Dưỡng chí

Đó vẫn chưa phải điều bất ngờ ông Khộp dành cho ông Bích. Ông Khộp pha trà. Hương hoa trong vườn xôn xao trong ngôn ngữ riêng, im lặng đấy mà sao rộn ràng, nghe như xuân đã về, rắc mùi hương dịu nhẹ lên từng ngấn mây, từng vạt lá. Lúc ấy, con trai ông Khộp xách chiếc lồng ngũ long tranh châu, chạm trổ tinh xảo. Bên trong là chú hoàng khuyên mầu vàng óng. Con trai ông Khộp chào khách, chào bố rồi treo chiếc lồng chim lên cái móc mà vị trí ngồi uống nước nhìn tiện nhất. Ông Khộp giới thiệu: “Con tôi nó mua mười nghìn đô đấy. Riêng cái lồng gần trăm triệu”.

Dù hiểu và gặp nhiều loài chim quý, nhưng ông Bích chưa bao giờ gặp một con chim đẹp đến thế. Dân chơi vẫn đồn khuyên mỏ hồng, chân hồng, mắt đỏ như ruby là thứ quý gấp nhiều lần vàng. Con chim này có ý nghĩa phong thủy, mang tài lộc đến cho người chủ. Đây là lần thứ bao nhiêu không biết nữa, ông được người ta khoe thú chơi, rất thịnh tình, rất thật chứ không phải kiểu khoe khoang của trọc phú. Ra đi làm ăn kinh tế ở tỉnh miền núi gần ba mươi năm, rồi trở về làng ở hẳn, ông Bích vẫn được dân làng trân trọng, ai cũng mở lòng. Cũng bởi suốt những năm qua, bình quân độ hai năm ông mới về thăm làng một lần, nhưng đều quà cáp tươm tất cho các cụ trong họ mạc, cúng tiến cho đình, chùa, góp sức mở rộng đường làng. Người ta bảo ông thuộc dạng chơi được, ăn ở có trước có sau. Cách đây ba năm, hai người làng lên làm ăn ở thị trấn xứ núi, đã được ông Bích tận tình giúp đỡ, tạo cho mối quan hệ nên làm ăn khấm khá. Về làng lúc nào cũng oách, lên xuống đều bằng xe hơi.

Tóc bạc, sức giảm, ông về nương vào nếp làng, người làng mang sự nhiệt tâm ra đối đãi. Ông Bích mừng lòng vì họ hàng, làng xóm vẫn yêu thương, gần gũi. Một khi đã đan bện gốc rễ ở quê thì dù có thất bại, khuỵu ngã, quay về vẫn “có phúc có phần”. Đấy, hai năm qua kể từ ngày vợ chồng ông chuyển về hẳn, hễ người trong làng có vật quý hiếm đều nhã ý mời ông thưởng lãm trước, cho nhận xét, đám hiếu, hỉ bao giờ cũng có mặt ông. Con hoàng khuyên trong chiếc lồng đắt tiền loạch xoạch chào ông Bích, đôi mắt ruby long lanh ướt át như thể loài động vật cũng dấy lên cái tình. Điều đó khiến ông vô cùng cảm kích. Chim hoàng khuyên được mệnh danh là “vua của các loài chim”. Nó sở hữu vẻ ngoài lộng lẫy, toát lên khí chất vương giả nhờ bộ lông vàng đẹp mắt.

Ông Khộp gật gù, cười:

– Chả giấu gì ông. Tôi mới bán được suất đất. Thằng con tôi nó cũng chịu mày mò, tìm kiếm. Cách chơi của nó hợp tôi lắm. Trong làng ta xuất hiện những người chơi sành, tham gia hội này hội kia, lúc sang xã bên, lúc lên thị trấn thi thố, kiếm cái tiếng.

– Đúng là quê hương ta đổi thay nhiều quá. Chuyện ăn chuyện mặc chẳng quan trọng là mấy, thú chơi sang trọng thịnh hành.

★★★

Gần ba mươi năm trước, thị trấn vùng cao xinh xắn đón gia đình ông. Ông Bích thuê đất làm chè, rồi học cách nấu rượu, tay năm tay mười thu vén mối quan hệ. Nhờ sức khỏe, chịu khó, tính toán cẩn thận, ông có của ăn của để. Ông cũng phát tâm hỗ trợ bà con trong thị trấn làm giàu, giúp cán bộ xã có thêm kinh nghiệm quản lý. Khi đã vững chân, ông đưa thêm vài gia đình trong họ Phạm lên làm ăn, mở trang trại, ủng hộ tiền làm đường đến một số bản khó khăn. Được người dân tin quý, mỗi dịp Tết đến, họ mang đến nhà ông khi thì giò lan rừng, lúc là bộ gỗ lũa thơm, khi khác lại là cặp vành khuyên hót giọng lửa, rồi cặp khiếu, cặp họa mi. Nhà ông lúc nào cũng rộn ràng bởi sự thơm thảo của những tấm lòng.

Có của ăn của để, ông lại mở xưởng mộc, dự phần vào việc dựng những nếp nhà, giúp cho thị trấn có thêm tấm áo đẹp. Các ngôi nhà là hoa của thị trấn. Hoa càng đẹp thì vườn thêm rực rỡ. Thị trấn càng phát triển, du lịch cộng đồng được mở mang, khách du lịch nườm nượp về thị trấn, nghề mộc của ông càng khấm khá, tạo được nhiều việc làm cho thanh niên thiếu việc nơi thị trấn. Khi con cả đỡ đần ông được nhiều việc, con trai thứ hai học đại học, ông Bích cũng tự ngơi việc để dành thời gian cho thú chơi chim. Ông thường tìm về chợ chim Mường Khương, một trong những khu chợ đẹp của vùng núi này tầm chim. Họa mi vùng cao Tây Bắc có nét đặc trưng, vóc dáng khỏe khoắn, hót hay, nếu dùng để chọi thì cực kỳ thiện chiến. Nhân – một chủ trang trại chè mới nổi đã biếu một con họa mi trắng khi biết ông Bích thích chơi chim. Phần vì Nhân quá nhiệt tình, phần vì thích thú nên ông Bích đã nhận. Nhưng mang về, chim cứ im bặt, buồn chán, đờ đẫn. Làm sao đây? Ông lại đi hỏi, học cách để con họa mi trắng phải cất tiếng hót. Đó là cả một sự kỳ công mà sau này ông thấm thía câu nói của người xưa: “Nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng chí, nuôi cây dưỡng thần”. Từng bước một, phải cho chim quen hơi người, quý người, quen không gian, chịu ăn, chịu sống từ đó mới thích nhảy múa, cất tiếng hót. Đó cũng là chân lý ở đời, mỗi người phải rèn luyện ý chí, vượt qua khó khăn, có chí hướng lớn, suy nghĩ dài hạn.

★★★

Cuộc sống đang an lành bỗng gia đình ông gặp nhiều biến cố lớn. Đầu tiên là người vợ tháo vát của ông lâm trọng bệnh. Rồi đến cậu con trai đi học ngành xây dựng, xin được vào một công ty xây dựng. Nó liên miên theo công trình. Một ngày kia công ty về thị trấn đầu tư khu du lịch mới, được cho là “khủng” nhất ở vùng núi này. Thằng Hiệp con ông ngấm thói đua đòi, vay mượn khắp nơi. Ông Bích không biết nó bị tiêm nhiễm thói xấu từ lúc nào, chỉ khi bị người thị trấn đến đòi tiền mới ngã ngửa vì số nợ đến hơn mười tỷ đồng. Nó bị ai thay tim, đổi não? Nó dám dựa vào tiếng tăm của bố, âm thầm vay người quen trong thị trấn, phá hỏng những nguyên tắc sống bao năm ông gây dựng. Một vài người ghen ăn tức ở thì bảo ông tận số, tích lũy mấy chục năm để thằng con phá trong vài tháng. Rồi khu du lịch mới xây dựng để lại nhiều tiếng xấu, phá quy hoạch, mang những thứ ăn chơi đua đòi rắc vào đầu thanh niên bản. Ông đưa vợ về xuôi điều trị. Những con chim cảnh, kể cả con họa mi trắng đều phải nhờ người chăm, nhưng thiếu bàn tay ông, chúng bỏ ăn, lông vũ xơ xác. Người cháu được nhờ chăm sóc chim chóc gọi điện cho ông, báo tình hình. Ông bảo, phóng sinh cả đi. Vậy là những con chim được sổ lồng.

Thị trấn trở nên ồn ã. Ông Bích đặng thấy mình không còn phù hợp, liền giao cơ ngơi cho con cả quản lý, chia việc cho các cháu làm ăn, giữ mối. Ông về quê. Thằng Hiệp nay đây mai đó với cái thú vui không hãm phanh nổi. Bố khuyên nhủ nhiều lần, nhưng nó không nghe.

