Đời sống Tu trì trong Cộng đoàn
(Ban Truyền Thông sưu tầm từ một tài liệu Tĩnh tâm của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp và không rõ tác giả)
1. Ý nghĩa và giá trị nhân bản trong đời sống cộng đoàn
Bất cứ sự học hỏi đúng đắn nào về hữu thể con người đều đi đến kết luận ngay rằng con người có tính xã hội, được sinh ra là sống tập thể. Chính con người tạo nên những xã hội ngày càng đa phức và năng động hơn (khác với tập quán xã hội cố định của một số loài vật). Người ta phân biệt giữa bản tính và văn hoá. Bản tính, chính là cái gì thừa hưởng, tiếp nhận với tiềm lực di truyền. Còn văn hoá, chính là khả năng tiếp thu và chuyển thông những kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết cho người sống quanh mình cũng như cho hậu duệ của mình.
Những người đồng đẳng trong cùng một khái niệm trong những ngành khác nhau càng trao đổi thì càng thăng tiến mau lẹ do tiếp nhận sự bổ sung và học hỏi lẫn nhau.
Người ta có thể bổ túc rằng hiệu năng của những giao tiếp trước hết tuỳ thuộc khả năng và số lượng của sự giao tiếp. Nếu những giao tiếp bị giảm sút hay bị triệt tiêu thì cái gì là nhân bản trong một con người cũng giảm thiểu hoặc mai một. Có thể nhận định rằng nhân tính trong một con người là hiệu quả của một văn hoá được tiếp thu cũng bằng hoặc hơn cả hiệu quả của sự di truyền. Dù lúc chào đời người ta đã có đó tất cả những khả năng cần thiết để trở thành một con người, điều này chỉ hoàn thành nhờ văn hoá. Nhưng rất cần một nền văn hoá biết bảo lưu những kinh nghiệm quí báu về một hữu thể tự do đồng thời cũng được khai triển ý thức về sự liên đới. Để thăng tiến nhân vị xét theo mối tương giao với những nhân vị khác cần phải hướng đến một cách thức sống, phải thay đổi những giao tiếp giữa người với người sao cho đạt được chiều kích phát triển nhân vị. Có thể nói con người là một “hữu thể có ước muốn”. Nó cần đến người khác, và chỉ có thể trở thành mình là nhờ người khác. Do đó, chất lượng của việc giao tiếp trở nên căn bản.
Chúng ta cần phân biệt một cách đơn giản về tổ chức và cộng đoàn.
-
Tổ chức là một cơ cấu trong đó người ta chú trọng đến vấn đề thực thi xác đáng tất cả những thể lệ hành chánh tạo thành tổ chức.
-
Còn cộng đoàn cũng là một cơ cấu trong đó coi trọng giá trị của mỗi người như trung tâm giao tiếp.
Chính sự phân biệt này cho thấy rằng mỗi người chúng ta phải luôn cố gắng hướng những hành động của mình để làm sao tính tổ chức không vượt trên tính cộng đoàn, nhưng là để phục vụ cộng đoàn.
Là một cộng đoàn đời tu, đời sống tu trì phải trở thành gương mẫu cho tổ chức xã hội dân sự, nghĩa là trong khi vận hành tổ chức thật hữu hiệu nhưng vẫn thực thi ý nghĩa của tính cộng đoàn.
Tuy thế, phải chân nhận rằng mẫu mực của cộng đoàn tu trì của chúng ta không luôn luôn rất “Tin Mừng”. Các cộng đoàn tu trì chúng ta nhiều khi còn chịu ảnh hưởng những lối hành xử được áp dụng trong xã hội. Tất cả những gì liên quan đến tình liên đới giữa con người với con người nhiều khi bị xem nhẹ mà lại nhấn mạnh thái quá đến việc giữ luật. Nhiều lúc, ta lưu ý đến hiệu quả công việc và khả năng của người khác hơn là khả năng ân cần trao đổi, lắng nghe và nâng đỡ hoặc hỗ trợ.
Sự đồng hoá quá rõ rệt này của một cộng đoàn (hay dòng tu) với một tổ chức thuần tuý cố thể nói là một nguyên nhân trong những nguyên nhân gây nên sự khủng hoảng của các ơn gọi, và làm cho đời sống cộng đoàn trở nên lạnh nhạt, ngột ngạt thiếu đi sự yêu mến, kính trọng cần phải có của các thành viên đối với nhau. Hơn nữa, nhiều lúc việc dẫn về sự “siêu nhiên hoặc thiêng liêng” quá mạnh mà nhiều cộng đoàn quên đi hay thiếu hẳn một điều quan trọng là cần thể hiện những hành vi ứng xử đầy tính nhân bản.
