Dược sĩ lâm sàng là gì? Vai trò của dược sĩ lâm sàng bệnh viện
Nội Dung Chính
Dược lâm sàng là thuật ngữ thông dụng trong y văn và thực hành dược, vậy nên, dược sĩ lâm sàng sẽ có nhiệm vụ thực hành những công việc liên quan đến dược lâm sàng. Cùng bài viết tiếp hiểu về dược lâm sàng, dược sĩ lâm sàng cũng như các hoạt động, quyền, nghĩa vụ và cơ hội việc làm của dược sĩ lâm sàng.
Có thể bạn chưa biết: Dược sĩ là gì
I. Dược sĩ lâm sàng là gì?
1. Dược lâm sàng là gì?
Dược lâm sàng là một chuyên khoa y tế miêu tả các hoạt động và dịch vụ của dược sĩ lâm sàng nhằm phát triển, thúc đẩy việc sử dụng đúng đắn và hợp lý thuốc và các vật dụng y tế. Dược lâm sàng ra đời với mục tiêu chính là phòng bệnh gây ra do thuốc hoặc do sai sót thuốc, và tối ưu trị liệu thuốc.
Theo Hội Dược lâm sàng châu Âu (2005), dược lâm sàng là “một chuyên khoa của ngành y mô tả các hoạt động của dược sĩ lâm sàng để thúc đẩy việc sử dụng thuốc hợp lý,an toàn”. Tiếp đến, vào năm 2008, Dược lâm sàng Hoa Kỳ định nghĩa “Dược lâm sàng là một lĩnh vực dược liên quan đến khoa học và thực hành sử dụng thuốc hợp lý. Dược lâm sàng là một môn khoa học trong đó dược sĩ tham gia chăm sóc bệnh nhân nhằm tối ưu hóa điều trị và tăng cường sức khỏe, thể chất, tinh thần và ngăn ngừa bệnh tật”.
Theo tổ chức y tế Việt Nam và căn cứ theo Luật Dược 2016 số 105/2016/QH13, “dược lâm sàng là hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hành dược về tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thuốc”.
Như vậy, dù mỗi nước trên thế giới có cách định nghĩa riêng về dược lâm sàng nhưng nhìn chung, các khái niệm này luôn mang ý nghĩa thống nhất là sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
2. Dược sĩ lâm sàng là gì?
Theo Thông tư 31/2012/TT-BYT ngày 20/12/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện, dược sĩ lâm sàng là những dược sĩ làm việc trong lĩnh vực dược lâm sàng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện tư vấn về thuốc cho thầy thuốc trong chỉ định, điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc cho cán bộ y tế và cho người bệnh.
Tìm việc làm, tuyển dược sĩ đại học có thể bạn quan tâm:
– Trưởng Ca Nhà Thuốc An Khang
– Quản Lý Nhà Thuốc An Khang
– Dược Sĩ Chuyên Môn Nhà Thuốc An Khang (có CCHN)
II. Thực hành dược lâm sàng là gì?
1. Thực hành dược lâm sàng
Thực hành dược lâm sàng là một cấu phần trong thực hành của các nhân viên chăm sóc sức khỏe, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa kết quả điều trị cho bệnh nhân bằng các can thiệp dược để sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Đây là cấu phần hướng đến người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm. Các hoạt động của dược sĩ lâm sàng gắn liền với quá trình sử dụng thuốc, ngoài xem xét đơn thuốc còn phải quan tâm đến tình hình sử dụng thuốc trên người bệnh.
2. Kỹ năng thực hành dược lâm sàng
Thực hành dược lâm sàng được thực hiện trong từng giai đoạn của quá trình sử dụng thuốc, bao gồm xem xét, đánh giá ban đầu, thực hiện kế hoạch chăm sóc dược, đánh giá, theo dõi trị liệu.
