Du lịch về miền đất tổ “Đền Hùng – Phú Thọ”

Đền Hùng là một quần thể du lịch đền chùa nổi tiếng ở Phú Thọ, là nơi tập hợp những giá trị tinh hoa và đặc sắc của dân tộc. Khu di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ nằm trên mảnh đất địa linh. Vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 hàng triệu người con đất Việt lại hội tụ về đây dâng hương.Là người dân Việt Nam không ai là không nghe đến câu ca dao

“Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

 

Câu ca dao nhắc nhở mỗi người dân Việt dù trong nước hay nước ngoài, dù miền ngược hay miền xuôi cũng đều luôn luôn ghi nhớ để báo đáp công ơn của tổ tiên nguồn cội, nhớ lại lịch sử dựng nước và giữ nước đầy hào hùng của dân tộc ta.

Giới thiệu về Đền Hùng

Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng – quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.

Quần thể khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có: đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng. Không xa là đến Mẫu Âu Cơ, sân lễ hội, bảo tàng Hùng Vương…

Đền Hùng nằm trong địa phận thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi thờ cúng các vị vua Hùng, những người có công dựng nước và là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 7km về phía Bắc và cách Hà Nội khoảng 90km.

Đền Hùng là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng – thuộc đất Phong Châu – vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.

Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn,…), có độ cao 175m so với mặt nước biển.

Nên đi đền Hùng vào mùa nào ?

Bạn có thể đến đền Hùng bất cứ lúc nào. Miền Bắc ít khi nắng mưa thất thường, chỉ cần trước khi đi bạn xem thời tiết và chuẩn bị kỹ càng. Tuy nhiên, đền Hùng lại sôi động nhất vào mùa xuân, những ngày ra Tết Nguyên Đán. Đặc biệt trong tháng 3 là thời gian tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương.

Lúc này lượng khách đến đây cực kì đông, nhiều thời điểm là quá tải. Tuy nhiên, đã là người Việt Nam thì cũng nên có một trải nghiệm tham gia Lễ hội Đền Hùng vào đúng dịp lễ mùng 10 tháng 3 đúng không ạ ?

 

Lễ hội Đền Hùng có gì ?

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng gồm 2 phần: Phần Lễ và phần Hội.

Phần Lễ là nghi thức dâng hương, hoa, lễ vật của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh, thành phố được tổ chức long trọng trên đền Thượng.

Phần tế lễ được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh” (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ. Sau khi một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ.

Tiếp theo đến các cụ bô lão của làng xã sở tại quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vua Hùng.

Phần Hội diễn ra xung quanh khu vực núi Hùng, gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian như: Đấu vật, bắn nỏ, rước kiệu, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, thi kéo lửa thổi cơm; hát Xoan, hát ghẹo, hát chèo, kịch nói…

Phần hội của được diễn ra khá sớm, bắt đầu từ ngày mùng 8 âm với nhiều hoạt động vui nhộn đậm chất văn hóa dân gian. Đây là phần người dân mong chờ nhất và cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khách thập phương.

Trong hội có phần thi hát Xoan, một loại hình âm nhạc cổ của người Phú Thọ, một số câu hát Xoan cũng được đưa vào nghi lễ hát thờ. Hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần này của người dân đã có từ lâu đời và lưu truyền tới nay.

Phía ngoài sân tập trung rất nhiều người, ở đây thường diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cầu tre, chơi đu, đấu vật, gói bánh thi, chọi gà, bắt vịt … Mỗi trò chơi có cái hay riêng nhưng tất cả đều rất thu hút người tham gia, tiếng hò reo cổ vũ càng làm không khí thêm náo nhiệt.

Ý nghĩa của Lễ hội đền Hùng 

Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đã vượt ra ngoài phạm vi một lễ hội, trở thành ngày lễ trọng đại, ngày hội văn hóa của cả nước, kết nối và nuôi dưỡng sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

Lễ hội Đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Trải qua bao thời đại lịch sử tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức.

Điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Người dân hành hương về đất Tổ không hề có sự phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm khảm họ đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng. Bởi vậy, hễ ai là người Việt Nam nếu có sẵn tâm thành và lòng ham muốn hành hương về đất Tổ thì tự mình có thể thực hiện ước nguyện chính đáng đó một cách dễ dàng và thuận tiện.

 

Đến Đền Hùng đi đâu được ?

Cổng đền Hùng

Quần thể đầu tiên mà du khách khi đến đền Hùng có thể dễ dàng chiêm ngưỡng là cổng đền.Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù.

 

Đền Hạ 

Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, đền được thiết kế theo kiểu chữ “nhị”. Đền Hạ gồm hai tòa tiền và hậu, kiến trúc đơn sơ, mộc mạc cùng họa tiết hai bên được phù điêu hình voi và ngựa rất đẹp mắt. Phần nóc của đền phẳng, lợp ngói mũi khá đơn giản. Có thể nói đền Hạ với lối kiến trúc khá mộc mạc song những chi tiết điêu khắc và kiến trúc vẫn toát lên nét cổ kính, uy nghiêm của một khu thờ tự tôn nghiêm.

Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền.

Đền Hạ thờ Thần Núi, 18 đời Vua Hùng và 2 bà công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa – con gái Vua Hùng thứ 18.

 

Đền Trung

Đền Trung hay còn được gọi là Hùng Vương Tổ miếu được tạo dựng từ thời Lý – Trần. Trải qua thăng trầm lịch sử khu đền thờ này bị tàn phá và được phục dựng lại, hiện nay vẫn giữ được nét kiến trúc vốn có như phần cột kèo vững chắc, mái lợp ngói mũi mộc mạc.

Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu – người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.

Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa.

 

 Đền Thượng trên núi Nghĩa Linh

Đền Thượng được xây dựng trên đỉnh núi Nghĩa Linh, xưa kia các vua Hùng thường tổ chức các nghi lễ cầu khấn hy vọng mùa màng bội thu, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an. Trong sử sách lưu truyền xưa kia đền Thượng gắn với truyền thuyết về hạt lúa thần, phản ánh được khát vọng ấm no của của các vua Hùng. Đến đền Thượng du khách bên cạnh được chiêm ngưỡng kiến trúc mà còn được tìm hiểu về các câu chuyện lịch sử của khu di tích này.

 

Đền Giếng với kiến trúc chữ Công

Đền Giếng thuộc quần thể di tích đền Hùng Phú Thọ, được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Đền cũng nằm trên núi Nghĩa Linh, có mặt hướng Đông Nam và xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Công lạ mắt. Bên cạnh phần đền được xây dựng đẹp mắt mà ngay khi bước vào du khách được chiêm ngưỡng cổng đền Giếng với kiến trúc vô cùng độc đáo. Bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh quang và kiến trúc nơi đây. Tham gia lễ hội đền Hùng chắc chắn du khách phải một lần đến đền Giếng tham quan và tìm hiểu về công trình kiến trúc tuyệt đẹp này.

Lăng Vua Hùng cùng kiến trúc độc đáo

Đến đất tổ Hùng Vương chắc chắn không thể không đến tham quan lăng Hùng Vương. Tương truyền đây là lăng mộ của vua Hùng thứ 6 tạo lạc ở vị trí đẹp. Với địa thế của ngôi mô rất ấn tượng đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Bên cạnh đó lối kiến trúc vô cùng độc đáo, được xây dựng bằng đá vững chãi, được điêu khắc chữ lăng Hùng Vương.

Các họa tiết chạm khắc trên lăng mặc dù đơn giản  nhưng rất cuốn hút và tinh tế. Điều này góp phần điểm tô cho khu lăng mộ nét uy nghiêm, cổ kính. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng kỹ càng hơn về nét đẹp kiến trúc cũng như điển tích và sử sách liên quan về khu di tích đặc biệt này.

Chùa Thiên Quang linh thiêng

Chùa Thiên Quang là ngôi chùa linh thiêng tuyệt đẹp mà bạn không thể bỏ lỡ khi tới đây. Chùa xây dựng theo kiến trúc nội công ngoại quốc, vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó là lối kiến trúc cổ kính và vô cùng độc đáo toát lên vẽ uy nghiêm, cổ kính.

Kiến trúc chùa Thiên Quang là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, đến đây du khách được tận mắt chứng kiến sự kỳ công của người thiết kế và xây dựng…

 

Những lưu ý khi đến tại Đền Hùng

Đền Hùng là nơi linh thiêng, do đó là hãy chuẩn bị thật kỹ càng về tư trang, đồ lễ trước khi đi. Đây là kinh nghiệm du lịch đền Hùng ai cũng nên biết!

Về trang phục: Nên mặc quần áo gọn gàng, nghiêm túc, dễ hoạt động, tránh váy quá ngắn, màu sắc sặc sỡ,…

Văn khấn cúng giỗ tổ Hùng Vương: Nếu bạn mong muốn tới đền Hùng để cầu may, cầu tài lộc thì phải chuẩn bị một bài văn khấn. Bạn nên tham khảo những mẫu văn khấn từ những người đã từng tới dân hương tại đền Hùng hoặc xin từ các nhà sư ở chùa.

Đồ dâng lễ: Vật dùng để dâng lễ đền Hùng cũng rất quan trọng. Nếu không có nhiều thời gian chuẩn bị, bạn cũng không cần phải quá cầu kỳ. Nên chọn hai loại bánh chưng, bánh dày hoặc hoa quả, xôi gà. Điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm, tấm lòng của mỗi người.

Trên đây là bài viết Du lịch về miền đất tổ “Đền Hùng – Phú Thọ” .Hi vọng sẽ hữu ích để bạn khi đi du lịch tại Đền Hùng.

Du lịch

Huonganhtouris

t – Đi là mê tít !.