Du lịch Cam Lâm, tiềm năng và định hướng phát triển – Triệu Phú Land
Huyện Cam Lâm có địa hình phong phú, đa dạng, có núi, rừng, đồng bằng và biển, tiêu biểu như: Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà với nhiều dãy núi liên tiếp, độ cao tuyệt đối trên đỉnh là 1.578m so với mặt nước biển, khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều khe suối kết hợp với hệ thực vật sinh trưởng tốt ven suối tạo nên cảnh sắc sinh thái hiếm nơi nào có được. Biển Bãi Dài với 13km bờ biển cát trắng mịn, nước trong xanh, bãi tắm cạn, được tạp chí National Geographic (US) bình chọn là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Đầm Thủy Triều là nơi tổ chức được nhiều sản phẩm du lịch
Đầm Thủy Triều rộng khoảng 12.000 ha, hiện còn giữ được nét đẹp hoang sơ tự nhiên, phù hợp với du lịch sinh thái và các hoạt động thể thao như lướt ván, du thuyền… Ngoài ra, tại các xã vùng ven trung tâm hành chính huyện có gần 5.000ha xoài, đây là điều kiện cần thiết để xây dựng chuỗi liên kết mô hình du lịch gắn với nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội Những người trồng xoài huyện Cam Lâm được thành lập vào tháng 12/2016, đầu năm 2017 thì thương hiệu Xoài Cam Lâm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và được cấp nhãn dán thương hiệu Xoài Cam Lâm, giúp cho việc đưa xoài Cam Lâm thành sản phẩm du lịch. Có thể nói, Cam Lâm có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều sản phẩm du lịch.
Một khu nghỉ dưỡng tại Bãi Dài
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cam Lâm hoạt động du lịch tập trung tại Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (xã Cam Hải Đông) với 12 khu nghỉ dưỡng cao cấp, tổng mức đầu tư khoảng 22,500 tỷ đồng
Khu du lịch Tàu Ngầm (xã Suối Cát) là sự kết hợp giữa du lịch sinh thái và lịch sử văn hóa; Khu du lịch Suối Nguồn – Hòn Bà với sản phẩm du lịch đu dây mạo hiểm hành trình trên cao (Zipline), là sản phẩm du lịch mới dưới tán rừng, hỗ trợ tích cực và làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch chủ yếu về biển tại Khánh Hòa.
Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch mạo hiểm Zipline tại Hòn Bà
Tuy nhiên, có thể thấy hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch trên địa bàn huyện chưa cao; cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn thấp; sản phẩm du lịch chưa phong phú; còn thiếu dịch vụ vui chơi giải trí trên biển, điểm tham quam du lịch, ăn uống, mua sắm, quà lưu niệm…; nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch tại địa phương chưa được đào tạo bài bản; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp.
Với xu hướng hiện nay tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí vẫn là mục đích của đa số thị trường khách du lịch; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến. Do đó, để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển đúng hướng, tương xứng với tiềm năng du lịch đa dạng của huyện Cam Lâm, trong thời gian đến, huyện Cam Lâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của Nhân dân về vai trò, giá trị kinh tế của du lịch trong sự phát triển kinh tế – xã hội. Tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh trở thành khu du lịch quốc gia; phối hợp trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà với các sản phẩm du lịch đặc thù, hướng đến sự tinh tế, văn hóa, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh như: Du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, khám phá khoa học, mạo hiểm, trải nghiệm môi trường rừng dựa trên các đặc điểm đa dạng và hấp dẫn của hệ sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà; quy hoạch, kêu gọi đầu tư hoạt động thể thao dưới nước, biểu diễn nghệ thuật kết hợp du lịch nghỉ dưỡng khu vực đầm Thủy Triều. Phối hợp Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn triển khai đề án du lịch cộng đồng tại vùng trọng điểm xoài; xây dựng kết nối giữa nhà nông với doanh nghiệp du lịch, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch. Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: Xây dựng các tour du lịch văn hóa gắn với di tích, công trình của bác sỹ A.Yersin như tham quan nhà làm việc (tại Chùa Linh Sơn Pháp Ấn và tại đỉnh Hòn Bà), mộ bác sỹ A.Yersin; tham quan Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma; phát huy hoạt động của các câu lạc bộ dân ca và các nghệ nhân trên địa bàn bằng việc đưa dân ca Bài chòi vào phục vụ du lịch.
Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch như các nhà vườn, điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch lữ hành, phương tiện vận chuyển khách tại các điểm tham quan, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chuẩn, nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch… Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch tại địa phương./.