Thực hành dược lâm sàng cần được sự hỗ trợ của các cấp quản lý, được thực hiện bởi các dược sĩ được đào tạo chuyên sâu và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hiện hành, được giám sát thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng thuốc sao cho tối ưu nhất. Thực hành dược lâm sàng bao gồm các hoạt động như sau:
– Đánh giá sự phù hợp giữa chẩn đoán và thuốc: Xem xét sự phù hợp giữa thuốc được kê đơn và chỉ định; hoặc kê đơn thuốc cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng.
– Đánh giá tính hợp lý trong sử dụng thuốc: Đánh giá về liều lượng, dạng bào chế, thời gian dùng, cách dùng,… Xem xét sử dụng thuốc với các đối tượng đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người mắc các bệnh về gan hoặc béo phì,…
– Đánh giá người bệnh: Đánh giá mức độ hiểu biết về bệnh và thuốc của bệnh nhân, theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân để tránh các sai sót liên quan đến việc sử dụng thuốc.
– Đánh giá chi phí – hiệu quả điều trị: Lựa chọn thuốc tối ưu dựa trên các chi phí liên quan đến sử dụng thuốc hoặc liệu pháp điều trị với hiệu quả điều trị. Đồng thời xem xét các vấn đề liên quan đến phát sinh chi phí.
III. Chăm sóc dược lâm sàng là gì?
Chăm sóc dược lâm sàng là quy trình chăm sóc bệnh nhân của dược sĩ lâm sàng nhằm đảm bảo bệnh nhân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Như vậy, dược sĩ lâm sàng sẽ trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc các nhân viên y tế có liên quan để kê đơn sử dụng thuốc cho bệnh nhân.
Khác với thực hành dược lâm sàng, chăm sóc dược lâm sàng chỉ tập trung vào một bệnh nhân cụ thể, tức là tập trung vào thực hành dược lâm sàng trên từng người bệnh. Vì vậy, đây là hoạt động lấy người bệnh làm trung tâm, nhân viên y tế có nhiệm vụ đáp ứng các nhu cầu liên quan đến thuốc của bệnh nhân.
IV. Nhiệm vụ của dược sĩ lâm sàng là gì?
1. Nhiệm vụ theo quy định hiện hành
Căn cứ vào điều 5 Chương III Thông tư 31/2012/TT-BYT ngày 20/12/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện, dược sĩ lâm sàng có các nhiệm vụ chung như sau:
– Tham gia phân tích, đánh giá tình hình sử dụng thuốc;
– Tham gia tư vấn trong quá trình xây dựng danh mục thuốc của đơn vị, đưa ra ý kiến hoặc cung cấp thông tin dựa trên bằng chứng về việc thuốc nào nên đưa vào hoặc bỏ ra khỏi danh mục thuốc để bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả;
– Tham gia xây dựng các quy trình chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc: quy trình pha chế thuốc (dùng cho chuyên khoa nhi, chuyên khoa ung bướu, dịch truyền nuôi dưỡng nhân tạo ngoài đường tiêu hóa), hướng dẫn điều trị, quy trình kỹ thuật của bệnh viện;
– Tham gia xây dựng quy trình giám sát sử dụng đối với các thuốc trong danh mục (bao gồm các thuốc có khoảng điều trị hẹp, nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, kháng sinh, thuốc cần pha truyền đặc biệt (chuyên khoa nhi, ung bướu), thuốc cần điều kiện bảo quản đặc biệt) do Giám đốc bệnh viện ban hành trên cơ sở được tư vấn của Hội đồng Thuốc và Điều trị;
– Hướng dẫn và giám sát việc sử dụng thuốc trong bệnh viện;
– Thông tin thuốc cho người bệnh và cán bộ y tế: dược sĩ lâm sàng cập nhật thông tin sử dụng thuốc, thông tin về thuốc mới, thông tin cảnh giác dược gửi đến cán bộ y tế và đến người bệnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: trực tiếp, văn bản, bảng tin bệnh viện, thư điện tử, tranh ảnh, tờ hướng dẫn, trang thông tin điện tử;
– Tập huấn, đào tạo về dược lâm sàng: dược sĩ lâm sàng lập kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, cập nhật kiến thức sử dụng thuốc cho bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh viên của đơn vị mình. Kế hoạch và nội dung phải được Giám đốc bệnh viện phê duyệt;
– Báo cáo định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ban Giám đốc, Hội đồng Thuốc và Điều trị: Dược sĩ lâm sàng báo cáo công tác sử dụng thuốc trong buổi họp của Hội đồng Thuốc và Điều trị hoặc buổi giao ban của đơn vị, có ý kiến trong các trường hợp sử dụng thuốc chưa phù hợp;
– Theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và là đầu mối báo cáo các phản ứng có hại của thuốc tại đơn vị theo quy định hiện hành;
– Tham gia các hoạt động, công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc an toàn – hợp lý, vấn đề cải tiến chất lượng và nâng cao hiệu quả công tác dược lâm sàng, nghiên cứu sử dụng thuốc trên lâm sàng;
– Tham gia hội chẩn chuyên môn về thuốc, đặc biệt trong các trường hợp bệnh nặng, bệnh cần dùng thuốc đặc biệt, người bệnh bị nhiễm vi sinh vật kháng thuốc;
– Tham gia bình ca lâm sàng định kỳ tại khoa lâm sàng, tại bệnh viện;
– Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình sử dụng thuốc đã được Hội đồng Thuốc và Điều trị thông qua và Giám đốc bệnh viện phê duyệt;
– Tham gia xây dựng và thực hiện quy trình giám sát điều trị thông qua theo dõi nồng độ thuốc trong máu (Therapeutic Drug Monitoring – TDM) tại các bệnh viện có điều kiện triển khai TDM.
2. Nhiệm vụ tại khoa lâm sàng
Căn cứ vào điều 6 Chương III Thông tư 31/2012/TT-BYT ngày 20/12/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện, dược sĩ lâm sàng có các nhiệm vụ chung như sau:
Dược sĩ lâm sàng tham gia đi buồng bệnh và phân tích về sử dụng thuốc của người bệnh. Tùy theo đặc thù của từng bệnh viện, mỗi bệnh viện sẽ lựa chọn khoa lâm sàng và đối tượng người bệnh cần ưu tiên để triển khai các hoạt động thực hành dược lâm sàng. Đối với từng người bệnh, dược sĩ lâm sàng phải thực hiện bốn nhóm nhiệm vụ sau:
– Khai thác thông tin của người bệnh (bao gồm cả khai thác thông tin trên bệnh án và tiến hành phỏng vấn trực tiếp người bệnh) về:
a) Tiền sử sử dụng thuốc;
b) Tóm tắt các dữ kiện lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng đã có.
– Xem xét các thuốc được kê đơn cho người bệnh (trong quá trình đi buồng bệnh cùng với bác sĩ và xem xét y lệnh trong hồ sơ bệnh án, đơn thuốc) về:
a) Chỉ định;
b) Chống chỉ định;
c) Lựa chọn thuốc;
d) Dùng thuốc cho người bệnh: liều dùng, khoảng cách dùng, thời điểm dùng, đường dùng, dùng thuốc trên các đối tượng đặc biệt, thời gian dùng thuốc;
đ) Các tương tác thuốc cần chú ý;
e) Phản ứng có hại của thuốc.
Sau khi hoàn thành quá trình xem xét các thuốc được kê đơn cho người bệnh, nếu phát hiện có vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc, dược sĩ lâm sàng trao đổi với bác sĩ điều trị để tối ưu hóa việc dùng thuốc đồng thời điền vào mẫu phân tích sử dụng thuốc trên người bệnh (theo mẫu được quy định tại Phụ lục 2 (bao gồm Phụ lục 2A và Phụ lục 2B) được ban hành kèm theo Thông tư này). Trong trường hợp cần thiết, báo cáo trưởng khoa Dược xin ý kiến chỉ đạo.
