Đối tượng kế toán và sự hình thành tài sản của một doanh nghiệp
Đối tượng kế toán và sự hình thành tài sản của một doanh nghiệp. Kế toán là công việc ghi chép, tính toán bằng con số dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động, chủ yếu dưới hình thức giá trị. Vậy Đối tượng kế toán là gì? Sự hình thành tài sản của một doanh nghiệp được thể hiện như thế nào. Hãy cùng trung tâm kế toán Lê Ánh tìm hiểu qua bài viết :” Đối tượng kế toán và sự hình thành tài sản của một doanh nghiệp”
Xem thêm: Kế toán là gì – Cách xác định đối tượng kế toán
I: Đối tượng nhiệm vụ và phương pháp kế toán
Đối tượng chung của các môn khoa học kinh tế là quá trình tái sản xuất xã hội trong đó mỗi môn khoa học nghiên cứu một góc độ riêng. Vì vậy cần phân định rõ ranh giới về đối tượng nghiên cứu của hạch toán kế toán như một môn khoa học độc lập với các môn khoa học kinh tế khác.
Khác với các môn khoa học kinh tế khác, kế toán còn là công cụ phục vụ yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị kinh tế cơ sở, thông qua việc cung cấp các thông tin cán thiết cho Ban Giám đốc hay Hội đồng quản trị.
Vì vậy đối tượng nghiên cứu của kế toán là “Sự hình thành và tình hình sử dụng các loại tài sản vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong một đơn vị kinh tế cụ thể” nhằm quản lý khai thác một cách tốt nhất các yếu tố sản xuất trong quá trình tái sản xuất xã hội.
Để hiểu rõ hơn đối tượng nghiên cứu của hạch toán kế toán chúng ta cần đi sâu nghiên cứu về vốn, trên 2 mặt biểu hiện của nó là tài sản và nguồn hình thành tài sản và sau nữa là quá trình tuần hoàn của vốn. Để nghiên cứu được toàn diện mặt biểu hiện này, trước hết sẽ nghiên cứu vốn trong các tổ chức sản xuất vì ở các tổ chức này có kết cấu vốn và các giai đoạn vận động của vốn một cách tương đối hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó chúng ta có thể dễ dàng xem xét các mặt biểu hiện nêu trên trong các đơn vị kinh tế khác.
II: Sự hình thành tài sản của doanh nghiệp
Bất kỳ một doanh nghiệp, một tổ chức hay thậm chí một cá nhân nào muốn tiến hành kinh doanh cũng đòi hỏi phải có một lượng vốn nhất định, lượng vốn đó biểu hiện dưới dạng vật chất hay phi vật chất và được đo bằng tiền gọi là tài sản. Hay nói cách khác tài sản của doanh nghiệp là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai như:
– Được sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp với các tài sản khác trong sản xuất sản phẩm để bán hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
– Để bán hoặc trao đổi lấy tài sản khác.
– Để thanh toán các khoản nợ phải trả.
– Để phân phối cho các chủ sở hữu doanh nghiệp.
Mặt khác vốn (tài sản) của doanh nghiệp lại được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau gọi là nguồn vốn hay nói khác nguồn gốc hình thành của tài sản gọi là nguồn vốn. Như vậy tài sản và nguồn vốn chỉ là 2 mặt khác nhau của vốn.
Một tài sản có thể được tài trợ từ một hay nhiều nguồn vốn khác nhau, ngược lại một nguồn vốn có thể tham gia hình thành nên một hay nhiều tài sản. Không có một tài sản nào mà không có nguồn gốc hình thành cho nên về mặt tổng số ta có:
Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn
Tài sản của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều được hình thành từ 2 nguồn vốn: nguồn vốn của chủ sở hữu và các món nợ phải trả. Ta có
Tổng tài sản = Nợ phải trả + Nguồn vốn chủ sở hữu
a) Tổng tài sản là giá trị của tất cả các loại tài sản hiện có của doanh nghiệp kể cả các loại tài sản có tính chất hữu hình như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vật tư, sản phẩm, hàng hóa… và các loại tài sản có tính chất vô hình như phần mềm máy tính, bằng phát minh sáng chế, lợi thế thương mại, bản quyền,…
Tài sản doanh nghiệp thường chia làm 2 loại: Tài sản lưu động và tài sản cố định.
+ Tài sản lưu động là những tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng có giá trị nhỏ (theo quy định hiện nay là < 10 triệu đồng) hoặc thời gian sử dụng, thu hồi, luân chuyển vốn nhỏ hơn 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh. Tài sản lưu động gồm 3 loại:
– TSLĐ sản xuất: Như nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ… đang dự trữ trong kho chuẩn bị cho quá trình sản xuất hoặc đang trong quá trình sản xuất dở dang.
– TSLĐ lưu thông: Như thành phẩm, hàng hoá dự trữ, hàng hoá gửi bán.
– TSLĐ tài chính: Như vốn bằng tiền, các khoản phải thu, đầu tư ngắn hạn…
+ Tài sản cố định là những tài sản có giá trị lớn (theo quy định hiện nay là > 10 triệu đồng) và có thời gian sử dụng, luân chuyển lớn hơn một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh như tài sản cố định hữu hình, vô hình, tài sản cố định thuê ngoài dài hạn, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, các khoản đầu tư xây dựng cơ bản… Đặc điểm của loại tài sản này là không thể thu hồi trong một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh.
– TSCĐ hữu hình: Là những tài sản cố định có hình thái vật chất cụ thể do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như: máy móc, nhà cửa, thiết bị công tác, phương tiện vận tải, phương tiện truyền dẫn…
– TSCĐ vô hình: Là những TSCĐ không có hình thái vật chất cụ thể, nhưng phản ánh một lượng giá trị lớn mà doanh nghiệp đã thực sự bỏ ra đầu tư như: chi phí nghiên cứu, phát triển, phát minh sáng chế, lợi thế thương mại…
– TSCĐ tài chính: Là giá trị của các khoản đầu tư tài chính dài hạn với mục đích kiếm lời, có thời gian thu hồi vốn > 1 năm hay 1 chu kỳ
Nợ phải trả
Nợ phải trả là giá trị của các loại vật tư, hàng hóa hay dịch vụ đã nhận của người bán hay người cung cấp mà doanh nghiệp chưa trả tiền hoặc là các khoản tiền mà đơn vị đã vay mượn ở ngân hàng hay các tổ chức kinh tế khác và các khoản phải trả khác như phải trả công nhân viên, phải nộp cho cơ quan thuế… Hay nói cách khác nợ phải trả là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình.
Nhìn chung doanh nghiệp nào cũng có nhiều món nợ phải trả vì mua chịu thường tiện lợi hơn là mua trả tiền ngay và việc vay ngân hàng hay các tổ chức tài chính khác để tăng vốn hoạt động của doanh nghiệp là hiện tượng phổ biến và có lợi cho nền kinh tế. Đứng về phương diện quản lý người ta thường phân chia các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp thành nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.
+ Nợ ngắn hạn: là các khoản nợ mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải trả trong 1 năm hoặc trong một chu kỳ hoạt động kinh doanh như: vay ngắn hạn ngân hàng, thương phiếu ngắn hạn, lương phụ cấp phải trả cho công nhân viên…
+ Nợ dài hạn: Là các khoản nợ có thời hạn phải thanh toán phải chi trả lớn hơn một năm hoặc lớn hơn một chu kỳ hoạt động kinh trái phiếu phát hành dài hạn phải trả…
Vốn chủ sở hữu là Danh Mục giá trị vốn của doanh nghiệp được tính bằng
Số chênh lệch giữa giá trị tài sản của doanh nghiệp trừ (-) nợ phải trả.
Nguồn vốn thuộc quyền sử dụng của đơn vị, đơn vị có quyền sử dụng lâu dài trong suất thời gian hoạt động của đơn vị hay nói cách khác vốn chủ sở hữu là giá trị của các loại tài sản như nhà cửa máy móc thiết bị, vốn bằng tiền… mà các chủ thể sản xuất kinh doanh đã đầu tư để có thể tiến hành các hoạt động kinh tế đã xác định. Một doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều chủ sở hữu.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước do Nhà nước cấp vốn và chịu sự giám sát của nhà nước thì chủ sở hữu là Nhà nước. Đối với các xí nghiệp liên doanh hay công ty liên doanh thì chủ sở hữu là các thành viên tham gia góp vốn.
Đối với các công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn thì chủ sở hữu là các cổ đông. Đối với các doanh nghiệp tư nhân thì chủ sở hữu là người đã bỏ vốn ra để thành lập và điều hành hoạt động đơn vị.
Vốn của chủ sở hữu bao gồm:
+ Vốn của các nhà đầu tư.
+ Số vốn được bổ sung từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Lợi nhuận chưa phân phối.
+ Các quỹ
+ Cổ phiếu quỹ
+ Lợi nhuận giữ lại.
+ Chênh lệch tỷ giá và chênh !ệch đánh giá lại tài sản.
Cần lưu ý số liệu vốn chủ sở hữu là một con số cụ thể, nhưng khi doanh nghiệp bị suy thoái thì chủ sở hữu chỉ được coi là sở hữu phần tài sản còn lại của đơn vị sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ phải trả. Mặt khác, quyền đòi nợ của các chủ nợ có hiệu lực trên tất cả các loại tài sản của doanh nghiệp chứ không phải chỉ có hiệu lực trên một loại tài sản riêng lẻ nào. Vì thế ta có:
Nguồn vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản – Nợ phải trả
Nội dung bài viết trên đây kế toán Lê Ánh đã chia sẻ cho các bạn đối tượng kế toán và sự hình thành tài sản của một doanh nghiệp. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Tham khảo thêm bài viết Mẹo và cách định khoản kế toán nhanh nhất
Để được hướng dẫn nghiệp vụ kế toán bởi đội ngũ kế toán trưởng tại trung tâm Lê Ánh, bạn có thể tham gia khóa học kế toán tại Trung tâm.
Ngoài chương trình đào tạo kế toán, Trung tâm Lê Ánh tổ chức các khóa học xuất nhập khẩu được giảng dạy bởi các chuyên gia hàng đầu trong ngành xuất nhập khẩu, để biết thêm thông tin về khóa học này, bạn vui lòng tham khảo tại website: xuatnhapkhauleanh.edu.vn
Kế toán Lê Ánh chúc bạn thành công!