Đức Tản Viên Sơn Thánh là ai ? sự tích và đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở đâu ? – Phủ Dầy Nam Định
Cùng với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Tản Viên Sơn Thánh cũng là một trong tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Vậy Đức Tản Viên Sơn Thánh là ai ? sự tích truyền thuyết về ngài như nào, nơi chính thờ ngài ở đâu, và ngài có thuộc hệ thống thần linh Tứ phủ hay không, hy vọng qua bài viết này ban biên tập tổng hợp gửi tới bạn đọc một số thông tin liên quan giải đáp các thắc mắc trên.
“Đức Tản Viên đấng chủ sơn lâm
Nổi cơn gió cuốn ầm ầm
Di sơn đảo hải cứu dân thoát nàn
Cõi Nam bang nhờ ơn đại thánh
Đất Sơn Tây, Tản Lĩnh ngất cao”
Tượng thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh
Tản Viên Sơn Thánh là ai ?
Cho đến ngày nay vẫn còn nhiều quan điểm chưa nhất quán về xuất thân của Đức Tản Viên Sơn Thánh, cụ thể như sau:
Quan điểm 1: Tản Viên Sơn Thánh là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Theo đó, ngài là một trong năm mươi người con được chia về biển. Sau đó, ngài đi qua cửa biển Thần Phù, ngược sông Hồng mà về. Thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp tú lệ ba hòn sắp thẳng đứng. Lại thêm dân chúng quanh vùng cực chất phác, đôn hậu nên người đã làm một đường thẳng như kẻ chỉ từ làng Bạch Phiên Tân mà đến phía nam núi Tản Viên, đến Uyên Đông, lại đến Nham Tuyền là chỗ nguồn khác, rồi đi lên núi Thạch Bàn đầu non Vân Mộng mà ở. Những vết chân ấy, người đời sau lập đền thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai ngăn đại hạn mau hơn tiếng vang cực kỳ linh ứng.
Quan điểm 2: Tản Viên Sơn Thánh là ba anh em. Theo đó, nói tới Tản Viên Sơn Thánh là nói tới cả ba anh em thần núi hay còn được gọi là Tam Vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần gồm Sơn Tinh, Cao Sơn và Quý Minh. Hiện ba đền Thượng, Trung, Hạ tại Ba Vì đang thờ phụng Tam vị Tản Viên Sơn Thánh.
Quan điểm 3: Tản Viên Sơn Thánh là con người thật. Theo quan niệm dân gian tại các làng trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ), kết hợp ngọc phả đền Lăng Xương thì Thánh Tản Viên là người tên Nguyễn Tuấn. Ông là con trưởng của Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen ở đạo Sơn Tây nay là Phú Thọ. Ông nhận bà Ma Thị Cao ở núi Ngọc Tản làm mẹ nuôi. Từ đây, ông trở thành người cứu độ nhân dân có phép thần thông biến hóa, có văn võ song toàn và trở thành vị thần núi Tản Viên. Sau này khi Hùng Vương kén rể cho con gái Ngọc Hoa, ông chọn Sơn Tinh – Nguyễn Tuấn.
Chúng tôi nhận thấy, quan niệm này phù hợp với những quan niệm chung đã có về các Thánh bất tử trong tâm thức dân gian, bởi vì chính quan niệm ấy đã tạo nên một hình tượng “Thánh Tản Viên” có tính nhất quán và hoàn chỉnh mà nếu so sánh thì các quan niệm của các học giả thời phong kiến chỉ là rất phiến diện.
>>> Xem thêm:
Sự tích Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Thánh Mẫu Liễu Hạnh một trong bốn vị thánh Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh
Theo truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh ngài cai quản dãy núi Ba Vì (tức núi Tản Viên). Ngài linh thiêng, anh linh ứng nghiệm vô cùng. Ghi trong truyện núi Tản Viên, tác giả Lĩnh Nam chích quái có viết: “Linh khí không thể lường được, tương truyền rằng thần rất linh thiêng và ứng nghiệm.”
Xem chi tiết tại đây: Truyền thuyết về Đức Tản Viên Sơn Thánh
Đức Tản Viên Sơn Thánh có thuộc hệ thống thần linh Tứ phủ ?
Trong tín ngưỡng Tứ phủ, Đức Tản Viên Sơn Thánh cũng được đưa vào hệ thống thần linh Tứ phủ thuộc hàng vị ngôi cao – Đức Vua Cha Nhạc Phủ miền rừng núi với màu xanh đại diện. Công lao to lớn nhất của Đức Thánh Tản phải kể đến việc ngài cùng với Vua Cha Bát Hải Vĩnh Công Đại Vương phối hợp cùng đánh tan giặc ngoại xâm khỏi bờ cõi Văn Lang. Khi đó, Vĩnh Công Đại Vương chặn mũi công của giặc trên biển và Tản Viên Sơn Thánh thì chặn mũi công của địch trên đường bộ, đánh tan quân giặc chỉ trong 3 ngày.
