Dự án BEST: Biến rác thành năng lượng
Dự án BEST được triển khai với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) giai đoạn 2020 – 2024 tại các tỉnh: Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái. Nhóm đối tượng của Dự án gồm 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình chế biến nông sản, 100 doanh nghiệp, xưởng cơ khí và 400 đơn vị cung ứng sinh khối tại 4 tỉnh. Mục tiêu là sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cải thiện hoạt động kinh doanh nhờ áp dụng công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG); 1,4 triệu tấn sinh khối được sử dụng làm nhiên liệu cho công nghệ VCBG; 2 triệu tấn CO2 giảm phát thải; 90% hộ gia đình chế biến nông sản ứng dụng công nghệ VCBG hài lòng với dịch vụ cung ứng sinh khối và cơ khí.
Các học viên thực hành gia công và vận hành thử thiết bị áp dụng công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích.
Thực tế cho thấy, một lượng lớn phế phụ phẩm nông lâm nghiệp đang bị coi như chất thải, vứt bỏ và đốt gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó nguồn nhiên liệu này hoàn toàn có thể được sử dụng làm nhiên liệu trong ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối để tạo ra nguồn năng lượng sạch, rẻ hơn. Các vật liệu sinh khối được sử dụng trong công nghệ này có thể là nguồn rác thải sinh khối sẵn có ở địa phương như: thân lõi ngô, cây sắn, mùn cưa, gỗ vụn, dăm mảnh, vỏ cây, trấu, rơm rạ… Công nghệ VCBG có hiệu quả sử dụng thể tích thiết bị gấp 3 lần so với các hệ thống khí hóa liên tục công nghiệp, chi phí sản xuất thấp, tiết kiệm tới 50% chi phí so với đốt bằng than đá và 80% chi phí so với đốt bằng gas hoặc dầu. Việc sử dụng không tạo ra chất độc trong quá trình đốt, an toàn cho sức khỏe người sử dụng; tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm chất thải, bảo vệ môi trường; tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh than sinh học (một sản phẩm nhờ ứng dụng công nghệ VCBG)…
Tại Tuyên Quang, Dự án được triển khai từ năm 2020 do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh phối hợp thực hiện với Tổ chức Oxfam, Trung tâm CCS. Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, triển khai dự án, Trung tâm đã thu thập thông tin về tiềm năng sinh khối, các ngành sơ chế và chế biến nông sản có nhu cầu sử dụng nhiệt, tiềm năng cơ khí cho việc thúc đẩy công nghệ VCBG và tích hợp thông tin lên ứng dụng của dự án trên địa bàn tỉnh; khảo sát online các cơ sở sơ chế và chế biến tại Thành phố Tuyên Quang, các huyện: Yên Sơn, Hàm Yên và Lâm Bình để thu thập số liệu phục vụ cho việc chế tạo thiết bị VCBG; khảo sát thực tế tại 25 cơ sở sản xuất, gia công cơ khí trên địa bàn tỉnh để lựa chọn các cơ sở tham gia vào chuỗi giá trị VCBG; tổ chức đào tạo xây dựng năng lực cho các cơ sở cơ khí. Đến nay, Dự án đã triển khai thiết bị tại các cơ sở như: HTX Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); cơ sở tinh dầu dược liệu tại xã An Khang (TP Tuyên Quang); Công ty TNHH Ứng Hòa (Yên Sơn)…
Ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, nguyên liệu cơ sở sử dụng để chế biến chè chủ yếu là than củi. Do đó, trong quá trình làm rất bụi, mỗi lần sao chè xong thường bị cộm, ngứa mắt, ho vì bụi than. Chưa kể nhiều mẻ sản phẩm bị nhiễm mùi khói phải bỏ. Hàng tháng HTX dụng khoảng 300 khối củi, chi phí bỏ ra mỗi tháng cho việc mua nguyên liệu chiếm 1/5 chi phí giá thành sản phẩm. Từ khi đưa vào sử dụng 4 lò đốt khí hóa sinh khối trong chế biến chè ông nhận thấy lượng khói bụi thải ra môi trường không có, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sản phẩm chè sau khi hoàn thiện đem đi kiểm nghiệm không bị nhiễm khói trong sản phẩm, chi phí đầu vào giảm giúp tăng giá trị kinh tế cho HTX.
Dự án BEST sẽ góp phần đạt được mục tiêu toàn cầu về tiếp cận năng lượng bền vững và kinh tế xanh. Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Oxfam và Trung tâm CCS cùng các sở, ngành trong tỉnh đẩy mạnh những hoạt động trong việc đào tạo, tuyên truyền về công nghệ VCBG; đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ sở cơ khí trong việc tham gia vào chuỗi giá trị VCBG; tiếp tục khảo sát, lựa chọn các điểm trình diễn công nghệ VCBG tại địa phương.