‘Du lịch biển đảo luôn tạo giá trị cạnh tranh cho du lịch Việt’
Ông Trương Mạnh Hùng, huyện đảo Vân Đồn, giới thiệu thông tin các điểm du lịch của đảo Vân Đồn với khách tham dự – Ảnh: N.BÌNH
Chiều 9-10-2020, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng 3 đơn vị đồng hành gồm Vinpearl – VinWonders, Vietjet Air, Saigontourist Group tổ chức Hội thảo sơ kết diễn đàn du lịch: Ấn tượng Việt Nam giai đoạn 1 và phát động chương trình tiếp nối với chủ đề Phát triển du lịch biển đảo.
Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 100 khách mời, gồm lãnh đạo Tổng cục Du lịch, cùng lãnh đạo các vụ thị trường du lịch, sở văn hóa – thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố, đại diện các huyện đảo, cùng các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, đơn vị vận tải… trong ngành du lịch.
Khách dành nhiều quan tâm về hành trình biển đảo được giới thiệu tại ngày hội – Ảnh: T.T.D.
Đến từ mọi miền Tổ quốc, mỗi huyện đảo cũng không quên đem đến những sản vật địa phương, giới thiệu đến người tiêu dùng. Huyện Côn Đảo giới thiệu hạt bàng, rượu nho vang hay mật ong bạc hà, trà vối, chè ở tỉnh, huyện Vân Đồn với như ruốc hàu, phồng tôm hàu, chè Sen Bản… Đặc biệt, gian hàng đến từ miền núi Hà Giang được khách tham quan dành nhiều quan tâm, mua sắm.
Đại diện ban tổ chức, ông Lê Thế Chữ – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho biết thời gian qua, nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Quảng Bình, Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Vũng Tàu… đã thu hút rất đông du khách trong nước, cho thấy chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch phát động đã gặt hái được thành công.
Báo Tuổi Trẻ cùng các đơn vị đồng hành là Vingroup, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Vietjet Air cũng tự hào đã góp một phần nhỏ cho sự thành công này, bằng diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam năm 2020.
“Người Việt chúng ta có truyền thống lạc quan kiên trì, bền bỉ. Vì vậy, tôi nghĩ tất cả chúng ta hãy cùng lạc quan, để sáng tạo, đoàn kết, lạc quan để thích ứng với hoàn cảnh bình thường mới. Có như vậy, du lịch mới hồi phục, kinh tế mới phát triển” – ông Chữ nói.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cùng ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải cao nhất cuộc thi viết “Quê hương tôi” – Ảnh: T.T.D
Ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng cho biết chương trình kích cầu giai đoạn 1 chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã được Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch phát động và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam được báo Tuổi Trẻ tổ chức ngay từ những ngày đầu chương trình kích cầu du lịch nội địa, được phát động tại Quảng Nam, Nha Trang, Cần Thơ và TP.HCM, cùng với cuộc thi viết Quê hương tôi và các hoạt động trên báo viết, báo mạng, kênh truyền thông đã chung tay thúc đẩy phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19.
“Trong tháng 6-2020, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh trung bình từ 1,5 – 3 lần so với tháng 5-2020, như Sa Pa (Lào Cai) tăng 2,65 lần; Hà Nội tăng 3,16 lần; Thừa Thiên Huế tăng 2,2 lần; Phú Quốc tăng 1,68 lần… “, ông Khánh cho biết.
Từ cuối tháng 7, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và một số địa phương khiến ngành du lịch một lần nữa bị ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp hồi phục lại tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.
“Để tiếp tục từng bước khôi phục, đẩy mạnh hoạt động du lịch, việc tái khởi động kích cầu du lịch nội địa là một giải pháp thiết thực, đảm bảo chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cho toàn ngành, sự khởi sắc của hoạt động du lịch trong những tháng cuối năm 2020”, ông Khánh cho biết.