– Hướng dẫn sử dụng thuốc cho điều dưỡng viên.
– Phối hợp với bác sĩ điều trị để cung cấp thông tin tư vấn cho người bệnh về những điều cần lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc.
3. Nhiệm vụ theo phân tuyến chuyên môn
– Tuyến 4 (tuyến xã, phường, thị trấn): Kiểm tra sự phù hợp giữa chẩn đoán và thuốc, tức là cấp phát thuốc phù hợp với chẩn đoán.
– Tuyến 3 (tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh): Kiểm tra sự phù hợp giữa chẩn đoán và thuốc, đồng thời kiểm tra tính hợp lý trong sử dụng thuốc. Cụ thể, bạn cần cấp phát thuốc phù hợp với chẩn đoán, phát hiện và can thiệp khi phát hiện sai sót (sử dụng có phù hợp với chỉ định không, có phù hợp với bệnh nhân không,…).
– Tuyến 2 (tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Như tuyến 3 và bổ sung các nhiệm vụ đánh giá người bệnh để đưa ra tư vấn phù hợp, cũng như xây dựng và tiến hành các chương trình đào tạo, quản lý.
– Tuyến 1 (tuyến trung ương): Như tuyến 2 và bổ sung thêm các nhiệm vụ là lập kế hoạch điều trị trên từng người bệnh để có thể đưa ra đánh giá về chi phí và hiệu quả điều trị, nhằm đưa ra lựa chọn và sử dụng thuốc tối ưu.
V. Mức độ tác động của dược sĩ lâm sàng
Các hoạt động dược lâm sàng có thế tác động đến việc dùng thuốc đúng ở 3 mức độ khác nhau là trước, trong và sau khi kê đơn.
– Trước khi kê đơn: Dược sĩ lâm sàng có quyền tham gia và tác động đến các chính sách liên quan tới thuốc (thuốc nào được lưu hành trên thị trường, thuốc nào nên được đưa vào danh mục thuốc quốc gia và địa phương,…). Ngoài ra, dược sĩ lâm sàng cũng liên quan đến các hoạt động thử nghiệm lâm sàng ở các mức độ khác nhau như tham gia vào hội đồng đạo đức, vào giám sát thử nghiệm, vào quá trình phân phối và chuẩn bị các thuốc thử nghiệm.
– Trong khi kê đơn: Dược sĩ lâm sàng có thể tác động đến quyền ưu tiên của người kê đơn trong việc lựa chọn thuốc đúng. Họ giám sát, phát hiện và ngăn chặn các phản ứng bất lợi và sai sót về thuốc qua việc đánh giá đơn thuốc; vì vậy, họ có thể lưu ý đến liều lượng thuốc để giám sát điều trị. Ngoài ra, dược sĩ cộng đồng cũng có thể ra quyết định kê đơn trực tiếp với các thuốc không cần kê đơn.
– Sau khi kê đơn: Đóng vai trò chính trong việc giao tiếp và tư vấn bệnh nhân. Cụ thể, dược sĩ lâm sàng có thể cải thiện nhận thức của bệnh nhân về các điều trị, kiểm tra, cải thiện sự tuân thủ của bệnh nhân với các thuốc kê đơn. Như vậy, dược sĩ lâm sàng đảm bảo tính liên tục về nguy cơ và lợi ích của việc điều trị bằng thuốc.
VI. Nội dung hoạt động của dược sĩ lâm sàng
1. Công việc cụ thể của dược sĩ lâm sàng
Các nội dung hoạt động chính của dược sĩ lâm sàng bao gồm:
– Tư vấn: Phân tích cách điều trị, tư vấn cho bác sĩ tính đúng đắn của việc điều trị bằng thuốc; chăm sóc dược cho bệnh nhân ở cả bệnh viện và cộng đồng.