Nhưng dù thế nào đi nữa đều phải chân nhận là những cộng đoàn tu trì nhờ những nỗ lực thăng tiến và tiến trình hoán cải liên tục đã giúp cho việc trao đổi, thông giao khả dĩ cho phép biến những cộng đoàn tu trì của chúng ta thành môi trường thực thụ thăng hoa những nhân vị.
Cần phải xác định rằng ngay những giá tri nhân bản của cộng đoàn phải là cơ sở khởi đi để tiến hành những giá trị thiêng liêng. Nếu thiếu những nhận thức này thì dự phóng cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô ích và không đáng cho người đương thời với chúng ta đặt niềm tin tưởng. Cha Luigi De Candido xác định “Tình huynh đệ là một dữ kiện căn bản không phải chỉ thuộc cấu tạo hữu thể con người nhưng còn nằm trong định nghĩa của con người theo Kitô giáo “Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 26) (một hoạ ảnh của sự hiệp thông trọn vẹn như mẫu là Thiên Chúa Ba Ngôi). Khái niệm tình hiệp thông huynh đệ phải là khởi điểm, và nhân tố đầy năng động để thúc đẩy xây dựng những cộng đoàn, đặc biệt là những cộng đoàn nhân danh Thiên Chúa”
2. Tính khôi hài và đời tu
Đừng hiểu tính khôi hài theo cách khoanh vùng vào sự đùa cợt thiếu chiều sâu. Sự khôi hài có ý nghĩa và biểu tượng sâu xa của nó, chính lúc ấy nó tạm thời đình chỉ các cơ cấu để chỉ còn là mối tương quan giữa người với người, những biểu tượng mang tính bất di bất dịch (chức vụ, cơ cấu). Lúc đó, tạm thời để cho cái thời khắc của “sự thay đổi” được tồn tại, những gì của khía cạnh thường ngày không còn được coi là quá quan trọng, nghi thức nữa để nhường lại cho một kinh nghiệm tương giao thân ái được thể hiện.
Sự khôi hài còn diễn đạt sự khiêm hạ và tính cách nghịch thường, khởi phát đi một bầu khí chân thành. Cái không thể có trở thành cái có thể, địa vị xã hội vững vàng của một ông vua đã bị chối bỏ trong Con Người là Vua các vua, Đấng đã trở nên tôi tớ của mọi người. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, những đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. ” (P1 2, 6-7)
Sự khôi hài còn là cách thể hiện ẩn dụ những sứ điệp qua những cách thế khác nhau: những câu nói ẩn dụ, những dụ ngôn mà ta từng nghe trong Tin Mừng
Khôi hài còn thể hiện tính cách tự phản tỉnh chính mình. “Người nào muốn trở nên tốt hơn thì là người biết cười vào chính bản thân mình”. Bởi càng biết rõ mình thì người ta càng thấy mình chỉ là một cái gì thật khôi hài so với quyền uy, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Triết gia Kierkegaard đã viết: “Càng sống xuyên suốt và có thực chất, con người càng cảm thấy mình nực cười. ” (Cited by w. Sypher, Comedy , op-cit, p- 196). Chỉ trong niềm tin và trong sự hoán cải, tôi mới hiểu mình trở thành đối tượng khôi hài của mình nghĩa là nhìn rõ bản thân, những giới hạn của mình.
Sống đời tu chính là sống một sự nghịch thường và có thể nói như một “trò đùa” trong thế giới hôm nay: Cái nghịch thường mà thánh Phaolô đã nói: “Những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa lại chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ lành mạnh… ” (Cr 1, 27)
Bản thân đời tu của người tu sĩ phải trỏ nên dấu chỉ về sự toàn thiện của thế giới mai sau: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yếu mến người” Cr 2, 9)
Phải, trong một thế giới thiếu định hướng cho đời sống mai sau, những người tu sĩ phải là những cộng đoàn hy vọng, chính họ đã dâng hiến một cách quảng đại cho Thiên Chúa những gì mà người đời cho là quí giá nhất: khả năng yêu thương, quyền sở hữu, tự do điều hành cuộc sống riêng của mình, để người đời đón nhận ra sự phong phú của Nước Trời.
