Eco Fashion: Sự thức tỉnh của người tiêu dùng thời trang văn minh | Thời trang | Vietnam+ (VietnamPlus)
Khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó nó tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt cho lịch sử ngành thời trang thế giới và cả Việt Nam.
Giờ đây, thời trang không chỉ là phương tiện để con người phô diễn hình thức, phong cách cá nhân, mà với những người khắt khe và kỹ lưỡng, thời trang còn phải đáp ứng được yêu cầu thân thiện môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh tất cả đang phải thắt chặt hầu bao vì dịch bệnh. Cũng do đó khái niệm “thời trang bền vững” đã ra đời.
Nếu như trước kia thời trang bền vững còn khá xa lạ với nhiều người, thì ngày nay, đặc biệt trong khoảng thời gian đại dịch, khái niệm này lại được phủ sóng rộng khắp nơi trên thế giới và được đông đảo tín đồ thời trang quan tâm đón nhận.
Thời trang bền vững: Hiểu thế nào cho đúng?
Theo thống kê mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ 2 thế giới và lượng khí carbon thải ra môi trường chiếm từ 8-10% (tương đương lượng khí thải carbon của toàn bộ châu Âu), nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại.
Thời trang bền vững sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, dễ phân hủy nhằm hạn chế áp lực xả rác ra môi trường.
Hiện, cứ một kg vải được sản xuất sẽ thải ra 23 kg khí hiệu ứng nhà kính, hơn 60% sợi vải là sợi tổng hợp, 75% vật liệu cung ứng trong thời trang đều bị thải ra các bãi rác (con số này tương đương cứ mỗi giây có một xe tải rác vải dệt xả ra môi trường). Vì vậy nếu quần áo bị chôn vùi trong bãi rác, nó sẽ không phân hủy. Việc này vô hình chung đã tạo thêm gánh nặng cho trái đất vì phải chứa khối lượng rác thải khổng lồ khó phân hủy.
Trước nguy cơ đó, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm tòi, thử nghiệm để cho ra đời những chất liệu an toàn và thân thiện với môi trường làm nguyên liệu sản xuất cho ngành công nghiệp may mặc. Từ đó mới ra đời khái niệm Sustainable fashion (thời trang bền vững) hay Eco fashion (thời trang sinh thái) – dòng thời trang được tạo ra với mục đích kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của thời trang đối với hệ sinh thái.
Những chất liệu tiêu biểu của thời trang bền vững có thể kể đến như: Vải sợi tự nhiên dễ phân hủy, vải hữu cơ (làm từ sợi tự nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ), chất liệu thủ công (làm bằng tay như đan len, sợi…).
Tuy nhiên, tính “bền vững” ở đây không chỉ dừng ở yếu tố bảo vệ môi trường. Một thương hiệu được gọi là bền vững khi nó có thể cân bằng được các yếu tố bảo vệ môi trường, con người và những giá trị nhất định cho cộng đồng.
Earth Polo của Ralph Lauren (mỗi chiếc áo được làm từ khoảng 12 chai nhựa tái chế được chuyển từ bãi rác và đại dương và 100% chiếc áo cũng có thể tái chế).
Vậy điều gì được cộng thêm vào giá trị của một món đồ thời trang bền vững? Đó là tính nhân đạo đối với những người góp công tạo dựng nên trang phục bằng cách giúp họ được trả lương tương xứng; nhân đạo cả với thiên nhiên, môi trường khi tạo dựng một tương lai xanh đáng sống cho thế hệ kế cận.
Song, không phải tín đồ thời trang nào hay nhà thiết kế, thương hiệu nào cũng có thể theo đuổi xu hướng này. Vì đó thực sự là một bài toán kinh tế đau đầu với bất cứ ai muốn theo đuổi Eco fashion.
Muốn xây dựng thương hiệu đi theo xu hướng thời trang bền vững, cái giá phải trả không hề nhỏ, bao gồm những chi phí bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tối đa lượng hóa chất độc hại sẽ thải ra trong quá trình sản xuất, hay đầu tư vào phát triển những kỹ thuật sản xuất hiện đại nhằm tránh lãng phí tài nguyên tự nhiên.