Thời bình, ngài lại đi khắp nơi dạy nhân dân làm ăn sinh sống, ngài dạy dân Ba Vì biết làm ra lửa bằng ống giang già, biết săn bắn với kế làm hầm gài tên căng lưới, dạy dân Quốc Oai biết gieo hạt trồng lúa, dạy dân ven sông Hồng biết làm lưới kéo vó, dạy dân chúng biết võ nghệ đánh giặc bảo vệ tổ quốc, dạy nhân dân biết dệt vải hát ca, chính vì vậy không khó bắt gặp ở rất nhiều địa phương còn chính thờ ngài làm Thành Hoàng phụng thờ nhang khói.
Hiện nay tại nhiều ngôi đền, người dân vẫn tổ chức lễ hội mô phỏng lại cách thức làm ăn mà Sơn Tinh đã dạy cho nhân dân, đồng thời tỏ lòng biết ơn vị thánh đã giúp cuộc sống nhân dân ấm no hơn. Với những công lao to lớn với nhân dân và đất nước, Đức Tản Viên Sơn Thánh được rất nhiều triều vua ban sắc phong thể hiện sự tôn kính trọng vọng.
- Vua Trưng Vương (Trưng Trắc) sắc phong ngài là “Tản Viên Sơn Quốc Chúa Đại Vương Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần.”
- Vua Trần Nhân Tông sắc phong ngài là “Hữu Thánh Hưng Quốc Hiển Ứng Vương”.
- Vua Tự Đức phong ngài là “Thượng Đẳng Tối Linh Thần”
- Ngoài ra, tại đền Và Sơn Tây vẫn còn lưu trữ 18 bản sắc phong khác dành cho Đức Tản Viên Sơn Thánh thuộc nhiều đời vua khác nhau. Trong đó có 17 bản chính có dấu ấn.
Ngoài ra, Tản Viên Sơn Thánh thần thông quảng đại không chỉ sống trong lòng người dân mà ngài còn xuất hiện cả trong những tác phẩm văn học được miêu tả với những từ ngữ trân quý nhất. Những tác phẩm viết về nhà Ngài gồm có “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thánh Tông di ký toàn thư”,…
Tản Viên Sơn Thần
Đệ nhất phúc đẳng thần
Đệ nhất bách thần
Thượng Đẳng tối linh thần
Nam thiên thánh tổ
Đức Tản Viên Sơn Thánh – Tứ bất tử Việt Nam
Ngài là vị thánh anh linh, tiêu biểu cho người anh hùng dân tộc chống ngoại xâm cùng nhân dân khống chế thiên tai, lũ lụt, được nhân dân tôn kính phụng thờ liệt vào hàng các vị thần Việt Nam bất tử trong tín ngưỡng dân gian của người Việt bên cạnh Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tản Viên Sơn Thánh và Cao Biền
Vốn Cao Biền là một tướng lĩnh giỏi triều Đường, thuộc dòng dõi thế gia, giỏi văn chương lại có tài võ nghệ. Nhờ có công bình giặc Nam Chiếu vốn nhiều năm phá hại Giao Châu mà Cao Biền được vua Đường bổ nhiệm chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ đầu tiên, cai quản đất ta từ năm 866 – 868. Chỉ cai trị nước ta có vài năm, cũng làm được vài việc có ích như đắp thành Đại La (Thăng Long sau này) nhưng bấy nhiêu là đủ cho Cao Biền lưu lại “tiếng xấu muôn đời” trong những câu chuyện dân gian huyền hoặc mà dân ta kể lại. Truyện rằng Cao Biền thấy đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương nên thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy bay đi xem xét, dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sông núi đẹp, chặn đất long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu.
Cao Biền thấy núi Tản Viên cao lớn hùng vĩ, thế núi hiểm trở, lại có thần Sơn Tinh linh ứng, liền tìm cách trấn yểm kỳ quái của hắn. Khi đó, Tản Viên Sơn Thánh ngự trên ngôi cao thấy một dải hắc khí từ phương nam bay lên trời, biết rằng có kẻ đang định trấn yểm huyệt mạnh của nước nam. Ngài xin Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng hạ nhân gian trông giữ huyệt mạch. Lúc này Cao Biền đã dùng thuật này để yểm nhiều nơi, đánh lừa nhiều vị thần tiên, hễ thấy thần linh hiện ra nhận lễ thì vung kiếm mà chém đầu, đào hào chôn kim khí để trừ long mạch. Nhưng đến núi Tản Viên thì thấy Đức Tản Viên Sơn Thánh cưỡi ngựa trắng trên mây, ngài nhổ một bãi nước bọt dằn mặt ngay trước mặt hắn rồi thản nhiên bỏ đi. Cao Biền hú hồn bạt vía mà than rằng: “Linh khí phương nam không thể lường được. Vượng khí đời nào hết được”.
Đền thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh
Đền thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh được lập ở nhiều nơi trong đó núi Ba Vì có một hệ thống đền thờ quy mô nhất. Núi Ba Vì hay còn gọi là núi Tản Viên được cho là ngọn núi linh thiêng nắm giữ đường long mạch quan trọng của nước Việt, đây chính là ngọn núi xuất hiện trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh mà mỗi người đều đã từng đọc. Khu vực trong lời kể được cho là ngọn núi Ba Vì, mà dân gian cũng truyền tụng rằng “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn” để nói lên sự linh thiêng và tôn kính tối linh. Tại khu di tích núi Ba Vì có hệ thống đền thờ Tản Viên Sơn Thánh trấn 4 hướng đông tây nam bắc:
- Tây Cung gồm đền Trung và đền Hạ.
- Nam Cung là đền Ao Vua.
- Đông Cung là đền Và Sơn Tây.
- Bắc Cung là đền Thính ở Vĩnh Phúc.
Đền thờ Thánh Tản Viên được nhân dân thờ tự tại rất nhiều ngôi đền tại khu vực dãy núi Ba Vì nổi tiếng nhất là các ngôi đền Thượng, Trung, Hạ gọi chung là đền thờ Tản Viên Ba Vì, đền Và tại Sơn Tây, đền Tranh và đền Thính tại Vĩnh Phúc, đền Lăng Sương tại Phú Thọ.
Theo thần tích tại Đền Và thì cung Trung và cung Hạ là nơi cầu đảo, tế lễ. Đông Cung là nơi “nghe tâu bày các việc”. Bắc Cung là nơi nghỉ ngơi.
Khu di tích Đền Thượng thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh
Bản Văn Đức Thánh Tản Viên
Nhạc Phủ Thánh Đế Văn
Động sơn trang thượng ngàn thánh phủ
Đức Tản Viên đấng chủ sơn lâm
Nổi cơn gió cuốn ầm ầm
Di sơn đảo hải cứu dân thoát nàn
Cõi Nam bang nhờ ơn đại thánh
Đất Sơn Tây, Tản Lĩnh ngất cao
Đôi bên tả hữu bộ tào
Tam thập lục động ra vào quản cai
Chốn sơn lâm muôn loài cầm thú
Nhờ thánh ân Nhạc Phủ thần vương
Lại thêm bát bộ sơn trang
Dời non chuyển núi phép càng thần thông
Nay ngưỡng trông thánh vương soi xét
Độ thanh đồng khắp hết gần xa
Độ cho khang thái cửa nhà
Cây tài nhánh lộc nở hoa bốn mùa
Khắp thôn bản gió mưa hòa thuận
Cõi lâm sơn ngàn mận ngàn mơ
Đỉnh non gió thổi phất phơ
Suối reo thác đổ tiếng tơ chạnh lòng
Chúng đệ tử một lòng thành kính
Tiến văn trình thỉnh thánh giáng lâm
Chữ rằng thánh giáng lưu ân
Sơn trang lưu lộc thiên xuân thọ trường.
Tản Viên Sơn Thánh Chân Kinh
Chí tâm phục mệnh lễ
Tản Viên Sơn thánh
Sơn quốc chúa đại vương
Dực bảo trung hưng
Thượng đẳng tối linh thần
Thái Bạch, Long Vương
Ban mộc tinh, bí pháp truyền
Ban phúc, phù công danh
Cứu chúng sinh chi khổ nạn
Thần trú lưu hành, phổ tiêu bất thường
Hồng thủy phi diệt, khai trừ thủy cảnh
Thiên đạo vạn thông, cảm hữu can chi
Xá tống hỏa quan, xích thư sở cáo
Tứ sinh lục đạo. Hữu cảm tất phù
Tam giới thập phương vô cầu bất ứng
Lăng xương cốt cách ngọc tinh thần
Mang dấu rồng thiên xuống hạ trần
Thái Vĩ cùng tiên trên Thượng giới
Sinh ra Thánh Tản tại nước Nam
Nam quốc Tản Viên Sơn thánh
Hương hỏa hiển thánh
Đại bi – Đại nguyện – Địa thánh – Đại từ
Khai sơn hộ quốc
Lịch ứng thượng đẳng tối linh thần
Đệ nhất bách thần
Nam thiên thánh tổ thiên tôn.
>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube