Du lịch đi về số 0
Tại Công ty Lữ hành Fiditour, mảng trực tuyến hiện đem lại khoảng 15-20% tổng doanh thu. Theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty, Fiditour còn phải thực hiện hàng loạt chương trình mới, với mức đầu tư lớn hơn khoảng 10 lần so với hiện nay thì mới có thể đưa doanh thu từ mảng trực tuyến chiếm tỉ trọng 40% vào năm 2023.
Một doanh nghiệp non trẻ hơn là VietSense Travel từng trải qua 2 năm chật vật với mô hình offline, nhưng nhờ nhanh chóng chuyển hướng sang trực tuyến từ năm 2013 nên đã thu được những kết quả khá khả quan. Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, cho biết: “VietSense xây dựng và vận hành hơn 100 website du lịch, đồng thời, tăng cường marketing online trên các nền tảng website tương tác 2 chiều, nỗ lực quảng bá dịch vụ và chăm sóc khách hàng qua các mạng xã hội. Năm 2019, doanh thu từ kinh doanh trực tuyến của VietSense Travel chiếm tới 90%”.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp lữ hành nào cũng có kỹ năng, vốn để tham gia mảng trực tuyến và chuyển đổi nhanh để bắt kịp môi trường cạnh tranh mới. “Một công ty có quy mô vừa phải như chúng tôi cũng cần đến vài triệu USD để đầu tư cho mảng trực tuyến. Đây là khoản đầu tư lớn nhưng không phải cứ có tiền là làm được mà đòi hỏi doanh nghiệp phải có kỹ năng vì đây là một môi trường hoàn toàn khác”, bà Thủy Tiên, Công ty Asian Trails, cho biết.
Tình hình dịch bùng phát và đang lan nhanh ra khắp thế giới khiến ngành du lịch Việt Nam khó có thể hy vọng hồi phục trong nửa cuối năm 2020, cũng như khó lòng đạt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng, kéo dài trên toàn cầu sau dịch bệnh. Nhu cầu du lịch sau dịch bệnh chắc sẽ giảm sút do một bộ phận không nhỏ dân chúng trên thế giới đã nghèo đi đáng kể. Lúc này, một chiến lược phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính quyền và các doanh nghiệp liên ngành là vô cùng cần thiết.
Trong 3-4 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng ngoạn mục thuộc hàng cao nhất thế giới với mức trung bình trên 20%/năm. Năm 2019 Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách. Câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra là làm sao khi hết dịch, tốc độ tăng trưởng như trước vẫn được duy trì. Theo ý kiến của nhiều người trong ngành, khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt, đó cũng là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông tiếp thị và bán hàng.
“Việt Nam điểm đến an toàn”, các gói du lịch khuyến mại kích cầu có thể tung ra để kích thích khách sớm đăng ký đi tour. Ở khía cạnh Nhà nước, các cơ quan quản lý cần đóng vai trò nhạc trưởng để gắn kết các thành phần du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, khu vui chơi giải trí… cùng giảm giá để có các sản phẩm tour trọn gói kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên miễn lệ phí visa cho những thị trường trọng điểm, tiềm năng và có mức chi trả cao để thu hút khách từ những thị trường này. Đồng thời có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty HanoiRedtours, doanh nghiệp rất cần thông tin chính xác về dịch bệnh để có kế hoạch khai thác thị trường và phục hồi từng thị trường. Đồng thời, cũng cần biết rõ nguồn lực mà Nhà nước hỗ trợ để kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, hiệp hội nhằm tổ chức chương trình kích cầu sau dịch bệnh. Còn Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên cho rằng, du lịch Việt Nam nên đẩy mạnh xúc tiến qua mạng xã hội, xúc tiến trực tuyến, bởi vì trong thời gian có dịch, người ta càng lên mạng nhiều để tìm kiếm thông tin. Ông Guillermo Pantoja, Tổng Giám đốc khách sạn Meliá Hanoi, cho rằng: “Với các nỗ lực tích cực để quảng bá Việt Nam là một điểm đến an toàn của Tổng cục Du lịch, chúng tôi tin rằng ngay sau khi tình hình dịch bệnh trên thế giới khả quan hơn, du lịch Việt Nam sẽ dần dần thu hút lại một lượng lớn du khách trong và ngoài nước để vực dậy ngành kinh tế không khói và tiếp tục phát triển bền vững”.