– Lựa chọn thuốc: Phối hợp với các bác sĩ bệnh viện, các bác sĩ đa khoa,… để xác định “Danh mục thuốc” hoặc “Danh sách giới hạn thuốc”.
– Thông tin thuốc: Tìm kiếm thông tin và đánh giá nghiêm túc các y văn khoa học; tổ chức các dịch vụ thông tin thuốc cho cả thầy thuốc và bệnh nhân.
– Lên danh sách và chuẩn bị thuốc: Lên danh sách, chuẩn bị thuốc và các vật dụng y tế phù hợp với các tiêu chuẩn chấp nhận được, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của từng bệnh nhân.
– Nghiên cứu sử dụng thuốc: Nghiên cứu sử dụng thuốc, nghiên cứu dược dịch tễ học, nghiên cứu kết quả, dược cảnh giác và vật tư y tế cảnh giác để từ đó thu thập dữ liệu về điều trị thuốc, giá thành thuốc và kết quả trên bệnh nhân bằng các phương pháp khoa học.
– Dược động học, giám sát thuốc điều trị: Nghiên cứu động học của thuốc, tối ưu hóa liều lượng.
– Thử nghiệm lâm sàng: Lên kế hoạch, tham gia và đánh giá các thử nghiệm lâm sàng.
– Dược kinh tế học: Dùng kết quả của thử nghiệm lâm sàng, các kết quả điều trị bệnh nhân để xác định các đánh giá tỷ lệ giá thành và hiệu quả.
– Phân phối, thực hiện thuốc và vật dụng y tế: Nghiên cứu, triển khai các hệ thống phân phối, thực hiện thuốc và vật dụng y tế sao cho đảm bảo tính an toàn cao hơn khi thực hiện, giảm những tổn thất và nguy cơ sai sót thuốc.
– Giảng dạy và tập huấn: Giảng dạy trước khi tốt nghiệp và sau khi tốt nghiệp cho các dược sĩ và các nhân viên y tế khác, đồng thời đưa ra các chương trình tập huấn và giáo dục cho các đối tượng trên.
2. Các bước trong thực hành chăm sóc dược
– Thu thập, đánh giá và biện giải các dữ liệu liên quan đến người bệnh: Đánh giá các thông tin liên quan đến người bệnh, hỗ trợ dược sĩ trong việc thiết lập kế hoạch điều trị và chăm sóc. Cụ thể, dược sĩ lâm sàng cần tìm hiểu những thông tin liên quan đến việc dùng thuốc để đưa ra các đánh giá về mức độ phù hợp giữa thuốc và bệnh nhân.
– Xác định các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc: Xác định thông qua các đánh giá việc dùng thuốc của người bệnh, bao gồm xem xét sự phù hợp của thuốc với chỉ định nhằm giảm thiểu tối đa tác dụng phụ của thuốc, đưa ra sự phù hợp giữa liều lượng và đối tượng sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, dược sĩ lâm sàng cũng sẽ có thể đánh giá các vấn đề khác như chi phí điều trị và mức độ tuân thủ của người bệnh.
– Lập kế hoạch chăm sóc dược: Xác định mục đích chung của kế hoạch điều trị người bệnh (ví dụ như kiểm soát triệu chứng) để có thể xây dựng kế hoạch chăm sóc dược phù hợp. Mục tiêu này cần được sự thống nhất của đội ngũ chăm sóc sức khoẻ và người bệnh. Tiếp theo sẽ đưa ra đánh giá và chọn phương án điều trị dựa vào tính hiệu quả, an toàn, khả năng sẵn có, chi phí, đặc điểm của từng người bệnh, lợi ích và nguy cơ, sự đồng thuận của người bệnh… để đạt được mục tiêu điều trị theo phương án phù hợp nhất.
