Đón Tết hiện đại hay truyền thống, gia đình vẫn sum vầy
Tết không chỉ là kỳ nghỉ dài mà còn trở thành thời điểm các gia đình được đoàn tụ. Dù mỗi nhà có hình thức đón Tết khác nhau, được sum vầy bên người thân vẫn là điều quý giá nhất.
Với mong muốn lan tỏa thông điệp “Ký ức ngày Tết sum vầy hạnh phúc là tài sản quý giá nhất”, Zing News cùng Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma) tổ chức cuộc thi ảnh “Ký ức sum vầy ngày Tết”. Ngay sau khi phát động, BTC đã nhận được nhiều bài dự thi – những câu chuyện cảm xúc về kỷ niệm, nỗi niềm, mong muốn của mỗi người trong ngày Tết.
Gia đình sum vầy trong ngày Tết hiện đại
Đối với những người con sinh ra và lớn lên giữa thành phố hiện đại, họ vẫn luôn ghi nhớ truyền thống tốt đẹp của gia đình, đặc biệt trong những ngày Tết, dù hình thức đón Tết có nhiều thay đổi. Nhiều gia đình hiện đại không quá câu nệ chuyện dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị tất bật mọi thứ, nhưng đối với họ, việc người thân sum vầy và cùng gửi nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới là điều không thể bỏ qua.
Truyền thống sum vầy của gia đình độc giả Phương Uyên.
Độc giả Nguyễn Hoàng Phương Uyên chia sẻ về truyền thống sum vầy của gia đình vào ngày Tết: “Nếu hỏi tôi nhớ nhất ký ức gì vào những ngày đầu năm mới, đó sẽ là truyền thống đón Tết của gia đình. Vào ngày mùng 1, con cháu dù ở xa đến mấy cũng sẽ cố gắng quay về thăm bà. Kể cả các bác tôi – đang sống ở nước ngoài – múi giờ ngược hẳn với Việt Nam cũng sẽ gọi điện về, từng người từng người một để mừng thọ bà”.
Là người con của thành phố hiện đại, Phương Uyên cho biết gia đình cô không quá câu nệ chuyện dọn dẹp, ăn uống mà sẽ quan tâm hơn các hoạt động cả nhà cùng nhau làm trong ngày Tết. “Đi chùa hái lộc, chúc Tết từng người, may áo dài, lì xì cho con trẻ… tất cả truyền thống Tết ấy nhà tôi đều cố giữ gìn trọn vẹn”, cô chia sẻ.
Những kỷ niệm về ngày Tết sum vầy không chỉ nâng niu tâm hồn ta lúc này mà còn là câu chuyện, là những giá trị ta truyền lại cho con cháu trong tương lai. Dù hiện đại hay truyền thống, dù hình thức đón Tết mỗi nhà có khác nhau, nhưng giá trị thiêng liêng sum vầy bên gia đình ngày Tết vẫn luôn được coi trọng.
Hai chữ “gia đình” khiến ngày Tết ấm áp
Mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng người bỗng thổn thức đến lạ. Đó là thời điểm các gia đình được đoàn tụ sau thời gian xa cách, là những ngày mà tiếng bánh xe lăn hay tiếng máy bay cất cánh cũng khiến chúng ta bồi hồi, là phút giây những người con xa quê ngóng đợi được về nhà, được sum vầy bên mẹ cha, cùng cả nhà tận hưởng một cái Tết ấm cúng.
Độc giả Phạm Thị Thanh Kiều chia sẻ về ý nghĩa của ngày Tết sum vầy bên gia đình: “Mỗi năm cứ đến ngày Tết, hàng triệu triệu người di chuyển về quê để sum họp bên mâm cơm gia đình. Động lực, sức mạnh nào đã làm nên một cuộc hồi hương lớn và phi thường đến thế? Chỉ có thể nói đến hai từ trái tim”.
Ký ức về người cha quá cố sẽ sống mãi trong những kỷ niệm ngày Tết của chị Thanh Kiều.
Đối với Thanh Kiều, gia đình là điều quan trọng nhất. Chị luôn sống với triết lý “Cây có cội, nước có nguồn”, điều đó càng khiến chị dâng trào cảm xúc khi đây là năm đầu tiên gia đình đón Tết thiếu một người – người cha vừa khuất bóng.
“Đã 13 năm kể từ khi có mái ấm gia đình riêng bé nhỏ, chúng tôi đều tranh thủ về dự mâm cơm đoàn tụ cùng cả hai đại gia đình. Năm nay – Tết Tân Sửu, năm đầu tiên chúng tôi thiếu vắng một hình bóng, một đại cổ thụ trong đại gia đình. Tấm hình chụp lưu niệm năm nay sẽ trống một chỗ. Cha ơi, cha sẽ sống mãi trong trái tim của chúng con! Dẫu biết đời người là ngắn ngủi, vô thường, kiếp nhân sinh không thể thoát khỏi định luật hợp tan, đến và đi trong dòng chảy của ‘Nhân – Duyên – Quả’, nhưng trong tim cũng không thể ngăn dòng lệ chảy, dòng lệ của loài hữu tình”, chị bộc bạch.
Nỗi nhớ Tết quê nhà của người con xa xứ
Có nhiều trường hợp bất khả kháng, những người con xa phải ở lại làm việc vào ngày Tết, hoặc không đủ điều kiện về nhà, hay một số du học sinh Việt Nam không thể trở về đón Tết cùng gia đình. Đối với họ, những ngày Tết xa xứ càng khiến nỗi nhớ nhà thêm da diết.
Lỡ hẹn những ngày Tết cùng người thân, nhưng ký ức về một mùa xuân đoàn tụ luôn đong đầy trong họ. Độc giả Vũ Phương Khanh kể lại cảm giác trong ngày Tết ở xứ người: “Năm ngoái đi du học ở xa, mình nhớ nhất ngày mùng 1 Tết. Nhớ lúc ấy, khi cả nhà đang quây quần vui vẻ đón ngày đầu năm mới, mình đang ở đồn công an cách nhà nửa vòng Trái Đất để khai báo việc bị móc túi. Hồi còn ở nhà, mình thấy ngày mùng 1 Tết hơi mệt vì đông khách khứa, và có những thủ tục ngày Tết khiến mình thấy khá rườm rà. Tuy nhiên, sau khi sống xa nhà, mình mới thấy trân trọng những phút giây bên người thân biết bao nhiêu”.
Có đi xa mới nhận ra ký ức những ngày Tết sum vầy thật quý giá.
Những cảm xúc chân thật nhất của Phương Khanh có thể giúp mọi người lan tỏa tinh thần yêu thương, và trân trọng ký ức ngày Tết sum vầy. Dù ở đâu, dù làm gì, “ra đi là để trở về, dù bằng mọi giá nào, đi là để trở về”. Nơi nào có gia đình, nơi đó là nhà. Những ngày Tết đoàn viên cùng người thân chính tài sản quý giá nhất.
“Năm nay sống gần bố mẹ hơn, Tết này mình sẽ lại được về nhà, được quây quần bên cành đào, cùng gia đình kể nhau nghe những mẩu chuyện nho nhỏ, không đầu không cuối. Thế là đủ cho những ký ức ngày Tết sum vầy tươi đẹp của mình”, Phương Khanh viết.
Mong muốn lan tỏa thông điệp “Ký ức sum vầy hạnh phúc là tài sản quý giá nhất”, Zing News cùng Alma đồng tổ chức cuộc thi ảnh “Ký ức sum vầy ngày Tết”. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích mỗi người nhìn lại và trân trọng những kỷ niệm ngày Tết sum vầy cũng như tận hưởng kỳ nghỉ Tết 2021 thật ý nghĩa bên những người thân yêu.
Cuộc thi có sự tham gia của ca sỹ Mỹ Linh và ông Amir Ohayon – Phó chủ tịch phụ trách Kinh doanh công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường trong vai trò thành viên Ban giám khảo.
5 độc giả có bài dự thi xuất sắc sẽ nhận được voucher nghỉ dưỡng 4 ngày 3 đêm cho 2 người (kèm 2 trẻ nhỏ dưới 12 tuổi) tại căn hộ loại A – khu nghỉ dưỡng Alma 5 sao, khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.
Độc giả có thể gửi bài dự thi tại đây và xem thêm thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây.