Dọn bàn thờ cuối năm ngày nào tốt? Cách lau dọn đúng nghi lễ
Theo văn hóa của người Việt, dọn bàn thờ cuối năm là một trong những lễ nghi không thể bỏ qua nhằm thể hiện sự tôn kính, tỏ lòng biết ơn tới gia tiên hoặc thần linh ngự tại gia đình. Dọn bàn thờ vào ngày nào, trình tự các bước thực hiện ra sao và cần lưu ý những gì để tránh phạm cấm kỵ? Tất cả sẽ có trong bài viết này, mời quý vị theo dõi!
1. Vì sao cần lau dọn bàn thờ cuối năm?
Trong tiềm thức của người Việt, bàn thờ là nơi tôn kính, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ của con cháu dành cho những người đã khuất hay thần linh của nhà. Bàn thờ là nơi tôn nghiêm, linh thiêng nên mỗi dịp năm cũ đi qua, năm mới sắp tới nhà nào cũng cần dọn bàn thờ cuối năm để bàn thờ sạch sẽ, gọn gàng. Bên cạnh đó, việc dọn bàn thờ cũng được xem là cách để thể hiện sự mong cầu của gia chủ về một năm mới thành công, an lành, hạnh phúc hơn.
Dọn bàn thờ cuối năm là một trong các “nghi lễ” quan trọng của người Việt dịp Tết đến xuân về
2. Dọn bàn thờ tết vào ngày nào thì đẹp?
Dọn bàn thờ vào ngày nào thì đẹp, không phạm điều cấm kỵ là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Người thì cho rằng nên dọn bàn thờ cuối năm trước ngày 23 tháng Chạp tức ngày ông Công ông Táo, người lại cho rằng có thể dọn sau ngày đó cũng không sao.
Tháng 12 Âm lịch năm Nhâm Dần có 4 ngày tốt, các gia đình có thể sắp xếp thời gian để dọn bàn thờ, đó là các ngày:
- Ngày 23 tháng Chạp (Ông Công Ông Táo) tức ngày 14/01/2023.
- Ngày 24 tháng Chạp tức ngày 15/01/2023 là ngày tốt để các gia đình lau dọn bàn thờ cuối năm. Có 3 khung giờ đẹp trong ngày đó là giờ Mão từ 5h-7h, giờ Ngọ từ 11h-13h, giờ Mùi từ 13h-15h và giờ Dậu từ 17h-19h.
Dọn bàn thờ có thể lựa chọn giờ đẹp để thực hiện
- Ngày 26 tháng Chạp năm Nhâm Dần tức ngày 17/01/2023 với các khung giờ đẹp cho việc dọn bàn thờ cuối năm từ 7h-9h giờ Thìn, 11h-13h giờ Ngọ, 13h-15h giờ Mùi hoặc giờ Tuất 19h-21h.
- Ngày 28 tháng Chạp tức ngày 19/01/2023 là ngày hoàng đạo, thích hợp làm những việc lớn, gặp nhiều thuận lợi và may mắn. Đây cũng là ngày tốt để lau dọn bàn thờ trong các khung giờ từ 5h-7h sáng tức giờ Mão, 9h-11h là giờ Tỵ, 15h-17h tức giờ Thân và 19h-21h tức giờ Tuất.
Đây là những ngày tốt để tiến hành lau dọn bàn thờ cuối năm. Quý vị có thể sắp xếp công việc để thực hiện việc dọn bàn thờ vào những khung giờ đẹp để không phạm cấm kỵ đồng thời yên tâm rằng mình đã làm tốt các lễ nghi.
TÌM HIỂU THÊM: Lau bàn thờ bằng nước gì? Loại nước cần tránh khi dọn bàn thờ
3. Cách dọn bàn thờ cuối năm chuẩn lễ nghi, phép tắc
Người Việt rất coi trọng các lễ nghi, phép tắc đặc biệt là trong việc dọn bàn thờ cuối năm hay các nghi thức cúng đầu năm. Dưới đây là gợi ý dành cho quý vị.
Cần chuẩn bị những gì khi dọn bàn thờ ngày tết
Để quy trình lau dọn bàn thờ chuẩn chỉ nhất, quý vị cần chuẩn bị thật chu đáo bao gồm:
- Chổi quét bàn thờ (dùng chổi riêng), khăn lau sạch sẽ
- Một chiếc bàn con được phủ vải đỏ hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, bát hương khi di chuyển bài vị, bát hương để thực hiện việc lau dọn.
- Nước bao sái bàn thờ (nước được nấu từ 5 loại thảo dược gồm quế, hồi, đinh hương, bạch đàn và gỗ vang – theo quan niệm đó là nước sạch, tẩy uế mọi bụi bẩn) hoặc rượu gừng để làm sạch các đồ vật trên bàn thờ.
- Thau sạch để đựng chân nhang khi tỉa chân nhang bỏ đi. Bên cạnh đó cần chuẩn bị sẵn tro (đốt từ rơm nếp sạch hoặc mua sẵn ở các cửa hàng chuyên bán đồ lễ) để bỏ vào bát hương.
- Một mâm lễ nhỏ gồm các lễ vật: 1 đĩa xôi trắng, 1 miếng thịt luộc, hoa tươi, trái cây, 1 ấm trà và bộ 5 chén nhỏ, rượu trắng 3 chén, 1 chén nước sôi để nguội, tiền vàng 5 hoặc 10 lễ, 2 lọ hoa tươi.