Cảm xúc về quê hương sẽ đưa ngành du lịch khởi động lại
Tại diễn đàn, ban tổ chức đã trao giải cuộc thi “Quê hương tôi” với giải nhất “Ở Lý Sơn người ta dùng tình đón nhau” của tác giả Lê Thị Hiệp. Không giấu được sự xúc động khi lên nhận giải, tác giả Lê Thị Hiệp nói: “Được lên nhận giải thưởng viết về Lý Sơn là một niềm vui quá đỗi bất ngờ, mà khi gửi bài tôi không hề nghĩ đến. Toàn bài viết là cảm xúc về chuyến đi, về một trải nghiệm thật đặc biệt với Lý Sơn”.
Ông Đỗ Văn Dũng – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban giám khảo cuộc thi “Quê hương tôi” cho biết ban giám khảo nhận thấy các bài viết thể hiện cảm xúc nhớ nhung của khách với điểm đến, của người làm nghề du lịch nhớ khách.
Dịp này, ban tổ chức giới thiệu cuốn sách đặc biệt 12 huyện đảo Việt Nam – Chuỗi ngọc trên Biển Đông được viết song ngữ Việt – Anh, trong đó nổi bật cảnh sắc 12 huyện đảo ở Việt Nam như Bạch Long Vĩ và Cát Hải thuộc Hải Phòng; Cô Tô và Vân Đồn ở Quảng Ninh; Cồn Cỏ ở Quảng Trị, Lý Sơn ở Quảng Ngãi, Phú Quý ở Bình Thuận, Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng, Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa; Côn Đảo ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Hải và Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang.
“Các huyện đảo luôn gợi cho chúng tôi cảm hứng cháy bỏng trong quá trình tìm kiếm, giới thiệu, khai thác các sản phẩm du lịch vừa có tính đặc thù, vừa mang tính phổ biến, vừa thu hút thị trường khách đại chúng, vừa tạo ra các dòng sản phẩm hướng đến các thị trường ngách. Thực tế, du lịch biển, đảo Việt Nam đang lên ngôi và luôn sẽ là sản phẩm mang thế mạnh khác biệt và độc đáo, tạo ra nhiều giá trị cạnh tranh cho du lịch Việt Nam” – ông Phạm Huy Bình, chủ tịch HĐQT Saigontourist Group, chia sẻ.
Bước vào giai đoạn hai sắp tới, diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng đồng hành doanh nghiệp du lịch, phát động Phát triển du lịch biển đảo, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, ấn tượng thu hút du khách để ngành du lịch thêm một lần hồi sinh sau dịch COVID-19.
Gian hàng Hà Giang là điểm nhấn độc đáo tại hội nghị chiều 9-10 – Ảnh: T.T.D.
Kết quả cuộc thi viết “Quê hương tôi”
Giải nhất thuộc về tác phẩm “Ở Lý Sơn người ta dùng tình đón nhau” của tác giả Lê Thị Hiệp.
Hai giải nhì thuộc về tác phẩm “Cần thật nhiều áo mới” – Thanh Thuý và tác phẩm “Tôi có hẹn với Hà Giang” của tác giả Trần Hồng Ngọc.
Ba giải 3 như tác phẩm “Thiềng liềng ngộ quá hen”; “Chợ nổi Cái Răng ai cũng thích cười”, “Pleiku thành phố có cả một mùa sương”.
10 tác phẩm đạt giải khuyến khích như “Cảnh đẹp thần tiên trên dòng sông Đà huyền thoại”; “Việt Nam có những thiên đường”; “Rừng Tà Xùa cuốn hút đến quên lối về”; “Cung đường bún nước lèo miền Tây”; “Tôi mê lắm màu áo xanh của hồ Ba Bể”; “Bình minh mát lạnh như mùa xuân giữa núi rừng Phi Liêng”; “Về Cần Giờ trải nghiệm bình yên bên rìa thành phố”..
Cẩm nang ’12 huyện đảo VN’: tự hào cảnh đẹp những vùng đất thiêng liêng