Đón Xuân về, vui mùa quất Tết

Tất bật mùa quất Tết

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, “thủ phủ” quất cảnh miền Trung đang vào những ngày bận rộn nhất trong năm. Những ngày này, trên các tuyến đường tại TP. Hội An (Quảng Nam) luôn tấp nập cảnh người dân chăm sóc quất Tết để chờ đưa đi khắp các tỉnh miền Trung để tiêu thụ.

don-xuan-ve-vui-mua-quat-tet-01-1672712022.jpg
Giá quất tăng hơn 20% so với năm ngoái, là niềm vui với người dân ở thủ phủ quất cảnh miền Trung ở phố cổ Hội An mùa Tết

Là một địa phương nổi tiếng ươm trồng cây quất, Hội An luôn là địa chỉ hàng đầu để các thương lái đến đặt cọc mặt hàng này. Từ việc cây quất được giá, nông dân tại đây cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn từ việc sản xuất nông nghiệp. Quất (hay còn gọi là tắc) là loại cây kiểng được nhiều gia đình ưa chuộng làm cảnh ngày Tết với mong muốn tài lộc và sự sum vầy. Những ngày này, người trồng quất cảnh phục vụ thị trường Tết ở P. Cẩm Hà (TP. Hội An) đang tất bật hoàn thành những công đoạn cuối để cây quất đến tay người dân dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

don-xuan-ve-vui-mua-quat-tet-02-1672712021.jpg
Quất cảnh Hội An từ lâu nay đã có thương hiệu trong mắt thương lái và người chơi quất cảnh

Những quả quất căng mọng chỉ đợi đủ nắng, đủ nước để vàng ươm, những cành lá được cắt tỉa tạo kiểu, tạo dáng để làm hài lòng những vị khách. Vậy nhưng, để có được thành quả đó, những người dân nơi đây phải mất thời gian chăm sóc cả năm trời. Vào khoảng tháng 11 âm lịch, người trồng đã bắt đầu cho quất giống vào chậu ươm cho mùa vụ sau, công đoạn này tốn công sức cả tháng”, ông Nguyễn Văn Dũng, (thôn Trảng Kèo, P. Cẩm Hà, TP. Hội An) cho biết.

Trên các nhà vườn của các xã phường như Thanh Hà và xã Cẩm Hà (TP. Hội An, Quảng Nam), những chậu quất chi chít trái bắt đầu to mọng đang được các hộ trồng chăm sóc cẩn thận. Theo người dân ở đây, quất thời điểm này chỉ còn công đoạn tạo dáng là chính. Bên cạnh đó, vẫn đang là mùa mưa ẩm nên quất dễ sinh nấm gây úng trái, hộ trồng quất Cẩm Hà cũng tích cực phun thuốc phòng bệnh và hái bỏ những quả đã bệnh để tránh lây lan.

don-xuan-ve-vui-mua-quat-tet-03-1672712022.jpg
Bên cạnh chất đất tốt, những người trồng quất cảnh đều có kinh nghiệm dày dặn

Ông Nguyễn Văn Dũng, người chăm quất hơn 30 năm chia sẻ: “Đã chăm quất thì phải chăm cả năm, gần thu hoạch mình càng phải cẩn thận, tỉ mỉ theo dõi cây. Tới thời điểm cuối tháng 11 âm lịch thì hầu hết các vườn quanh đây đều đã có các thương lái đến đặt cọc rồi. Khoảng ngày 10 tháng Chạp là ở đây nhộn nhịp đoàn xe tải tới chở quất đi khắp nơi. Quất ở đây bán cho thương buôn mọi vùng miền: Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Đà Nẵng, Quảng Ngãi,… Thương buôn rất thích quất Cẩm Hà vì cây cho trái đều lại được tạo dáng đẹp mắt”.

Trong năm vừa qua, đặc biệt là vào những tháng 10 và 11, mưa lũ kéo dài, song quất cảnh ở các làng nghề tại Thanh Hà, Cẩm Hà vẫn kết trái tốt và không bị ảnh hưởng nhiều. Theo người trồng quất ở đây chia sẻ thì quất có sức chịu đựng tốt, đất trồng lại là loại đất cát thoát nước nhanh nên không bị thiệt hại lớn như người trồng hoa ở địa phương. Toàn xã Cẩm Hà có khoảng 300 hộ gia đình trồng quất lâu năm và hơn 100 hộ mới trồng. Theo ông Dũng thì các hộ gia đình trồng lâu năm ở Cẩm Hà quy mô trung bình vào khoảng 500 chậu. Nhiều nhà quy mô gấp 3 lần cung ứng cho thương buôn lớn ở các tỉnh.

don-xuan-ve-vui-mua-quat-tet-05-1672712157.JPG
Những năm qua, thu nhập kinh tế từ việc trồng quất cảnh ngày càng được tăng cao

Quất Cẩm Hà nổi tiếng vì cây kiểng cho say trái đều, cách bắt dáng tự nhiên. Điều đặc biệt làm nên “thương hiệu” quất phải kể đến là đất trồng quất ở đây. Người dân Cẩm Hà cho rằng chỉ duy nhất ở Cẩm Hà mới có được loại đất trồng cây quất kiểng cho năng suất tốt. Bên cạnh chất đất tốt, những người trồng quất cảnh đều có kinh nghiệm dày dặn. Theo ông Dũng: “Hàng mấy mươi năm, cách chăm quất và tạo dáng cây có ít nhiều thay đổi. Trước người ta hay chuộng kiểu quất như cây tháp, phải đóng cọc vào rồi buộc thép. Làm thế vừa vất vả mà cây lại không tự nhiên. Nay người ta thích cây “có thế”, nhiều trái, nhiều lộc”.

