Du lịch Di Linh: Nhìn từ thực tế
Tài nguyên thiên nhiên đa dạng, cùng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, Di Linh có khá nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm… đầy hấp dẫn.
Tài nguyên thiên nhiên đa dạng, cùng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, Di Linh có khá nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm… đầy hấp dẫn.
Nếu đưa vào khai thác du lịch thì nhà dài truyền thống của người K’Ho là một kiểu homstay độc đáo
Theo ông Nguyễn Trường Sỹ, một người đam mê du lịch ở thị trấn Di Linh, nếu những tiềm năng về tự nhiên, về nhân văn được đánh thức, Di Linh chắc chắn sẽ trở thành điểm đến mới lạ, hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. “Địa danh đầu tiên phải kể đến đó là núi Brăh Yang nằm trên địa phận xã Bảo Thuận, có đỉnh cao khoảng 1.300 m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao nhất ở cao nguyên Di Linh. Brăh Yang vẫn còn giữ những nét hoang sơ, rất phù hợp để tổ chức các tour du lịch dã ngoại, hoặc tour du lịch trải nghiệm leo núi. Bên cạnh Brăh Yang là công trình thủy lợi lớn nhất huyện Di Linh – hồ Ka La – với diện tích mặt nước trên 300 ha, phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.700 ha lúa và các loại hoa màu. Cảnh quan đẹp, không gian yên tĩnh, hồ Ka La rất thích hợp cho du khách chọn làm nơi thưởng ngoạn khung cảnh non nước hữu tình miền sơn nguyên. Đặc biệt, văn hóa bản địa K’Ho với những lễ hội truyền thống, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, ẩm thực… là nguồn tài nguyên nhân văn nhiều hứa hẹn để thu hút du khách đến địa phương tham quan, tìm hiểu”, ông Sỹ hào hứng nói.
Thạc sĩ Phan Văn Bông, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, người đang thực hiện đề tài khoa học những đóng góp của các giá trị văn hóa bản địa Tây Nguyên vào tăng trưởng kinh tế – xã hội tại huyện Di Linh, bày tỏ tán đồng: Di Linh không thiếu nguồn tài nguyên để phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Di Linh cần làm gì để những tiềm năng ấy phát huy hết lợi thế của mình, trở thành điểm sáng thực sự trong thời gian tới.
Phải thừa nhận rằng, Di Linh là địa phương sở hữu nhiều danh thắng đẹp. Ngoài núi Brăh Yang và hồ Ka La, Di Linh còn có thác Bobla (Liên Đầm), thác Li Liang (Gung Ré), thác Bảy Tầng (Gia Bắc), thác Phú Xuân (Gia Hiệp), cánh đồng lúa Bảo Thuận, cung đường Gia Bắc, đồi chè Tân Châu… với những ưu thế riêng để hình thành các điểm liên kết phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Hồ thủy điện Đồng Nai 2, hồ thủy điện Đồng Nai 3, hồ Đak Lou Kia, hồ Thanh Bạch, rừng thông sao võ… cũng là những điểm có thế mạnh về du lịch tại Di Linh. Thêm vào đó, mạng lưới giao thông nơi đây khá thuận lợi, giúp kết nối giao thương và du lịch với Đà Lạt, Bảo Lộc qua Quốc lộ 20 và Bình Thuận, Đắk Nông qua Quốc lộ 28. Quốc lộ 20 đi qua địa phận Di Linh dài 41,5 km, Quốc lộ 28 đi qua địa phận Di Linh dài 92 km. Chưa kể, đường ĐT 725 đi qua địa phận Di Linh dài 9,5 km và đường ĐT 726 đi qua địa phận Di Linh dài 7,82 km.
Ông Lê Ngọc Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa, chia sẻ: “Để du lịch Di Linh xác lập được vai trò trong chiến lược phát triển của địa phương, huyện Di Linh cần có một quy hoạch tổng thể về du lịch nằm trong quy hoạch tổng thể về du lịch của Lâm Đồng nhằm kêu gọi các nhà đầu tư đến địa phương tìm hiểu, xúc tiến du lịch. Trong quy hoạch tổng thể này, phải xác định được sản phẩm đặc thù của địa phương, cũng như vai trò của liên kết nội tỉnh với Bảo Lộc, Đà Lạt và liên kết ngoại tỉnh với Bình Thuận, Đắk Nông. Như vậy, sẽ khắc phục được sự thiếu đồng bộ trong chiến lược phát triển du lịch với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.
Chia sẻ của ông Lê Ngọc Chánh là xác đáng, đầy tâm huyết với du lịch Di Linh. Ông Lê Kim Phúc, một người hoạt động trong lĩnh vực lữ hành tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm phục vụ du lịch ở đây còn nghèo, thiếu các đầu mối hỗ trợ, cung ứng các dịch vụ du lịch. Đó là một trong những lý do Di Linh mới chỉ dừng lại ở mức điểm dừng chân trên hành trình du khách đến với tỉnh Lâm Đồng”. Vì thế, ông Phúc cho rằng: Trước mắt và tương lai, Di Linh cần có chiến lược dài hơi để tạo ra dư địa tối đa cho nguồn tài nguyên tự nhiên và nguồn tài nguyên nhân văn, trong đó tập trung hoàn thiện, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch có sẵn, bên cạnh xây dựng các tuyến, điểm du lịch mới, các sản phẩm đặc trưng, cùng những chuỗi cung ứng dịch vụ thương mại, khôi phục các lễ hội văn hóa, các làng nghề truyền thống của người bản địa Tây Nguyên… Một khi đã định vị các sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ tạo cơ hội thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương.
TRIỀU KA