Đừng xem ’50 Sắc thái’ như loạt phim gợi tình rẻ tiền vì nó không chỉ có ‘cảnh nóng’!
Từ khi ra mắt, bộ tiểu thuyết 50 Sắc thái của nữ nhà văn người Anh E.L.James đã trở thành tác phẩm best seller (bán chạy nhất) toàn cầu. Tiếp nối thành công đó, ba phần phim của series cùng tên cũng ra đời gồm Fifty Shades Of Grey (2015), Fifty Shades Darker (2017) và Fifty Shades Freed (2018). Tuy nhiên, sau khi chuyển thể thành phim, 50 Sắc thái lại trở thành tâm điểm chỉ trích của giới bình luận điện ảnh quốc tế trên nhiều phương diện khác nhau.
Trước hết phải kể đến, chính là vấn đề ở kịch bản phim. Từ một bộ tiểu thuyết gây tiếng vang lớn, việc chuyển thể 50 Sắc thái thành phim không khỏi khiến khán giả mong chờ. Nhưng có lẽ với giới chuyên môn nó lại trở thành một thảm họa điện ảnh. Tạm gác lại hai phần phim đã qua, chỉ nói riêng về Fifty Shades Freed ra rạp vào dịp Valentine vừa rồi cũng đã nhận không ít những lời phê bình. Tờ New York Daily News viết: “Cứ trói tôi lại, đè tôi xuống. Bắt tôi xem phim dở đi. Chỉ cần không phải xem thêm một phần Fifty Shades Freed nào nữa“. Hay tạp chí Rolling Stone cũng nhận xét vô cùng thẳng thắn: “Với phần phim này, chúng ta đã phải trải nghiệm mức độ tệ hại nhất. Chịu đòn từ roi da, dây xích hay các công cụ bạo dâm đều không thảm bằng cảm giác tra tấn khi phải xem phim này“. Chưa dừng lại ở đó, diễn xuất của các diễn viên, hay các cảnh BDSM (bạo lực tình dục) cũng là đề tài được mang ra “mổ xẻ” và thu về không ít những ý kiến trái chiều.
Trở thành “người dưng ngược lối” với giới chuyên môn nói chung, đồng thời được cất nhắc là một trong những cái tên của giải Mâm Xôi Vàng, nhưng 50 Sắc thái vẫn ngang nhiên đạt tổng doanh thu “khủng” tầm 1 tỷ USD sau ba phần phim đã được ra mắt. Vấn đề đặt ra ở đây, là điều gì đã làm nên sự mâu thuẫn này? Đó chính là khán giả. Mặc cho những lời chỉ trích, chê bai của truyền thông và các nhà phê bình, phim vẫn được người xem đón nhận theo những cách rất riêng.
Ở thời điểm hiện tại, nền công nghiệp phim người lớn đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy mà ranh giới giữa phim chứa đựng cảnh nóng mang tính chất nghệ thuật và phim khiêu dâm trở nên không thể mong manh hơn. Từ đây, đối tượng khán giả đến rạp xem phim cũng được phân hóa rõ rệt thành nhiều thành phần khác nhau. Một số là fan của loạt tiểu thuyết 50 Sắc thái, một số vì tò mò và phần còn lại muốn xem cảnh nóng một cách công khai. Trên thực tế, người ta đến rạp đa phần chỉ muốn thỏa sự hiếu kì bên trong con người mình hoặc xem 50 Sắc thái như một bộ phim gợi tình gắn mác nghệ thuật.
Dù nhận nhiều chỉ trích bởi những màn ân ái đốt mắt người xem tần suất cao của hai nhân vật Ana (Dakota Johnson) và Christian (Jamie Dornan), nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phim không có cốt truyện hay không có gì đáng xem ngoài cảnh nóng. Nghiêm túc nhìn nhận, không phải ngẫu nhiên bộ tiểu thuyết của E.L.James trở thành best seller toàn cầu, những câu từ dung tục chỉ thuần miêu tả chuyện gối chăn sẽ không thể làm nên điều đó. Và cũng không phải tình cờ, mà 50 Sắc thái có thể trụ vững phong độ tại phòng vé xuyên suốt ba phần của series, cảnh nóng không thể giữ chân khán giả lâu đến vậy dù đó là một phần đặc trưng làm nên tiếng vang của cả ba phần phim.