Nếu như chúng ta không có điểm gì khác biệt với những người mà ta có nhiệm vụ cảm hoá để đưa về với Chúa, thì làm sao ta có thể trở thành biểu tượng “nghịch thường của Chúa đối với thế gian” và không còn là sự “điên rồ trong Chúa”.
3. Giá trị Tin Mừng trong đời sống cộng đoàn
“Thầy ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Các môn đệ của Chúa Giêsu đã cố gắng sống trọn vẹn tình yêu thương huynh đệ này. Cuộc sống theo Chúa Kitô là cuộc sống huynh đệ. Nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, Kitô hữu nam nữ đều là anh chị em được Chúa Thánh Thần linh hứng và sứ vụ của họ là mở rộng cho toàn thế giới tình yêu thương huynh đệ này đã được khởi xướng do Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến. Ngài đến để qui tụ tất cả các con cái tản mác khắp nơi về thành một đàn chiên duy nhất. Bởi đó, không thể nói về Chúa Giêsu mà không nói tới cộng đoàn Ngài đã thiết lập để làm chứng cho Tin Mừng. Không phải vô tình mà thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến liên hệ bất khả phân ly giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài (Ep 4, 16).
4. Giáo Hội là một sự qui tụ
Là một tổ chức có cơ cấu, luật lệ, truyền thống đã tồn tại lâu bền, nhưng hơn cả tổ chức theo nghĩa tập thể những con người. Giáo Hội còn hàm chứa những ý nghĩa sâu xa: “Giáo Hội (mà những nét chính yếu được phác hoạ trong Thánh Kinh) sẽ là sự “Thông hiệp” của tất cả những người nhờ nghe các Tông đồ và các đấng kế vị các Ngài nên đã tin vào Lời, có nghĩa là sự thông hiệp của tất cả các tín hữu của Đức Giêsu Kitô, là những người uỷ thác thông chuyển những gì họ đã nhận được. Bởi vì tất cả mọi người, là phần tử của nhân loại duy nhất, cùng có một ơn gọi chung: họ được mời gọi lập thành một “dân thánh” duy nhất để nhận biết Thiên Chúa trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”. (Henry de Lubae, Vatican II La Re’ve’lation divine)
Việc chúng ta nhận được ơn Thánh Thần (CVTĐ 2, 38) làm cho chúng ta trở thành “người mới”, nhận được sức sống mới trong Chúa Kitô để trở nên giống Ngài và trở thành anh em với nhau. Những so sánh bằng hình ảnh trong Lời Chúa khiến ta thấy rõ. “Thầy là cây nho, anh em là ngành” (Ga 15, 5) “Tất cả chúng ta được Thanh Tẩy trong cùng một Thánh Linh để trở nên 1 thân thể… Do đó, anh em là thân mình của Chúa Kitô” (lCr 12,13-27). Nhờ bí tích thanh tẩy: “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, vì hết thảy anh em là một trong Đức Giêsu Kitô” (GI 3, 28). Sự hiệp nhất này không huỷ bỏ những dị biệt nhưng tất cả đều là môn đệ của Chúa Kitô và đặt sự bình quyền làm nền tảng cho mọi giao tiếp.
Nhưng chính Chúa Giêsu cũng đã nhắn nhủ: “Phần anh em, thì dừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23, 8). Chính Ngài đã đem tất cả cuộc sống của Ngài vào việc thực hiện hoà giải dù bất cứ giá nào. Và trước đó, các ngôn sứ đã mạnh dạn lên tiếng về sự mù quáng do tội lỗi gây nên đã chặt đứt mối liên hệ giữa con người và Đấng Tạo Hoá, tội lỗi làm cho họ khép kín và làm mồi cho đa nghi, đố kỵ, ghen ghét. Chính Chúa Giêsu nhờ trung thành với Tình Yêu Thiên Chúa, Ngài khước từ sống theo lối đó nên Ngài bị những người quyền thế bài xích, bị giết chết. Để cho sự sống Thiên Chúa của Ngài thấm nhuần sự sống nhân loại của Ngài, Ngài đã hàn gắn nhân loại lại với Cha trong chính bản thân Ngài. Ngài khước từ việc trả thù và đã cầu xin ơn tha thứ cho nhân loại (Lc 23, 34).