Burberry chính thức tuyên bố về việc chuyển mình thành một thương hiệu thời trang bền vững cao cấp với sự ra mắt dòng sản phẩm thời trang bền vững đầu tiên mang tên “ReBurberry Edit.” (Ảnh: ReBurberry Edit)
Bên cạnh đó, các nhãn hàng sẽ phải tốn chi phí để trả lương và phúc lợi cho công nhân lao động, những người nông dân giúp tạo ra chất liệu xanh, sạch để phục vụ nhu cầu sản xuất…
Sự thức tỉnh của làng mốt thế giới
COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nói chung nhưng riêng thời trang gần 2 năm qua lại có những chuyển biến ấn tượng. Mặc dù dịch bệnh đã khiến toàn bộ ngành công nghiệp này phải ngừng hoạt động với việc các tuần lễ thời trang tập trung đông khán giả phải hủy bỏ, hàng loạt cửa hàng đóng cửa, hàng tồn kho không ngừng tăng… nhưng nhờ đó nhiều thương hiệu thời trang đã cơ cấu lại toàn diện hơn và bền vững hơn.
Hàng loạt bộ sưu tập được giới thiệu tới công chúng theo hình thức mới mẻ cùng các sản phẩm thân thiện môi trường ra đời, những chiếc khẩu trang độc lạ chưa từng thấy, các tuần lễ thời trang vẫn diễn ra đầy sôi động trên “cõi mạng.”
Đại dịch COVID-19 đã thành cơ hội để các chương trình diễn thời trang trải qua cuộc “đại tu.” Lúc này, các thương hiệu xa xỉ quay sang thử nghiệm với nền tảng kỹ thuật số và cho phép người xem tương tác trực tuyến với nhà thiết kế.
Khi đối diện với lượng rác thải từ việc tiêu thụ tài nguyên của mình, con người bắt đầu quan tâm và có ý thức hơn việc trở thành những người tiêu dùng tốt và văn minh hơn.
Một số sản phẩm trong bộ sưu tập Gucci Off The Grid của nhà mốt Gucci. ( Ảnh: Gucci.com)
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Forbes, 87% người Mỹ được khảo sát cho biết họ sẽ quan tâm đến việc mua các sản phẩm có lợi cho xã hội và môi trường nếu có cơ hội.
Thay vì chỉ “săm soi” sản phẩm có hợp mốt hay không, thời thượng thế nào, họ đang dần chú trọng vào sự tiện dụng, bền chắc của trang phục, chất lượng hơn số lượng để tránh lãng phí và bảo vệ môi trường xanh.
Nhà thiết kế người Canada gốc Lebanon đồng thời là một nhà hoạt động tích cực trong lĩnh vực thời trang quốc tế, bà Celine Semaan từng kêu gọi sự thức tỉnh của các công ty chỉ quan tâm tới lợi nhuận rằng cần đặt sức khỏe của hệ sinh thái vào trung tâm hệ thống kinh doanh, tập trung vào con người, cộng đồng thay vì đồng tiền.
Một chiếc váy được tạo ra từ những mảnh vải vụn của nhà thiết kế Trần Hùng. (Ảnh: NVCC)
Một số nhãn hàng thời trang chọn đi theo con đường thời trang bền vững và luôn dành ưu tiên đặc biệt cho hệ sinh thái trong quá trình thiết kế và sản xuất, có thể kể đến như Levi’s, Nudie Jeans, SAYE, Viktor & Rolf, Tribe Alive… Thậm chí, những nhà mốt danh tiếng như như Gucci, Prada, Versace… cũng chẳng thể đứng ngoài cuộc. Những nỗ lực của các nhà mốt nổi tiếng thế giới đã khẳng định con đường tất yếu của thời trang bền vững và sự thức tỉnh của nền công nghiệp may mặc toàn cầu.
Việt Nam bắt nhịp xu hướng
Ở Việt Nam, thông điệp rõ ràng của thời trang bền vững mới chỉ bắt đầu được chia sẻ, đón nhận và quan tâm từ khoảng giữa năm 2016. Nhưng khá nhanh chóng, cho đến nay xu hướng này ngày càng được nhiều nhà thiết kế trẻ cho đến người tiêu dùng đón nhận. Chẳng phải vô cớ mà Tạp chí Forbes nhận định thời trang bền vững sẽ tiếp tục tạo ảnh hưởng trong năm 2021.
So với những tác động tiêu cực mà Fast fashion (thời trang nhanh) gây ra cho môi trường thì Sustainable fashion (thời trang bền vững) chính là giải pháp tối ưu và tích cực. Khi dịch bệnh còn bùng phát chưa thể kiểm soát trên cả nước, người dân phải làm việc dài ngày tại nhà nên có xu hướng lựa chọn trang phục tối giản, vừa giúp tiết kiệm chí phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Chính vì thế, các nhà thiết kế Việt thời gian qua chủ yếu tập trung vào các dòng sản có xu hướng bền vững. Một số gương mặt trẻ tiêu biểu có thể kể đến như: Nhà thiết kế Vũ Thảo (người tiếp cận với xu hướng bền vững ngay từ những ngày đầu bằng thương hiệu Kilomet109); nhà thiết kế Trần Hùng với bộ sưu tập Revival (Hồi sinh) được trình chiếu tại London Fashion Week 2021 mang đậm bản sắc Việt; nhà thiết kế Tom Trandt (Trần Minh Đạo) – chủ thương hiệu thời trang Môi Điên; nhà thiết kế Võ Công Khanh với đam mê tái chế Jeans…
Thiết kế Jacket của Vũ Thảo được làm từ bông dệt tay và nhuộm chàm của nghệ nhân Nùng An ở Cao Bằng. (Ảnh: Kilomet109.com)
Trong số đó, Vũ Thảo nổi bật với việc tự trồng nguyên liệu thô, dệt, trang trí (vẽ sáp ong, thêu thùa), nhuộm tự nhiên, thiết kế, dựng mẫu, sản xuất và ra mắt bộ sưu tập. Quá trình sản xuất sản phẩm thời trang của cô cũng gắn kết mật thiết với một loạt các nghề thủ công truyền thống có nguy cơ mai một ở Việt Nam như dệt lụa, dệt bông, dệt lanh, nhuộm chàm, nhuộm mặc nưa, mài đá, thêu thùa…
Việc tái tạo thương hiệu cũng là câu chuyện được các nhà thiết kế trong nước tính toán sau thời gian dài bị COVID-19 “kìm kẹp.” Quán quân cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Việt Nam 2014 Lý Giám Tiền đã phải chuyển hình thức kinh doanh sang trực tuyến cũng như học cách tùy cơ ứng biến trước dịch bệnh.
Các nhà thiết kế như Thủy Nguyễn, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long hiện cũng triển khai một số dự án hợp tác với các trang thương mại điện tử nhằm giới thiệu sản phẩm ở phân khúc bình dân hơn, ra mắt các thiết ké váy đơn giản qua hệ thống bán trực tuyến, giới thiệu những bộ sưu tập nhỏ trên trang web.
Không chỉ các nhà mốt dẫn dắt xu hướng mà khá nhiều KOLs (những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng) của Việt Nam như Helly Tống, Giang Ơi, Đỗ Việt Anh, Suboi, Trần Quang Đại… cũng nhiệt tình hưởng ứng và theo đuổi phong cách sống xanh, thường xuyên lan tỏa ý nghĩa của việc sử dụng những sản phẩm bền vững.
Siêu mẫu Thanh Hằng trong thiết kế bụi bặm, phóng khoáng của nhà thiết kế Võ Công Khanh.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp thời trang. Tuy nhiên, khi đối diện “cơn bão” này, dù có mất mát nhưng những người làm thời trang Việt Nam đã có cơ hội nhìn nhận lại và làm mới mình bằng hướng đi bền vững với thời trang sinh thái.
Quan trọng là, cần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa những giá trị cốt lõi bền vững mà Sustainable fashion hay Eco fashion mang lại cho chất lượng cuộc sống con người trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên và nghề truyền thống, tại sao không thể ứng dụng rộng rãi vào thời trang bền vững?./.