Dưa hấu, món không thể thiếu trong những ngày tết
(SGTT) – Có được ngày Tết Nguyên Đán như ngày nay, phải đâu là chuyện đơn giản! Rồi trong những ngày tết sum vầy, trái dưa hấu vẫn là thức quà trái cây không thể thiếu.
Rất xa xưa, từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế người ta cho rằng lúc mới tạo thiên lập địa, theo lý “Thái cực, Lưỡng nghi, Tứ tượng…” thì giờ Tý có Trời, giờ Sửu có đất, giờ Dần mới sinh ra loài người (có lẽ trình tự hệ Thiên Can và Địa Chi có khái niệm từ ấy). Đời nhà Hạ (2205 – 1766 TCN) thích màu đen, chọn tháng Dần là tháng đầu năm để ăn tết.
Đến đời nhà Thương (1776 – 1122 TCN) thì lại thích màu trắng, đổi lại Tết nhằm vào tháng Chạp, tức tháng Sửu. Đời nhà Chu (1122 – 256 TCN) ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý là tháng 11 làm tháng Tết. Qua đời Đông Chu (hết đời nhà Chu), Khổng Tử theo quan niệm nhà Hạ, đổi ngày Tết lại tháng Dần. Nhưng đến đời nhà Tần (255 – 206 TCN), Tết lại nhảy qua tháng Hợi, tức tháng 10. Cho đến khi nhà Hán (206 TCN – 221) lên ngôi trị vì thiên hạ, theo chủ trương của Khổng Tử nên lấy lại như trước, tức tháng Tết là tháng Dần – tháng Giêng. Từ ấy mới ổn định luôn tới nay.
Hơn thế nữa, tuy có bất đồng về tháng tết, nhưng vấn đề mùa Xuân thì cuộc bàn cãi không gay go, bởi ai cũng đồng tình rằng, trong bốn mùa của một năm, mùa Xuân khí hậu mát mẻ nhất, vạn vật đều tốt tươi, thoải mái nên cuối cùng chấp nhận “Vạn sự khởi ư Xuân” (Muôn việc khởi đầu tự mùa Xuân).
Lúa gạo thuộc ngũ cốc, là lương thực. Con người không thể sống mà không nhờ lương thực. Xưa người ta quý trọng lúa/nếp như một vị thần linh – thần lúa, nhiều nơi vẫn còn thờ, và xem lúa gạo (cơm) quý như hạt ngọc, cho nên nhà nào cho dù giàu nứt đố đổ vách, hễ tết đến hoặc giỗ quảy (thậm chí ngày thường) không ai không “nấu mâm cơm” với la liệt “món ngon vật lạ” cúng Tổ tiên. Nhà nghèo khó thì “có chi cúng nấy” nhưng đó cũng là một cách thể hiện lòng biết ơn tiền nhân, lúc còn sinh tiền đã biết chịu thương chịu khó, rất vất vả mới tạo dựng được cơ đồ để lại cho con cháu.
Ngoài “mâm cơm”, bánh mứt…, dưa hấu là một trong những loại trái truyền thống không thể thiếu trên bàn thờ Ông bà trong ba ngày Tết hay trong những bữa tết tiếp đãi khách ghé thăm.
Chính vụ của dưa hấu xưa nay vẫn là mùa nắng (“Trời nắng tốt dưa, Trời mưa tốt lúa”). Bài tựa hiệu chính sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Lê Quý Đôn cũng có nói rõ: “Sản vật mùa hè của nước ta, không gì quý bằng dưa đỏ”. Thế nhưng dân ta đã biết cách trồng trái vụ, bắt loại trái thiêng này phải kịp chín vào dịp Tết để nhà nhà có trái vừa to vừa ngon đem dâng cúng Tổ tiên.
Từ những truyền thuyết và cổ tích được truyền khẩu trong dân gian mà sách Lĩnh Nam chích quái có ghi chép lại, tác giả Nguyễn Trọng Thuật đã trích ra một trong 22 truyện ấy, xây dựng thành tiểu thuyết chương hồi, với nhan truyện là Quả dưa đỏ, mà nhân vật chính là Mai An Tiêm, vốn là con nuôi của vua Hùng Vương thứ 17. Sống trong cảnh lầu son gác tía nhưng An Tiêm không lấy phú quý vinh quang cậy ỷ mà lại thích tiến thân bằng con đường tự lập. Do vậy có kẻ sàm tấu cho là bất cần triều lộc, ông phải bị đày ra hoang đảo Nga Sơn. Trong 14 năm liền gian nan vất vả ấy, An Tiêm tìm được giống dưa đỏ (dưa hấu, sách viết “tây qua”) đem trồng và nhân ra, lấy trái bán (trao đổi) cho thuyền buôn nước ngoài. Hoang đảo dần dần đông vui hơn vì có thêm nhiều người đến bắt chước, khẩn đất trồng dưa ngày càng sung mậu. Vua Hùng nghe tin, xóa bỏ oan án, và tết năm ấy cho thuyền ra đảo rước gia đình ông về.
Từ sự tích vô cùng ý nghĩa này và trong tinh thần «Ăn trái nhớ kẻ trồng cây», cứ đến tết thì trái dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng được nhà nhà chọn cúng Tổ tiên trên bàn thờ Ông bà, đồng thời cũng chưng trong mâm ngũ quả nơi bàn tiếp khách để tôn thêm phần trang trọng trong những ngày tết.
Chào năm mới, người viết trân trọng kính chúc quý bạn đọc thân yêu lời chúc cầu năm mới Sức Khỏe, Giàu Sang, Hạnh Phúc!
N.H.H.