– Theo dõi quá trình trị liệu: So sánh thực trạng của người bệnh với mục tiêu điều trị ban đầu, đưa ra nhận xét khách quan tác động tích cực hoặc tiêu cực của kế hoạch chăm sóc dược lên tình trạng của người bệnh. Nếu vấn đề mới liên quan đến thuốc thì có thể điều chỉnh, thay đổi hướng điều trị cũ nếu cần. Song kế hoạch theo dõi trị liệu cần cụ thể tần suất theo dõi và nhu cầu của người bệnh.
VII. Quyền và nghĩa vụ của dược sĩ lâm sàng
1. Người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Người làm công tác dược lâm sàng tại các cơ sở khám, chữa bệnh có các quyền và nghĩa vụ như sau:
– Tiếp cận với người bệnh, bệnh án và đơn thuốc để tư vấn cho người kê đơn trong việc sử dụng thuốc;
– Trao đổi với người hành nghề khám, chữa bệnh để có thể kê đơn và sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả;
– Ghi ý kiến chuyên môn về dược lâm sàng trong hồ sơ bệnh án, đơn thuốc; phản ánh ý kiến với Hội đồng thuốc và Điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp có ý kiến khác nhau về việc kê đơn, sử dụng thuốc cho người bệnh;
– Tham gia hội chẩn chuyên môn về bệnh án, đơn thuốc;
– Tham gia xây dựng hướng dẫn Điều trị chuẩn; danh Mục thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy trình chuyên môn kỹ thuật liên quan đến thuốc;
– Tham gia theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc;
– Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Người làm công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc
Người làm công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Tư vấn, cung cấp thông tin về thuốc cho người mua, người sử dụng thuốc;
– Tư vấn, trao đổi với người kê đơn trong trường hợp phát hiện việc kê đơn thuốc không hợp lý;
– Tham gia theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc;
– Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
VIII. Cơ hội khi theo đuổi nghề dược sĩ lâm sàng
Dược sĩ lâm sàng có thể hành nghề ở nhiều môi trường cơ sở y tế khác nhau, bao gồm các khoa cấp cứu và khoa lâm sàng của bệnh viện, phòng khám đa khoa, nhà thuốc cộng đồng, phòng khám bác sĩ gia đình, viện dưỡng lão và các loại hình chăm sóc sức khoẻ khác. Cụ thể, dược sĩ sẽ tư vấn và hỗ trợ bác sĩ trong việc hướng dẫn sử dụng thuốc. Các dược sĩ bệnh viện còn phục vụ liệt kê danh mục thuốc cần thiết cho bệnh viên sử dụng. Dược sĩ lâm sàng mới tốt nghiệp sẽ có mức lương dao động từ 10 – 20 triệu đồng. Dược sĩ có kinh nghiệm mức lương dao động từ 20 – 30 triệu đồng.
Để có thể trở thành dược sĩ lâm sàng, trong quá trình thực hành chăm sóc dược, bạn cần có những kiến thức chuyên môn về điều trị (điều trị bằng thuốc và điều trị không dùng thuốc), hiểu biết tốt về sinh lý bệnh, có kiến thức dược lý về thuốc. Bên cạnh đó, bạn cũng cần trang bị các kỹ năng giao tiếp khi nói chuyện với bệnh nhân và bác sĩ; kỹ năng giám sát sử dụng thuốc, thông tin thuốc để lập kế hoạch hợp lý, hiệu quả và an toàn; lập kế hoạch điều trị hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn các biện pháp điều trị; kỹ năng đánh giá và giải thích các kết quả liên quan trong quá trình giám sát và theo dõi điều trị bằng thuốc.
Xem thêm:
– Điều kiện và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược mới nhất
– Học Dược, Sẽ làm gì ở Tập Đoàn Bán lẻ Thế Giới Di Động?
– Ngành y sĩ là gì? Cơ hội làm việc và yêu cầu đối với người y sĩ tín nhiệm
Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn những hiểu biết cơ bản về dược sĩ lâm sàng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, đừng quên để lại bình luận bên dưới và chia sẻ cho những người xung quanh nếu bạn thấy nội dung bổ ích. Hẹn gặp lại ở những bài viết tiếp theo.