Chuẩn bị cẩn thận và đúng các loại đồ cần thiết để lau dọn bàn thờ cuối năm
Chọn người lau dọn bàn thờ
Không có quy định về việc ai sẽ là người dọn bàn thờ có nghĩa là ai cũng có thể bao sái ban thờ tuy nhiên bàn thờ là nơi linh thiêng, trang nghiêm nên việc lau dọn bàn thờ cuối năm nếu có thể chọn người chỉn chu, sạch sẽ, cẩn thận thì sẽ đảm bảo đúng nghi lễ, không phạm điều cấm kỵ.
Thông thường, trong các gia đình người Việt truyền thống, người đàn ông tức là trụ cột của gia đình sẽ thực hiện công việc này. Lưu ý nhỏ, dù ai là người bao sái ban thờ cũng nên tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc nghiêm chỉnh rồi mới bắt đầu lau dọn bàn thờ để tránh “thất lễ” với thần linh, gia tiên.
Cách thức và trình tự bao sái bàn thờ cuối năm
Bước 1: Đặt mâm lễ vật như đã hướng dẫn ở phần chuẩn bị bên trên lên bàn thờ, thắp hương và đọc văn khấn xin bao sái bàn thờ. Khi nào hết hương là có thể bắt đầu thực hiện lau dọn ban thờ.
Bước 2: Hạ các đồ vật trên bàn thờ xuống chiếc bàn nhỏ để lau chùi. Riêng bát hương, nếu xác định tỉa bớt chân nhang hoặc thay tro trong bát hương cần thực hiện chuẩn chỉnh, không dịch chuyển bát hương.
Bước 3: Dùng nước bao sái ban thờ hoặc rượu gừng đã chuẩn bị để lau chùi các đồ vật trên bàn thờ, sau đó dùng khăn sạch để lau khô lại một lần nữa.
Sắp xếp bàn thờ đúng sau khi sao bái
Bước 4: Tỉa bớt chân nhang (có thể để lại 3-5-7) chân nhang tùy vào tuổi của gia chủ sau đó dùng thìa sạch bỏ bớt phần tro trong bát hương, nếu thay tro thì bỏ hết tro cũ rồi thay tro mới vào.
Bước 5: Lau mặt bàn thờ với khăn ẩm thấm nước bao sái hoặc rượu gừng sau đó dùng khăn sạch khô để lau lại một lượt. Thay hũ gạo, muối, chóe nước mới sau đó đặt lại các đồ vật vào đúng vị trí.
Tỉa chân nhang để bát hương gọn gàng, nghiêm trang hơn
Bước 6: Thắp 3 nén hương rồi đọc văn khấn báo cáo các cụ, thần linh về việc dọn bàn thờ đã được hoàn tất, xin thỉnh các ngài về.
Trên đây là trình tự các bước thực hiện bao sái, dọn bàn thờ cuối năm. Như đã nói ở trên, các bước cần được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo, tránh để sai sót.
4. Những lưu ý đặc biệt quan trọng khi dọn bàn thờ ngày tết
Lau dọn bàn thờ cuối năm không phải là việc quá khó hay phức tạp tuy nhiên để tránh phạm điều cấm kỵ, tỏ được lòng thành, quý vị nên hết sức chú ý những điều sau:
Thứ nhất, không làm đổ vỡ các đồ vật trên bàn thờ. Theo quan niệm của người Việt Nam, nếu xảy ra đổ vỡ khi lau dọn bàn thờ cuối năm rất có thể đó là “điềm báo” về những điều kém may mắn trong năm mới.
Thứ hai, tránh xê dịch bát hương. Việc đặt bát hương thường được tiến hành rất cẩn thận bởi người có hiểu biết về phong thủy, vị trí đặt bát hương sao cho không phạm, hướng đẹp. Do đó khi lau dọn bàn thờ cuối năm quý vị cần hết sức lưu ý, hãy để nguyên bát hương và tiến hành lau bát hương một cách cẩn thận.
Không nên dịch chuyển bát hương khi dọn bàn thờ cuối năm
Thứ ba, không nên đổ hết tro của bát hương ra ngoài cũng không nên bỏ hết chân nhang cũ bởi theo quan niệm thì đây là việc “tán tài” không nên làm. Một lưu ý quan trọng nữa đó là nếu nhà có người mất chưa được 3 năm, chưa mãn tang thì bát hương đó để lại 7 chân nhang nếu là nam, 9 chân nhang nếu là nữ.
Lưu ý thứ 4 khi dọn bàn thờ cuối năm mà bạn cần biết đó là không dùng nước lạnh để lau. Nước bao sái ban thờ để nguội bớt, thực hiện lau dọn khi nước còn ấm, tránh để nước lạnh hẳn mới lau.
Cuối cùng, khi lau dọn bàn thờ cuối năm, người thực hiện cần nhất tâm một lòng hướng tới gia tiên, thần linh, bày tỏ tâm thành kính của mình và gia đình. Bên cạnh đó, chú tâm thực hiện, tránh phân tâm gây ra đổ vỡ hoặc để sai vị trí của các đồ thờ cúng trên bàn thờ.
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ ở bài viết này, quý vị đã biết cần chuẩn bị những gì, trình tự các bước dọn bàn thờ cuối năm như thế nào đúng lễ nghi, đặc biệt là những lưu ý quan trọng để việc lau dọn bàn thờ được thực hiện chuẩn chỉnh, không xảy ra sai sót, đón năm mới bình an, đắc tài đắc lộc.