn và đồ uống cho thực khách và cả đội ngũ nhân viên làm việc tại khách sạn (đặc biệt khách sạn 4 – 5 sao), đồng thời cung ứng dịch vụ tổ chức tiệc sinh nhật, tiệc cưới, buffet cho hội thảo, liên hoan cuối năm…
F&B là dịch vụ ẩm thực trong khách sạn (Nguồn ảnh: Internet)
Bộ phận F&B trong khách sạn khác với bếp ăn ở nhà nghỉ, khách sạn quy mô nhỏ hoặc các loại hình kinh doanh F&B độc lập bên ngoài. Đó có thể là quầy bar nhỏ bên hồ bơi khách sạn, quầy rượu ở khu vực tiền sảnh, nhà hàng sang trọng nằm trong khuôn viên khách sạn…
Vai trò bộ phận F&B trong khách sạn
Đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách
Ăn uống là nhu cầu không thể thiếu của khách du lịch. Bất kỳ du khách nào đi du lịch cũng muốn trải nghiệm dịch vụ ẩm thực tốt nhất, do đó khách sạn không thể thiếu đi bộ phận F&B. Bộ phận F&B không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, làm tăng vị thế khách sạn mà còn góp phần thúc đẩy doanh thu.
Gia tăng doanh thu
Theo như các bản thống kê, báo cáo của nhiều khách sạn, F&B mang về nguồn lợi nhuận cao thứ hai, chỉ sau dịch vụ buồng phòng. Bên cạnh thuê phòng để nghỉ ngơi thì khách chắc chắn sẽ bỏ tiền ra để ăn uống trong khách sạn, không nhiều thì ít. Có thể sẽ là một buổi tối buffet thịnh soạn, hoặc có thể đơn giản là ly cocktail tại quầy bar. Dù khách có nhu cầu gì thì cũng sẽ giúp tăng doanh thu cho khách sạn.
F&B mang lại lợi nhuận kinh doanh khổng lồ cho khách sạn (Nguồn ảnh: Internet)
Tăng nhận diện thương hiệu
Chức năng thứ 3 của F&B trong khách sạn là gì? Một bữa ăn ngon, nhân viên phục vụ niềm nở, không gian sang trọng, giá cả hợp lý chắc chắn sẽ khiến khách hài lòng và quay trở lại, đồng thời “lôi kéo” thêm bạn bè, người thân trong lần đến tiếp theo.
Khách sạn cung cấp dịch vụ ẩm thực tốt sẽ nhận được feedback, review tích cực, giúp bạn trở thành lựa chọn số 1 trong mắt khách, góp phần đưa thương hiệu của khách sạn khắc sâu vào tâm trí khách hàng.
Các vị trí trong bộ phận F&B trong khách sạn
Giám đốc F&B (F&B director)
Giám đốc F&B chịu trách nhiệm thực hiện chính sách, quy định và đáp ứng các mục tiêu của khách sạn; đảm bảo lợi nhuận đối với từng khu vực phục vụ ăn uống trong phạm vi quản lý.
- Tìm hiểu xu hướng, thị hiếu khách hàng để cập nhật và lên danh sách món ăn cho nhà hàng.
- Làm việc với đầu bếp từng khu vực để lên thực đơn cho từng khu vực ẩm thực.
- Làm việc với nhà cung cáp thực phẩm, so sánh và lên chính sách giá.
- Định giá suất/món ăn sao cho đạt lợi nhuận tốt nhất.
- Đào tạo/ đề bạt/ tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên.
- Quản lý hoạt động chung của nhà hàng, đảm bảo tiến độ và có sự phối hợp hoạt động giữa các bộ phận với nhau.
Quản lý nhà hàng (Restaurant manager)
Quản lý nhà hàng chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ các khu vực gồm phòng chờ đại sảnh, các tầng, các quầy buffet, phòng tiệc riêng biệt…; đặt ra tiêu chuẩn phục vụ, tuyển dụng/ đào tạo nhân viên; lên lịch làm việc, lịch nghỉ để các khu vực phục vụ hoạt động trôi chảy và hiệu quả…
Trưởng nhóm phục vụ (Head waiter)
Trưởng nhóm phục vụ quản lý các nhân viên phục vụ trong phòng ăn, quan sát và chỉ dẫn để quy trình phục vụ không gặp sai sót; hỗ trợ trưởng nhóm đặt bàn và ghi một số yêu cầu gọi món của khách; lên lịch làm việc và lịch nghỉ; có thể thay thế giám đốc nhà hàng hoặc trưởng nhóm đặt bàn khi họ vắng mặt.
Nhân viên trực bàn (Commis de rang/Commis waiter)
Công việc của nhân viên trực bàn là đứng phục vụ trực tiếp trong khi khách sử dụng dịch vụ nhà hàng nhằm đáp ứng nhu cầu kịp thời và phối hợp với bộ phận bếp để bữa ăn của khách không bị gián đoạn.
Nhân viên phục vụ là vị trí bắt buộc phải có trong bộ phận F&B (Nguồn ảnh: Internet)
Nhân viên đón tiếp (Host/Hostess)
Vai trò của nhân viên đón tiếp là tiếp đón, chào hỏi và mời khách ngồi vào bàn. Trong thời gian khách ăn, họ phải thông tin tới nhóm trưởng để đảm bảo rằng nhu cầu của khách luôn được đáp ứng. Thông thường nhân viên đón tiếp là đầu mối giao tiếp cuối cùng với khách hàng, đó chính là cơ hội bán hàng.
Nhân viên pha chế (Bartender, Barista)
Nhân viên pha chế thông thạo về những thành phần cần thiết để pha chế các thức uống có cồn, cà phê…
Nhân viên phụ trách đồ ăn tự chọn (Chef de buffet)
Nhân viên này chịu trách nhiệm các món ăn tự chọn từ cách bài trí, chia món đến tính khẩu phần món ăn, cách phục vụ món ăn. Nhân viên này thường là nhân viên bếp.
Nhân viên tiệc (Banquet staff)
Trong khách sạn lớn thường có một lượng cố định nhân viên tiệc, bao gồm quản lý bộ phận tiệc, trợ lý quản lý bộ phận tiệc, trưởng nhóm nhân viên phục vụ tiệc, nhân viên pha chế đồ uống… Thông thường các nhân viên khác của bộ phận tiệc được tuyển vào làm theo thời vụ.
Bên cạnh đó, F&B trong khách sạn còn có nhân viên phục vụ rượu vang (Wine waiter), nhân viên chia đồ ăn (Carver hoặc Trancheur), nhân viên trực tầng (Chef d’Etage hoặc Floor waiter)…
Chúng ta vừa cùng khám phá F&B trong khách sạn là gì và những vị trí trong bộ phận F&B khách sạn. Trong những bài viết tới, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về chủ đề ngành F&B là gì, thị trường F&B là gì và tổng quan về ngành F&B Việt Nam.