Đón Tết Khmer Nam Bộ: chậm rãi dưới những mái chùa

Tết năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, tương ứng với trung tuần tháng 4 Dương lịch. Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng lại để chờ những cơn mưa đầu mùa.

TRẢI NGHIỆM TẾT CHÔL CHNĂM THMÂY

May mắn, chúng tôi đến dự lễ khánh thành mô hình nông nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời của nhà ông Chau Hon – người Khmer ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vào đúng vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2021. Đi qua phum sóc nào cũng được chứng kiến không khí rộn ràng của năm mới theo tục lệ cổ truyền của người Khmer. Được ăn bữa cơm ngày Tết với gia đình ông Chau Hon, tôi tranh thủ hỏi chuyện ông về đời sống văn hóa và Tết Chôl Chnăm Thmây.

Ông Chau Hon cho biết, do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa, cũng là mùa vụ sản xuất mới, nên ngày xưa Tết năm mới của đồng bào Khmer kéo dài từ 10 – 15 ngày. Ngày nay, người Khmer ăn Tết Chôl Chnăm Thmây trong 3 ngày. Chuẩn bị ăn Tết, người dân tu chỉnh bàn thờ Têvađa (Ông Thiên) ngay trước sân nhà và chuẩn bị các lễ vật như hoa, nến, cây nhang, cốm và nhiều loại trái cây thơm ngọt.

Trước giờ đón năm mới, ông bà, cha mẹ tập hợp con cháu lại trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang và nến, chắp tay vái lên trời cầu xin Ông Thiên ban phúc lành. Theo ông Chau Hon, các hoạt động Tết Chôl Chnăm Thmây phần lớn được tổ chức tại chùa.

 

Trước khi đến chùa, người Khmer tắm gội, mặc quần áo đẹp, đem theo nhang (hương) đèn, lễ vật vào chùa để làm lễ rước Maha Sâng Kran. Maha Sâng Kran là quyển lịch, do các nhà sư thông hiểu khoa thiên văn soạn, viết hoặc in ra để người Khmer dùng trong một năm.

Ngày thứ nhất của kỳ Tết, vào 15/4 hàng năm là ngày lễ ban và rước lịch từ chùa.

Ngày thứ hai trong lễ Tế́t Chôl Chnăm Thmây, sáng và trưa người dân làm lễ dâng cơm cho các sư, đến chiều họ tiến hành nghi thức đắp núi cát. Đắp núi cát là một nghi thức quan trọng của Tết năm mới, được tiến hành ở 8 hướng xung quanh ngôi chính điện của chùa, với ước mong cho cả một năm no đủ, cuộc sống sung túc.

Ngày thứ ba, có thể lên chùa tụng kinh, hoặc tổ chức ăn uống mừng năm mới tại nhà. Gia đình có người thân đã khuất thì mời các vị sư về nhà cầu siêu. Nếu ai đang có ông bà, bố mẹ, thì làm lễ tắm cho ông bà, cha mẹ, những người có công dạy bảo. Gọi là lễ tạ ơn, xin được tha lỗi và xin nhận những lời khuyên bảo tốt lành, mong có nhiều của cải và dồi dào sức khoẻ.

Vào những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, trong phum sóc luôn rộn ràng những điệu múa cổ truyền, giọng hát Dì Kê, cùng nhiều trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đội cá om lấy nước… “Trước đây, ngày Tết Chôl Chnăm Thmây thường có tục té nước. Thực ra đây là tục để các thanh niên đến tuổi sắp lấy vợ, được phép sử dụng để “trêu đùa”, làm quen với các thiếu nữ. Nhưng ngày nay, thanh niên trong phum sóc đều “cắm đầu” vào điện thoại di động, nam nữ làm quen trò chuyện với nhau bằng điện thoại, nên hầu như không còn ai té nước nữa”, ông Chau Hon cho biết.

Theo ông Chau Hon, người Khomer có nhiều tục lệ, trong đó quan trọng nhất trong mỗi gia đình là lễ dâng y. Dâng y không chỉ là dâng áo cà sa lên chư tăng ở chùa, mà cùng với đó là dâng cúng quần áo lên cha mẹ, tổ tiên đã khuất. Vì vậy, còn gọi là lễ báo hiếu. Sau khi thực hiện hai nghi thức đó ở chùa, gia đình làm lễ còn mở tiệc tại nhà để mời họ hàng, làng xóm, từ 20 đến 50 mâm cỗ.

Người Khmer đem đồ lễ lên chùa vào ngày Tết
Người Khmer đem đồ lễ lên chùa vào ngày Tết

Từ nhà ông Chau Hon, tôi đến nhiều ngôi chùa trên địa bàn huyện Tri Tôn để trải nghiệm không khí đón Tết của đồng bào Khmer. Trước hết, đến chùa Păng Trạo ở xã An Tức (cách thị trấn Tri Tôn khoảng 8 km), vào lúc hơn 7 giờ sáng. Ấn tượng đầu tiên là hàng cột màu đỏ bên ngoài tường chùa chạy dài bên đường tới  khu di tích Tức Dụp. Từ ngoài đường  đến bên trong khuôn viên chùa, đều tấp nập người dân đến lễ chùa thưởng Tết.

ẤN TƯỢNG NHỮNG NGÔI CHÙA KHMER Ở TRI TÔN

Ấn tượng ở đây là khắp các lối đi trong khuôn viên chùa đều xếp đầy những chiếc làn, chiếc thúng đựng phẩm vật cúng Phật. Trên mỗi làn phẩm vật đều cắm những nén nhang.

Có lẽ trong chánh điện chùa không cho phép thắp hương, cũng vì người đi lễ đông quá, không đủ chỗ bày đồ lễ, nên bất cứ chỗ nào trống trên sân, trên lối đi, trên khoảng trống giữa các tháp mộ là người ta bày làn đồ lễ và thắp hương cúng Phật ngay tại đó.

Trên đường trở lại thị trấn Tri Tôn, chúng tôi chứng kiến những nơi có tháp mộ, đều thấy những nhóm người dân ngồi quỳ lạy. Có lẽ đó là những gia đình đi tảo mộ người thân, hoặc viếng mộ chư tăng. Mỗi nhóm thường có 1-2 chú điệu, hoặc nhà sư chủ trì làm lễ.

Chúng tôi đến chùa Xà Tón ở thị trấn Tri Tôn, được biết đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer Nam Bộ và là ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất trong tỉnh An Giang, nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá tại Việt Nam. 

Tôi ngỡ ngàng khi chiêm bái rất nhiều công trình nguy nga tráng lệ với những mái cổ hình tam giác vút lên nền trời, khiến không thể phân biệt được công trình nào là chánh điện chùa. Một tòa chính to lớn với hai mái áp cấu trúc tam cấp lợp ngói nhiều màu: đỏ, xanh, vàng. Trên nóc tháp chùa, có thần rắn Naga nằm dài.

Đối diện bên kia của tháp chính, qua một khoảng sân là một công trình cũng rất lớn, với 3 dãy mái tam giác liên tiếp nhau, tôi đoán có lẽ đây là chánh điện cổ xưa, bởi bên trong cũng bài trí tòa Tam bảo.

Giữa hai chánh điện, nhìn thẳng từ kỳ đài, một công trình hai tầng, tường sơn màu vàng, mái giật cấp nhiều tầng, lợp ngói đỏ. Quanh khuôn viên chùa, hàng trăm tháp mộ sơn phủ màu vàng rực rỡ, trên nhiều đỉnh tháp được chạm hình thần Bayon bốn mặt, ngỡ như lạc vào chùa Vàng của Hoàng gia Thái Lan ở Băng Cốc.

Chùa Xà Tón có hồ nước rất lớn, đứng ở bất cứ góc nào bên hồ nhìn sang bờ bên kia cũng thấy tầng tầng lớp lớp mái chùa, đỉnh tháp. Bên hồ có một tượng Phật lớn đang ngồi thiền định dưới bóng cây lâm vồ có tuổi trên 100 năm, gốc khoảng mười người ôm, thân cao, cành lá xum xuê. Chùa Xà Tón còn nổi tiếng là nơi lưu giữ nhiều kinh lá buông cổ nhất Việt Nam – với trên 100 bộ kinh ghi trên lá cây buông. Thăm chùa Xà Tón đúng vào lúc tại nơi chánh điện cổ, hàng trăm người dân đang quỳ lễ Phật, tụng kinh trang nghiêm, thành kính.

 

Trên địa bàn huyện Tri Tôn có 37 ngôi chùa Khmer cổ. Trong đó, nhiều ngôi chùa lớn, thuộc vào hàng danh lam của tỉnh An Giang, như: chùa Xà Tón, chùa Chưn-Num, chùa Krăng Krốch, chùa Phnom-pi, chùa Tức Phốs, Chùa Koh Kas…

Tìm hiểu được biết, ở những khu vực có người Khmer sinh sống, các thanh thiếu niên Khmer từ 16 tuổi trở lên thường vào chùa một thời gian để tu tâm dưỡng tánh báo hiếu cho cha mẹ. Tuy không có quy định tối đa nhưng thông thường thời gian tối thiểu khoảng 1 năm thì những người này mới được phép hoàn tục. Họ được gọi là chú Lục để phân biệt với các nhà sư là người xuất gia trọn đời. Một phong tục của người Khmer đến nay vẫn được tuân thủ là các gia đình chỉ gả con gái cho những thanh niên Khmer nào đã từng là chú Lục.

Một ngày của các chú Lục bắt đầu bằng công việc quét dọn vệ sinh bên trong khuôn viên nhà chùa, học đạo lý nhà Phật, sau đó tùy nhà chùa phân công mà họ sẽ làm những việc lao động chân tay như xây mới hay sửa chữa các công trình nhỏ trong khuôn viên nhà chùa …

Với người Khmer, chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là trung tâm văn hóa, nơi gìn giữ những phong tục, tập quán, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền… Đây là tài sản quý giá không chỉ đối với dân tộc Khmer, mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.