Dùng hình ảnh bác sĩ để bán hàng đa cấp, phạt tới 200 triệu đồng

Theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP có hiệu lực mới đây, hành vi dùng hình ảnh bác sĩ để giới thiệu sản phẩm, bán hàng đa cấp có thể bị phạt đến 200 triệu đồng. Cùng đó, Nghị định còn bổ sung thêm hàng loạt hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Cụ thể, Khoản 41, Điều 3, Nghị định 17/2022/NĐ-CP đã sửa đổi điểm e, khoản 9, Điều 73 trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, mức phạt tiền từ 80-100 triệu đồng được áp dụng với một trong các hành vi: Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp;

Cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế;

Cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Nghị định cũng quy định phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Nhiều hệ lụy từ hành vi sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo, bán hàng đa cấp

Liên quan đến tình trạng giả mạo, tự ý sử dụng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo, trục lợi, thậm chí lừa đảo, trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đã có cảnh báo.

Một trang mạng xã hội mạo danh, tự ý sử dụng hình ảnh bác sĩ được Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo.

Một trang mạng xã hội mạo danh, tự ý sử dụng hình ảnh bác sĩ được Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo.

Theo đó, đã có một số tổ chức, cá nhân đã mạo danh, tự ý sử dụng hình ảnh bác sĩ của bệnh viện trên các trang mạng xã hội, facebook, website để quảng cáo mà không được cho phép. Cụ thể như trường hợp một công ty mỹ phẩm đã sử dụng hình ảnh của PGS.TS Phạm Thị Lan về việc giới thiệu bộ sản phẩm chăm sóc da.

Một trường hợp khác là một phòng khám y học cổ truyền đã lấy hình ảnh của PGS.TS Lê Hữu Doanh làm hình ảnh minh họa cho hoạt động của phòng khám. Đáng chú ý còn có những lời quảng cáo giật gân như: “Vảy nến – Á sừng – Tổ đỉa, Một đi không trở lại”.

Trong một cảnh báo khác, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết đã nhận được phản ánh về trang Fanpage “Kem Bôi Da Thuần Mộc Chính Hãng _GDKD Huyền Trần”, 2 trang Facebook “Huyền Trần” và “Trịnh Hương” đã đăng hình ảnh về một đơn thuốc có thông tin trên cùng bên trái về Bệnh viện Da liễu Trung ương (PK Giáo sư/Phó Giáo sư số 5). Tuy nhiên, thông tin ở phần còn lại của đơn thuốc đã được chỉnh sửa, cắt ghép.

Bệnh viện khẳng định không cung cấp sản phẩm có tên “Thuần mộc – Thanh mộc hương”; không có mối liên hệ nào với các trang Facebook kể trên. Bệnh viện chỉ khám, điều trị và bán thuốc trực tiếp tại quầy thuốc cho người bệnh tại địa chỉ duy nhất là 15A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định, hành vi sử dụng hình ảnh của các bác sĩ để quảng cáo bán hàng nhằm tăng thêm sự tin tưởng về chất lượng của các sản phẩm.

Việc làm này khiến người dân có thể có nhận định không đầy đủ về các sản phẩm, cơ sở. Có thể dẫn đến việc lựa chọn phương pháp điều trị sai lầm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Không những thế còn gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các bác sĩ bệnh viện.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương nhận định, thời gian qua, thực trạng đưa thông tin thổi phồng công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến.

Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng sử dụng hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, để lừa đảo tư vấn, bán thuốc, cung cấp dịch vụ thu tiền…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguy cơ biến thể mới xâm nhập sau khi mở đường bay, TP.HCM lên kế hoạch đối phó.