Dù ở đâu cũng là đóng góp cho quê hương

Chung Trang Vân

  –  

Thứ năm, 26/01/2023 10:00 (GMT+7)

Đầu xuân Quý Mão, cùng trò chuyện với các nhà khoa học Việt, những tài năng ở nhiều lĩnh vực về câu chuyện “Người Việt tỏa sáng năm châu”, cùng chung tay xây dựng Việt Nam thịnh vượng.

Dù ở đâu cũng là đóng góp cho quê hươngGS Bùi Thị Như Ngọc.

GS Bùi Thị Như Ngọc – Đại học Oklahoma (Mỹ): Người Việt toả sáng ở đâu cũng làm rạng danh đất nước

Dù ở đâu, nghiên cứu trong lĩnh vực nào, điều thúc đẩy chúng tôi là luôn hướng về cội nguồn dân tộc, lúc nào cũng có sự mong muốn kết nối hữu hiệu nhất. Hằng ngày, ngoài công việc giảng dạy, tôi dành thời gian cho việc nghiên cứu và kết nối với các nhà khoa học trẻ trong nước, những người cùng đam mê về lĩnh vực xử lý môi trường.

Hiện tôi đang sở hữu một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Năng lượng Sarkeys (thuộc Đại học Oklahoma – một trường đại học nghiên cứu ở Mỹ). Trong đó, tôi đóng vai trò kết nối các nhà khoa học đang công tác ở các trường đại học trong nước với nhà khoa học ở các nước khác trên thế giới để cùng trao đổi, nghiên cứu các vấn đề về nước, năng lượng tái sinh và cải thiện môi trường bằng các vật liệu lai vô cơ – hữu cơ. Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển các kỹ thuật tiên tiến để nghiên cứu phát triển môi trường bền vững.

Bằng khả năng của mình, thời gian qua tôi cũng nỗ lực tạo cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam đam mê khoa học. Một mặt tôi kết nối giúp họ với những giáo sư, nhà nghiên cứu ở các trường đại học quốc tế, mặt khác tôi cũng tạo điều kiện mở ra hoặc xây những nhịp cầu mới cho những hồ sơ ứng tuyển ở Việt Nam nếu các bạn muốn nghiên cứu với nhóm hoặc trường, tôi sẽ luôn tạo điều kiện.

Bản thân tôi được đào tạo tại Việt Nam, được hưởng thành tựu của nền giáo dục Việt Nam, tôi rất tự tin sử dụng kiến thức nền tảng đó để có thể nghiên cứu và giải thích những hiện tượng khoa học, cùng hòa nhập với nền khoa học thế giới.

Và tôi luôn ghi nhớ mình là người Việt Nam. Dù đi đâu, ở đâu, thì Việt Nam vẫn là một phần trong tôi. Ngay khi tôi đang sống ở Mỹ, trái tim tôi vẫn luôn hướng về tổ quốc và thôi thúc tôi phải hành động. Tôi tin tưởng với lĩnh vực nghiên cứu của mình là bảo vệ môi trường hay nguồn nước thì cần có nỗ lực toàn cầu chứ không giới hạn ở đất nước nào và thành tựu nghiên cứu cũng sẽ có giá trị trên toàn cầu.  Đó là một cách đưa tri thức, danh tiếng Việt Nam bay xa hơn.

TS Trần Nguyễn Hải – Trường Đại học Duy Tân: Chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường

Là nhà khoa học Việt xếp thứ 13.713 trong Bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới, TS Trần Nguyễn Hải (Trường Đại học Duy Tân) cho biết:

Tôi rất vinh hạnh khi 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) có tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới với thứ tự xếp hạng (và tỉ lệ tự trích dẫn) lần lượt là 25.844 (13,56%), 14.704 (8,85%) và 13.713 (6.24%). Hằng năm, GS Ioannidis và cộng sự sẽ đánh giá lại thứ tự này theo các tiêu chí đã đặt ra, do đó, một NKH nếu không có công bố hoặc không nhận được sự quan tâm của các đồng nghiệp (thông qua chỉ trích dẫn) sẽ không được đánh giá và xếp hạng.

Theo tôi có nhiều chiến lược để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Trong đó ưu tiên là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học từ nội lực bằng cách lập các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước. Tuy nhiên, một số ngành đặc thù lại đòi hỏi sự giúp đỡ của công nghệ hiện đại từ các nước phát triển. Hơn nữa việc khó tiếp cận các nguồn quỹ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản là thách thức lớn của các nhóm nghiên cứu hiện nay.

TS Trần Nguyễn Hải.TS Trần Nguyễn Hải.

Trong điều kiện giới hạn về công nghệ và nguồn kinh phí thì hợp tác nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu dưới dạng bài báo khoa học trên các tập san quốc tế uy tín là lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc hợp tác này cũng nên có sự chọn lọc và đánh giá về chuyên môn và đạo đức trong nghiên cứu khoa học, bởi vì hiện tại có nhiều NKH dù có tên trong danh sách này nhưng lại bị liệt kê vào “danh sách đen” về vấn đề đạo đức trong công bố.

Điều cốt lõi dẫn đến thành công của việc hợp tác nghiên cứu (trong và ngoài nước) là cần có sự chân thật, tôn trọng, cầu thị và chia sẻ. Thiếu đi một trong các yếu tố này thì việc hợp tác sẽ không đạt được sự bền vững, lâu dài.

Nếu nhìn nhận một cách khách quan sẽ thấy các NKH Việt Nam rất giỏi, đặc biệt các thế hệ NKH trẻ được đào tạo bài bản. Hiện tại, chưa có thống kê chính thức về số lượng bài báo khoa học ở Việt Nam theo độ tuổi của NKH. Tuy nhiên đa phần các NKH trong top 100.000 NKH có tầm ảnh hưởng thế giới ở độ tuổi 30-40. Mỗi NKH luôn có những ưu thế khác nhau, nếu họ mạnh về nghiên cứu ứng dụng thì thường gặp khó khăn trong công bố quốc tế (nơi thiên về hướng nghiên cứu cơ bản).

Vì vậy “Đoàn kết là sức mạnh”. Để xây dựng một Việt Nam hùng cường, các NKH trẻ có thể cộng tác và hỗ trợ các NKH có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để đẩy mạnh các nghiên cứu chất lượng thông qua các công bố khoa học quốc tế. Từ sự kết nối này và sự trung hòa “cái tôi” giữa hai thế hệ, nhiều nghiên cứu cơ bản được kỳ vọng đi vào ứng dụng thực tiễn.