Đưa hàng vào siêu thị – “miếng bánh có xương” với startup
Nhiều cửa ải khó
Thị trường bán lẻ Việt Nam vài năm gần đây chứng kiến rất nhiều thay đổi tích cực. Với quy mô thị trường bán lẻ được dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD trong 3 năm tới, sẽ hé mở những cơ hội mới cho DN nếu biện tận dụng cơ hội, đột phá chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, tỷ lệ hàng Việt vào hệ thống phân phối bán lẻ không ngừng tăng những năm qua, ở các siêu thị trong nước là 90%, còn hệ thống phân phối nước ngoài là 70%.
Tiềm năng rất lớn, nhưng để có một miếng bánh thị phần thì không hề đơn giản. Đặc biệt với các DN khởi nghiệp ngành tiêu dùng nhanh, thực phẩm, rất khó để tìm được một chỗ đứng trong kênh phân phối hiện đại là siêu thị. Nếu điểm qua kệ hàng của một số siêu thị lớn trong chuỗi bán lẻ như BigC, Mega Market, AEON, Coop Mart… thì các sản phẩm của startup vẫn khá khiêm tốn. Theo chia sẻ chung của các startup, để đặt chân vào được hệ thống siêu thị lớn thì phải vượt qua rất nhiều cửa ải khó, vượt quá tầm với 1 startup.
Công ty CP Thanh Thanh Food là một startup hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm chế biến. Công ty hiện đang cung cấp các sản phẩm như gà ủ muối, chân gà rút xương ngâm xì dầu, chân gà ngâm muối ớt… Mặc dù đã đưa sản phẩm ra thị trường hơn 2 năm, nhưng các sản phẩm của Thanh Thanh Food vẫn chỉ quanh quẩn ở một số cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, quán ăn vặt…
CEO Thanh Thanh Food Hoàng Thị Thảo chia sẻ, mục tiêu của công ty là tiếp cận vào các kênh siêu thị lớn để tăng thị phần, tăng doanh số và quảng bá thương hiệu. Để tiếp cận được các hệ thống phân phối lớn này, công ty đã bỏ nhiều tháng ròng gửi hồ sơ chào hàng, hoàn thiện đầy đủ các chứng nhận về HACCP, chứng nhận OCOP, đầu tư bao bì nhãn mác… cho sản phẩm.
Nhưng sau tất cả vẫn nhận lại cái lắc đầu từ các “ông lớn trong ngành bán lẻ. “Việc tiếp cận các siêu thị rất khó. Mặc dù được tham gia nhiều hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm do các sở, ban ngành của TP tổ chức và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các siêu thị. Tại hội thảo, các siêu thị cũng đánh giá cao sản phẩm của công ty, nhưng đến nay các những nội dung trong biên bản ghi nhớ đó vẫn chỉ nằm trên giấy” – CEO Thanh Thanh Food cho hay.
Cũng là một startup hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Moris ở Dân Hòa (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) từ bỏ ý định chen chân vào hệ thống siêu thị ngay từ lần đầu tiếp cận một siêu thị lớn.
Giám đốc Công ty Moris Trần Thị Hường cho biết, chưa nói đến các yêu cầu khắt khe về chất lượng và hồ sơ sản phẩm, chỉ tính riêng các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng cũng đã khiến startup hụt hơi. Ví dụ như thời gian nợ đọng vốn lâu (từ 1-6 tháng), trong khi khả năng quay vòng vốn của startup có hạn; hay sản phẩm trước đó phải được phân phối ở một siêu thị lớn…
Mặt khác, chi phí đưa sản phẩm vào siêu thị quá lớn cũng là lý do khiến startup này chùn bước vào cửa siêu thị. “Vừa qua công ty có chào 6 mã sản phẩm vào hệ thống siêu thị Vinmart. Mỗi mã sản phẩm phải đóng chi phí 20 triệu đồng, cộng thêm 20 triệu đồng tiền hồ sơ công ty. Như vậy, chỉ tính riêng tiền hồ sơ chào hàng, công ty đã mất 140 triệu đồng. Siêu thị cũng đưa ra yêu cầu trong vòng 6 tháng sản phẩm lên kệ phải ra được thị trường. Trong khi đó, sản phẩm của công ty còn mới mẻ trên thị trường, nên việc tiếp cận được với khách hàng ngay là việc khó” – CEO Moris chia sẻ.
Cần thêm vai trò kết nối
Thực tế cho thấy, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các startup có quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, không thể để các startup đơn phương độc mã trên hành trình tìm kiếm, kết nối với siêu thị. Ở trong đó, cần thêm vai trò kết nối, dẫn dắt từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho hay, việc kết nối để hỗ trợ DN đưa hàng vào các hệ thống phân phối đã được Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện từ năm 2009 tới nay, khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động.
Hiện nay, Bộ Công thương đã liên tục tổ chức các chương trình kết nối, tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các DN Việt Nam giao lưu, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
“Bộ Công thương sẽ tiếp tục kết nối cung cầu hàng hóa của các DN vào siêu thị và các kênh phân phối. Cùng với đó, triển khai các hoạt động hỗ trợ nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa đến với DN, nhằm đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất” – bà Lê Việt Nga khẳng định.
Từ thực tế chọn lựa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ, Giám đốc khối Kinh doanh Công ty Acecook Việt Nam Majima Fumihiro chia sẻ, định hướng khách hàng, mẫu mã, bao bì hay chất lượng sản phẩm là những yếu tố DN khởi nghiệp cần nắm vững khi đưa hàng vào siêu thị. Các DN không nên bỏ qua phản hồi từ khách hàng, vì đó là những đóng góp quý để họ cải thiện, thay đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường. “Cơ hội thị trường bán lẻ với các startup được đánh giá là rất lớn. Các DN nên có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu, năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước” – ông Majima Fumihiro chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Thái Dũng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG, sản phẩm của startup là những sản phẩm mới, chưa có sức ảnh hưởng trên thị trường, vì vậy nhà sản xuất phải giáo dục thị trường để khách hàng biết đến, trải nghiệm và sử dụng sản phẩm của mình. Khi khách hàng đã quen, đã thích sản phẩm đó rồi thì họ mới tìm đến siêu thị, cửa hàng để mua hàng.