Khu vườn của ông Bích đã đan bện mầu xanh, hoa tươi thắm. Ông trồng đào, quất và gây dựng những chậu mai chiếu thủy đẹp mắt, lại chơi chim cảnh và cố gắng lựa những con tinh anh nhất, nhiều sức lực nhất như thể muốn giọng hót của chúng bổ trợ cho tâm hồn. Sức khỏe bà vợ đã ổn, nhưng đòi hỏi chế độ an dưỡng khắt khe. Bà và ông thấy về quê là êm ấm nhất. Sau bao năm ra đi giờ về quê cha đất tổ, thấy tiền bạc chẳng đáng kể gì so với sự ấp iu của quê hương. Ngay hôm ông bà trở về, đến đầu làng trẻ con đã xúm xít, đứa đỡ hộ vật này, đứa khênh hộ đồ kia. Rồi họ hàng, láng giềng đến hỏi thăm, tay bắt mặt mừng. Ngay tối đó, cụ Viên trưởng tộc họ Vũ đạp xe sang, bảo: “Anh về, làng quý lắm. Cái nếp làng bao năm vẫn giữ được. Chả thế mà các ông các bà ấy đi làm ăn, giàu có tận đẩu tận đâu, vẫn phải quay về dựng một mái nhà, trồng ít hoa thắm. Giờ khu giãn dân cũng đẹp lắm. Anh cần thêm đất thì lão đây hỏi cho”. Ông Bích thưa: “Dạ, nhà cháu được cụ và mọi người quý mến, đó là cái diễm phúc. Ít bữa nữa cho ổn định cái chân, cháu xin bàn với cụ vài việc ạ”.

Ngay hôm sau ông Bích đã xắn tay vào việc. Từ sửa nhà, hỏi nơi bán giống, chậu cảnh, rồi chỗ bán chim, nơi giao lưu, ông Bích đều được giúp tận tình. Ông cũng đến gặp “vua” chim Hoàng Thịnh, chuyên về chim thi đấu. Trong Festival Sinh vật cảnh của huyện vừa rồi, chú hoàng khuyên của ông Thịnh giành giải vô địch. Ngắm con hoàng khuyên, ông Bích nể lắm. Qua thú chơi của người làng, ông Bích hiểu rằng, ở đâu con người cũng cần những thú chơi tao nhã, miễn là có người gây dựng phong trào, tạo ra được sân chơi lành mạnh.

★★★

Nhấc điện thoại, ông Bích nghe tiếng ông Khộp hốt hoảng: “Con hoàng khuyên nhà tôi mất tích rồi. Nó sổ lồng…”. Ông Bích lặng đi vài giây, rồi chợt trấn tĩnh: “Có lẽ nó không đi xa đâu. Chắc chỉ quanh quẩn trong khu vườn, rồi nó lại về”. Chạy sang nhà ông Khộp, thấy khuôn mặt nhầu nhĩ của người bạn già, xưa học chung trường làng, ông Bích thấy xót xa. Thì ra, con hoàng khuyên về nhà ông Khộp được vài hôm thì bỏ ăn, mắt đờ đẫn, chẳng còn dáng vẻ uy quyền vương giả. Ông Khộp ứa nước mắt: “Mất rồi. Tôi hớ hênh, có thể vì thấy nó chậm chạp nên không đóng cửa lồng cẩn thận”. Ông Bích an ủi: “Thôi, nếu chẳng may nó bỏ đi thật, cũng là chưa có duyên. Mà tôi tin, nó vẫn ở đâu đó quanh đây”.

Sáng ba mươi, không khí đón xuân đã rộn ràng. Ông Bích ngồi ngắm hoa thì nghe tiếng ồn bên khu lồng chim. Là con hoàng khuyên. Nó đang chơi đùa với những con vành khuyên trong lồng. Tiến lại gần ông nhận ra con chim quý của bố con ông Khộp. Vẫn đôi cánh vàng ruộm, cặp mắt ruby tinh anh. Nó có vẻ dạn dĩ, có người đến vẫn mải mê với những “ca sĩ bầu trời” khác. Ông nói với chim: Ta bảo mày, hãy về với chủ đi. Gia đình họ đang nhớ mày lắm đó. Thử thách người ta thế là đủ rồi. Ra ngoài bầu trời tự do, chắc gì mày đã được bảo vệ an toàn như trong chiếc lồng tráng lệ đó.

Giơ tay lên đón lấy, con hoàng khuyên ngoan ngoãn ở trong tay. Ông Bích gọi bạn mang lồng đến, đón nó về. Khi con hoàng khuyên đã được đưa vào lồng, ông Bích phân tích:

– Con chim này thích giản dị. Đấy, tôi bắt được là do nó mải chơi với lũ chim nhà tôi. Nhìn ắt hiểu nó muốn gì. Nó chưa quen với sự sang trọng. Anh Tú đây đặt nó vào chiếc lồng quá tráng lệ, trong khi nó thích giản dị.

Bố con ông Khộp há hốc miệng nghe. Đúng là, nuôi chim cũng phải bằng cái tâm, thấu hiểu tính cách, sắc lông và thậm chí đôi mắt của nó để đoán biết tâm trạng. Nó không vui thì làm sao cất tiếng hót.

Để Tú mang hoàng khuyên về trước, ông Khộp ở lại cùng thưởng trà với ông Bích. Bên trong, vợ ông Bích đã chuẩn bị xong cỗ tất niên. Thằng con thứ cũng mới gọi điện, hẹn sẽ về thưa chuyện, xin lỗi bố. Khuôn mặt ông Bích giãn ra, thư thái.