Ngoài những yếu tố về thổ nhưỡng, con người, làng quất Cẩm Hà nằm gần tuyến du lịch phố cổ Hội An có lợi thế cho du khách biết đến cũng như trực tiếp chọn lựa cây kiểng. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp quất kiểng Cẩm Hà nổi tiếng khắp miền Trung, mang đến những giá trị kinh tế lớn cho người dân và địa phương.

Niềm vui mùa quất Tết

don-xuan-ve-vui-mua-quat-tet-07-1672712157.JPG
Nhiều cây quất Tết được chốt hàng từ sớm

Tháng cận Tết, quất cảnh nơi đây bỗng “hút hàng” khiến nông dân rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Nam (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà) cho biết, năm nay gia đình bà trồng 200 chậu quất phục vụ Tết. Trong khi đó, giá tăng 20% so với năm ngoái. Tương tự, việc thương lái đến các nhà vườn tại TP. Hội An để thu mua hết số lượng quất cảnh đã khiến các chủ vườn phấn khởi sau một mùa vụ thuận lợi. Vườn quất 500 cây của gia đình đã được “chốt” hơn nửa tháng trước, hiện tại gia đình ông Bùi Tú (thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà) đang tất bật chăm sóc để 16 tháng Chạp thương lái đến chở đi tiêu thụ. “Mùa quất năm nay dù lời lãi không bao nhiêu, nhưng đây là nghề truyền thống nuôi sống gia đình, chúng tôi quyết giữ gìn dù khó khăn do nhiều yếu tố. Hy vọng thời gian tới giá cả các loại mặt hàng ổn định để người dân yên tâm làm ăn!”, ông Tú tâm sự.

don-xuan-ve-vui-mua-quat-tet-08-1672712081.JPG
Anh Nguyễn Xuân Cảnh năm nay cũng tung ra thị trường 400 chậu quất

Anh Nguyễn Xuân Cảnh – chủ vườn hoa Xuân Phúc – cho biết gia đình anh có 2 mảnh vườn dùng để trồng quất tại phường Thanh Hà và xã Cẩm Hà (TP. Hội An). Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trước đây vườn quất cảnh của anh cũng tung ra thị trường 400 chậu quất tầm trung và đã được thương lái mua hết. Anh Cảnh chia sẻ mỗi chậu quất khi bán cho thương lái sẽ có giá từ 600.000 đồng tới 2 triệu đồng tùy loại. Giá quất tăng hơn 20% so với năm ngoái, mặc dù không nhiều, nhưng cũng là niềm vui với người dân ở thủ phủ quất cảnh miền Trung ở phố cổ Hội An mùa Tết.

Là người truyền nối nghề từ người cha của mình, anh Cảnh không giấu được niềm tự hào với công việc của gia đình: “Tuổi cha tôi đã lớn, không thể tiếp tục sớm hôm với cây quất được. Nhưng bản thân được cha chỉ dạy nên thấy cũng yêu nghề. Trồng cây quất có khi vui buồn mùa vụ với nó, cái tâm huyết mình bỏ ra mang cây quất đi mọi miền nghĩ cũng vui. Dù chi phí đầu tư cây giống, phân bón, nhân công cao nhưng bù lại quất bán được giá nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Năm nay cũng kiếm được chút ít để đón Tết và đầu tư cho vụ quất sau”.

don-xuan-ve-vui-mua-quat-tet-09-1672712157.JPG
Năm nay số lượng quất cảnh toàn xã phục vụ thị trường Tết khoảng 50 nghìn chậu, đến thời điểm hiện tại 90% số này đã được người mua đặt cọc

Theo các chủ vườn, thương lái hiện nay chủ yếu đến từ Quảng Ngãi, Bình Định, Huế và các tỉnh Tây Nguyên. Các chủ vườn cho biết, từ tháng 10 thương lái ở các nơi đổ về hoặc liên hệ để đặt cọc mua. Nhiều thương lái đặt cọc sớm, trong khi đó nhiều thương lái tỏ ra “hối tiếc” vì e ngại tình hình thời tiết diễn biến phức tạp nên đã đến đặt cọc, mua quất trễ hơn, không đủ số lượng cần thiết. Những cây lớn đẹp được bán với giá 2 triệu đồng, chậu nhỏ giá giao động khoảng 600- 700 nghìn đồng. Dự kiến đến giữa tháng Chạp thì thương lái sẽ đến các vườn để vận chuyển quất đi bán, phục vụ thị trường Tết. Điều này giúp cho người trồng quất Hội An rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Thành Được – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho hay, năm nay số lượng quất cảnh toàn xã phục vụ thị trường Tết khoảng 50 nghìn chậu, đến thời điểm hiện tại 90% số này đã được người mua đặt cọc. Quất cảnh Hội An từ lâu nay đã có thương hiệu trong mắt thương lái và người chơi quất cảnh. Hiện nay, xã đã có nhiều chính sách khuyến khích nông dân trồng quất để thương hiệu quất được vang tiếng xa hơn nữa.

don-xuan-ve-vui-mua-quat-tet-10-1672712022.jpg
Mỗi năm, TP. Hội An cho ra thị trường hàng chục nghìn cây quất cảnh các loại

Mỗi năm, TP. Hội An cho ra thị trường hàng chục nghìn cây quất cảnh các loại. Trong đó, các địa phương như phường Thanh Hà, xã Cẩm Hà và phường Cẩm Châu là nơi trồng nhiều nhất, đặc biệt là “vùng rốn” Cẩm Hà. Theo tìm hiểu, chỉ riêng tại xã Cẩm Hà đã có hơn 65ha đất dùng cho việc trồng quất cảnh và hoa. Những năm qua, thu nhập kinh tế từ việc trồng quất cảnh ngày càng được tăng cao, nghề trồng quất đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.