Đốt rác phát điện chưa thật sự khả thi

Ông David Dương - Chủ tịch VABA, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc CWS và VWS.
Ông David Dương – Chủ tịch VABA, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc CWS và VWS.

Thưa ông, gần đây, Chính quyền Tp.HCM có chủ trương muốn thay đổi hoàn toàn công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện, nhằm bắt kịp xu thế phát triển chung của thời đại. Theo ông vấn đề này như thế nào?

Thật ra, cho đến hiện nay, nhiều quốc gia tiến tiến trên thế giới vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp là phần lớn; trong đó ở Mỹ chiếm đến 80% là dùng công nghệ chôn lấp.

Một số nước áp dụng công nghệ đốt rác phát điện thì rác đó là rác thải công nghiệp, rác thải ở các khu dân cư, phần lớn là nhựa và thành phần dễ cháy. Khi đốt chúng cho nhiệt độ cao, cháy lâu và vì có nhiều nhiệt mới phát điện công suất lớn được. Ở ta, rác hầu hết là rác hữu cơ, cháy sinh nhiệt thấp, áp dụng hoàn toàn đốt rác phát điện là không phù hợp, chưa khả thi.

Được biết, Tp.HCM đang rất quyết liệt yêu cầu phải chuyển đổi công nghệ xử lý rác và không tiếp tục chôn lấp. Là doanh nghiệp chịu trách nhiệm xử lý rác tại Tp.HCM, ông tính toán thế nào?

Công ty VWS hiện cũng đang thực hiện việc chuyển đối công nghệ xử lý rác theo yêu cầu của thành phố.

Cụ thể, những thành phần rác không thể tái chế được nữa thì sẽ đốt. Những thành phần rác còn lại, chúng tôi sẽ sản xuất các loại sản phẩm có lợi cho cộng đồng, như đất sạch, phân hữu cơ, điện và khí nén hóa lỏng CNG,… Công nghệ này vừa đem lại lợi ích cho xã hội, vừa phù hợp với thành phần rác tại Việt Nam hiện nay.

Xử lý rác công nghệ cao không có nghĩa chỉ là đem đi đốt mà quan trọng nhất là tính an toàn của công nghệ được ứng dụng, sao cho phù hợp nhất với thành phần, phân loại rác trên thực tế tại Việt Nam.

Ông vừa nói, áp dụng công nghệ nào thì vẫn phải đặt an toàn lên trên hết, chi phí phù hợp nhất và bảo vệ môi trường về lâu dài. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này?

Rác của Việt Nam độ ẩm rất cao, lên đến trên 60%, chất thải hữu cơ cũng chiếm trên 80%. Vì vậy khi đốt sẽ không thể cho được nhiệt độ cao và kéo dài để sản xuất ra được điện nhiều. Áp dụng công nghệ xử lý rác nào nhà đầu tư cũng tính bài toán hiệu quả kinh tế gắn liền với môi trường. Thực trạng rác ở Việt Nam, nếu đầu tư đúng, đủ những công nghệ đốt rác tiên tiến thì chi phí xử lý rác rất cao, cao hơn sức chi trả của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nếu ứng dụng công nghệ đốt rác mà để khói thải trên bầu trời gây ô nhiễm thì rất khó có thể xử lý được.

Nhưng nếu Tp.HCM vẫn kiên quyết yêu cầu phải chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện hoàn toàn, VWS có đầu tư được không?

Chúng tôi hoàn toàn đầu tư được. Tuy nhiên, như tôi đã từng nói, chúng tôi là nhà đầu tư uy tín và hiện đứng thứ hạng 23/100 công ty hàng đầu của Mỹ về xử lý rác, luôn mong muốn sử dụng những công nghệ tốt nhất, phù hợp nhất nhằm bảo đảm tính khả thi cũng như bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Giả sử nếu có công nghệ đốt rác phát điện được chào bán cho chúng tôi để sử dụng ở khu xử lý rác thải Đa Phước của chúng tôi, là những công nghệ giá rẻ, chúng tôi dứt khoát không thể gật đầu mua. Chúng tôi không đánh đổi uy tín đã tạo dựng tại Mỹ, cũng như ở Việt Nam và càng không bao giờ muốn đánh đổi sức khỏe của người dân Việt Nam cho việc làm như thế.

Nói thật, nếu về Việt Nam để đầu tư vì lợi nhuận, chúng tôi sẽ chọn đầu tư ở những lĩnh vực khác. Trước sau như một, tâm huyết của tôi là làm sao mang lại môi trường sạch hơn, xanh hơn nữa cho Việt Nam thông qua việc áp dụng những công nghệ hiện đại đã được minh chứng tại nhiều nước phát triển, với chi phí phù hợp tình hình kinh tế tại Việt Nam.

Đang có lo ngại là khu liên hợp xử lý chất thải của Công ty VWS sẽ quá tải, nghĩa là khả năng chôn lấp cũng sẽ đến hạn?

Đến nay, nhiều quốc gia tiến tiến, giàu có hầu hết vẫn áp dụng công nghệ chôn lấp rác, và việc này đã được tính toán rất kỹ.

Cụ thể, đối với rác hữu cơ có vòng đời 15 năm, sẽ chọn ba khu đất làm ô chôn lấp. Ô chôn lấp thứ nhất sau 15 năm đầy rác sẽ đóng bãi. Kế tiếp sẽ tạo ô chôn lấp thứ 2 cũng sau 15 năm đầy thì đóng bãi. Sau đó làm thêm ô chôn lấp thứ 3, đến khi ô số 3 đầy thì bắt đầu quay lại ô chôn lấp thứ nhất để sản xuất thành phân hữu cơ,… Quy trình xử lý rác cứ lặp lại như vậy sẽ không phải lo hết chỗ chôn lấp và gây ô nhiễm môi trường.

Tôi được biết, mục tiêu của Tp.HCM đến năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống còn 25% và đến năm 2030 sẽ là 0%, nghĩa là đến lúc đó sẽ không còn áp dụng chôn lấp rác. Tôi rất tán thành mục tiêu này vì phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là mục tiêu chúng ta hướng tới.

Tuy nhiên, để đạt được cần rất nhiều yếu tố, từ vốn đầu tư đến công nghệ, giá thành xử lý rác,… Những yếu tố này lại phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh kinh tế và xã hội ở Việt Nam.

Công ty VWS sẽ đáp ứng việc đốt 100% rác thải theo yêu cầu của Tp.HCM nhưng thành phố cần phải trả đúng và đủ giá xử lý theo công nghệ, thiết bị được sản xuất của các nước thuộc khối G7, bảo đảm môi trường an toàn.