Nếu là một khán giả chân chính và đến với phim trong tâm thế thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta thật sự sẽ được sống với một tình yêu đẹp giữa Ana và Christian. Điều khán giả thấy ở bề nổi, chỉ là một chuyện tình giữa hoàng tử và Lọ Lem, nhưng sẽ chẳng có nàng Lọ Lem nào lại phải “thuần hóa” hoàng tử của mình như Ana cả. Đó không chỉ là đoạn đường từ Fifty Shades Of Grey đến Fifty Shades Freed, mà đó là cả một cuộc hành trình để mang người đàn ông như Christian về đúng bản chất con người anh, sống cuộc sống khác đi và học cách yêu một người thật sự, chứ không phải sở hữu họ. Ana đã thay đổi cuộc đời của chàng tỷ phú trẻ tuổi, họ đã cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn để ở lại bên nhau suốt phần đời còn lại của mình. Vậy có phải chuyện tình ngọt ngào này đáng để chú ý hơn những cảnh nóng kia không ?
Ở một góc độ nào đó, tình dục là yếu tố quan trọng góp phần lột tả cái ham muốn nguyên bản của con người trong bộ phim này. Cách tiếp cận vấn đề của 50 Sắc thái thật sự nhạy cảm, nhưng trực tiếp và thậm chí là rõ ràng. Nó không che đậy bất kì điều gì thuộc về bản năng của hai cá thể nam, nữ, đồng thời lại chính là công cụ gián tiếp bóc trần tội ác xâm hại tình dục trẻ em, thông qua lời kể về thời niên thiếu của Christian. Nếu cho rằng bộ phim này rẻ tiền như bao thể loại phim khiêu dâm thuần túy khác, chẳng phải chúng ta đã quá thiển cận hay sao?
Có dung tục và rẻ rúng hay không, không phải do phim, mà do cách chúng ta tiếp cận nó. Nếu bạn xem phim chỉ vì những phân cảnh “xác thịt” thì chẳng những nó trở nên rẻ tiền mà ngay chính bạn cũng không thật sự là con người sâu sắc. Nhưng nếu bạn chỉ xem yếu tố sex như một chất xúc tác cần thiết của phim để phản ứng hóa học xảy ra nhanh hơn, hiệu quả hơn và xoáy sâu vào tình cảm của các tuyến nhân vật thì cảm giác mà phim mang đến sẽ thật sự khác biệt. Vì vậy, thay vì nhìn nhận 50 Sắc thái chỉ đơn thuần là bộ phim câu khách bằng cảnh nóng, thì hãy bắt đầu thay đổi tư duy của bản thân để trải nghiệm một câu chuyện có chiều sâu hơn.
Chúng ta không phủ nhận những thiếu sót của phim, từ kịch bản, diễn viên cho đến góc quay và kỹ xảo. Nhưng chúng ta cũng nên thừa nhận những gì mà toàn bộ ekip đã làm được sau ba phần phim vừa qua. Bởi lẽ không phải ai cũng có khả năng chuyển thể thể loại tiểu thuyết này thành phim mà được khán giả đón nhận, và không phải ai cũng đủ can đảm để đóng một bộ phim như thế này. Rất nhiều thông tin cho rằng gia đình của cả hai diễn viên chính đều chưa xem qua bất kì phần phim nào của loạt series, và với tất cả lý do đó, 50 Sắc thái xứng đáng nhận được nhiều hơn sự khích lệ, nhiều hơn những khán giả đủ tư duy cảm thụ vấn đề mà phim muốn truyền tải, thay cho những lời chỉ trích và phê bình.
Trailer phim “50 Sắc thái tự do”.