Đốt vàng mã – “người âm” có nhận được không qua góc nhìn đạo Phật?

Đốt vàng mã để gửi xuống “cõi âm” cho người đã khuất từ lâu đã trở thành một tập tục trong đời sống tâm linh của người Việt. Theo thống kê, mỗi năm người Việt đốt hàng chục nghìn tấn vàng mã, riêng thủ đô Hà Nội, số tiền người dân mua vàng mã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy là không chỉ “tiền vàng” mà tiền thật cũng “cháy” theo. Vậy câu hỏi được đặt ra rằng, người đã khuất có nhận được tiền vàng, quần áo, nhà cửa,… chúng ta “gửi” hay không?

Hãy cùng tìm hiểu sự thật về tục đốt vàng mã qua lời giảng trên Thầy Thích Trúc Thái Minh!

Nguồn gốc tục đốt vàng mã

Nguồn gốc của tục đốt vàng mã xuất phát từ vua chúa phong kiến Trung Quốc ngày xưa. Khi sống có người hầu, kẻ hạ, có của cải nên khi chết những vật chất đó cũng phải đem chôn theo để sang “thế giới bên kia” vẫn tiếp tục sống cuộc sống vương giả.

Sau này, khi xã hội tiến bộ, văn minh hơn người ta nghĩ ra người giả gọi là hình nhân làm bằng giấy, đất sét, các chất bồi lên và ghi tên lên hình nhân này để thay thế cho người sống. Họ lấy tre, nứa đan thành thỏi vàng, làm vàng bạc châu báu rồi dán giấy vàng lên. Sau đó chôn số vàng bạc giả cùng hình nhân này theo người chết.

Một thời gian sau, họ thấy chôn như vậy không phù hợp thì lại nghĩ ra cách đốt, hóa những hình ảnh tượng trưng được làm bằng giấy. Từ đó tập tục đốt vàng mã đã ra đời.

Cửa hàng bán vàng mã tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Cửa hàng bán vàng mã tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Đốt vàng mã “người âm” có nhận được không?

Từ suy nghĩ “trần sao âm vậy”, ngày nay đồ vàng mã ngày càng đa dạng các sản phẩm như ô tô, điện thoại, tiền vàng… được người nhà đốt gửi xuống cõi âm với mong muốn người thân đã khuất có cuộc sống đầy đủ ở thế giới bên kia. Tuy nhiên việc đốt vàng mã như vậy người âm có nhận được không? Những vong linh không được “gửi”: quần áo, nhà cửa,… thì đều nghèo khổ hay sao?

Về vấn đề này, Thầy Thích Trúc Thái Minh khẳng định: “Đốt vàng mã không đúng theo tinh thần đạo Phật, và người âm không dùng được vàng mã”.

Bởi cõi vong linh (ngạ quỷ) hoàn toàn không có việc mua bán, trao đổi. Như trong kinh Tạng Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh 3, Ngạ Quỷ Sự, Phẩm Con Rắn, Chuyện Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường, Đức Phật có dạy:

Chốn kia không có cấy cày đâu,

Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào,

Buôn bán như đây đều chẳng có,

Cũng không đổi vật lấy vàng trao.

Bên kia thế giới các vong linh

Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh,

Như nước đổ từ trên núi xuống,

Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình.

Mặt khác, việc đốt vàng mã chỉ là tập tục của một số nước châu Á, còn các nước phương Tây thì không đốt vàng mã. Và việc đốt vàng mã cho vong linh hoàn toàn là do chúng ta tự suy nghĩ và bắt cõi vong linh phải theo mình. Như việc đốt tiền vàng, có thời điểm đốt hình tiền in hình Diêm Vương trong tưởng tượng, có thời điểm đồng đô la giá trị thì in hình đồng đô la. Cho đến việc đốt áo quần, hay thậm chí có trường hợp còn đốt cả máy bay mặc cho người mất chưa đi máy bay và biết lái máy bay.

Như vậy, việc đốt vàng mã là người trần tưởng tượng nhưng người âm không dùng được những vật dụng đó. Cho nên, việc đốt vàng mã là không đúng, không lợi ích một chút nào cho người chết.

Việc đốt vàng mã không đúng với tinh thần đạo Phật và không đem lại lợi ích cho người mất, kẻ còn

Việc đốt vàng mã không đúng với tinh thần đạo Phật và không đem lại lợi ích cho người mất, kẻ còn

Tại sao “người âm” lại hiện về đòi đốt vàng mã?

Việc đốt vàng mã không đúng với tinh thần đạo Phật và không đem lại lợi ích cho người mất, kẻ còn. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta thấy rất nhiều trường hợp gia chủ gặp giấc mơ người âm báo mộng đòi đốt vàng mã.

Nguyên nhân được lý giải là do tập tục nhiều đời nhiều kiếp đốt vàng mã nên một số vong linh họ quen với việc này. Người âm nghĩ rằng người thân trong gia đình đốt vàng mã thì họ sẽ được hưởng, không đốt cho họ thì họ thiếu mặc. Cho nên, trong tâm tưởng những vong linh này vẫn nặng tập tục. Bên cạnh đó, những vong linh này thường là những vong linh đói khổ, ma đói, ma khát không phải bà cô, họ hàng nhà mình; nó về báo dẫn mình làm những việc linh tinh, không đúng.

Theo góc nhìn của đạo Phật, tùy theo nghiệp duyên của từng loài mà các ngạ quỷ có thức ăn, quần áo,… khác nhau và do phước báu của chính các vong linh biến hiện ra. Như trong bài kinh “Ngạ quỷ ngoại bức tường”, khi vua Ba Tư Nặc cúng dường tới Tăng đoàn và hồi hướng phước báu cho các chúng ngạ quỷ là thân nhân, quyến thuộc của Ngài trong nhiều kiếp thì chúng liền được thọ hưởng đầy đủ.

Vậy nên, việc chúng ta đốt áo quần, vàng mã cho các vong linh thì họ hoàn toàn không thể sử dụng được. Y lời Phật dạy, tất cả thế giới cõi âm hay cõi vô hình, họ thụ hưởng chủ yếu bằng phước báu. Chúng ta muốn người thân quyến thuộc đã mất của mình có cơm ăn, quần áo mặc, chúng ta nên cúng dường trai Tăng và hồi hướng phúc báu ấy cho các vong linh thì họ sẽ được thọ hưởng vật thực.

Bên cạnh đó, các Phật tử có thể dùng tiền mua vàng mã để mua vải vóc, quần áo thật để bày cúng cũng được. Sau đó, chúng ta vẫn có thể sử dụng quần áo đó như bình thường hoặc bố thí cho người nghèo.

Cúng dường chư Tăng là việc làm lợi ích giúp cho người thân đã khuất được thọ hưởng vật thực no đủ

Cúng dường chư Tăng là việc làm lợi ích giúp cho người thân đã khuất được thọ hưởng vật thực no đủ

Từ lời dạy trí tuệ của Đức Như Lai, qua lời giảng giải trên Thầy Thích Trúc Thái Minh, mong rằng các quý Phật tử sẽ hiểu đúng về tập tục đốt vàng mã; từ đó tích tập làm thiện, cúng dường hồi hướng giúp những người thân đã khuất trong gia đình được thọ hưởng phước báu, kết duyên với Pháp Phật.

=> Bài cúng Rằm tháng 7 tại nhà hoặc nhà thờ Tổ