Như thế những ai tiếp nhận Chúa Giêsu và Lời của Ngài, cũng được tiếp nhận ơn tha thứ và được mời gọi tham dự vào sứ vụ trọng đại của Ngài là đem ơn hòa giải cho con người, bởi họ được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa và sự thông hiệp làm thành Giáo Hội – một Giáo Hội có trách nhiệm rao truyền và công bố tình yêu Thiên Chúa cho thế giới.
4. Một tình huynh đệ chưa hoàn hảo
Nếu Giáo Hội thôi không còn “hiệp nhất” (qui tụ). Giáo hội sẽ đánh mất yếu tính của mình. Những Kitô hữu tiên khởi đã hiểu rõ điều đó. Họ nhận biết mình là “anh chị em” của nhau nên đã cố gắng sống “chỉ một lòng một ý” (CVTĐ 4, 32).
Điều này không muốn nói rằng tình huynh đệ này đã hoàn thiện. Nó được sống bằng những giới hạn mà chúng ta cần hiểu rõ để cố gắng vượt thoát.
Trong môi trường nội bộ các phần tử trong Giáo Hội xây dựng tình huynh đệ, thế nhưng nó vẫn có sự dị biệt bởi những yếu tố mà do sự phân cách từ xã hội (nô lệ và tự do; phân biệt và bất bình đẳng giữa người nam và nữ) rồi đôi khi người ta bị cám dỗ sử dụng ngôn từ huynh đệ chỉ che đậy những toan tính khác. Giám mục Desmonel Tutu đã từng lên tiếng về điều này khi thấy rõ việc nhân danh “huynh đệ” nhưng tình trạng bất công vẫn tiếp diễn triền miên: “Đặt trọng tâm vào việc huynh đệ hoá các chủng tộc để tìm giải quyết những vấn đề quốc gia, trong khi vấn đề căn bản là chuyện chia sẻ đất đai và thực tế là dân da đen đã bi tước đoạt về gia sản của mình ” (G. ROCHER, Introduction à la sociologie générale. No 14, Montréal, 1968. p. 185)
5. Giá trị riêng của cộng đoàn tu trì.
Các cộng đoàn tu trì qui tụ các Kitô hữu nam hoặc nữ, họ ở ngay trong lòng Giáo Hội, nên họ phải cố gắng thực hiện một Giáo Hội đặc thù như một sự hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô và với nhau.
Đời tu thực hiện về một Giáo Hội.
Trước tiên là một Giáo Hội thực thi bác ái: “Ngưởi ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Việc thực thi này khả dĩ có thể thực hiện được bởi họ thường xuyên gặp gỡ và hiệp thông trong Chúa Kitô và do bởi qui chế của một cộng đoàn chuyên biệt.
Xét theo phương diện nhân loại, dấn thân sống đời tu trong cộng đoàn với mục đích duy nhất: Tình Yêu Thánh Linh trong tâm lòng ta để thực thi Đức Ai là điều khó tưởng tượng nổi (đời sống nhân loại mà lấy Tình Yêu Linh Thánh). Thế nhưng đó lại chính là dự phóng của đời tu. Dự phóng này còn lớn lao hơn là việc sống chung dưới một mái nhà và ăn chung một bàn cơm. Đời sống cộng đoàn tu bao gồm trách nhiệm liên hệ tình cảm và liên hệ thiết thực đối với nhau. Điều này là một thử thách. Sống cời mở với người khác đòi hỏi mỗi người phải nhìn mình trong sự thật để vượt lên trên cái khuynh hướng muốn qui hướng về mình. Đôi tay dang rộng của Chúa Giêsu trên Thánh giá nhắc chúng ta phải luôn rộng mở trong việc thông cảm, tha thứ, nhân ái để gặp gỡ tình yêu đại đồng của Thiên Chúa. “Lòng mến phát xuất tự Thiên Chúa và phàm ai yêu mến thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa” (1 Ga 4, 7-8). Yêu là muốn người khác trở nên chính họ, có nghĩa là khác tôi. Không có điều kiện này, nhu cầu cần người khác là điều căn bản cho tất cả mọi người sẽ không được kiểm chứng. Chính tác giả Dietrich Bomhoeffer đã nói: “Để Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta biết được thế nào là một cộng đoàn Kitô hữu chân thực, cần thiết chúng ta phải thất vọng vì những người khác, vì chính chúng ta. Vì Thiên Chúa không phải là một Chúa của những xúc động đa cảm, nhưng là một Thiên Chúa của sự thật. Bởi đó, chỉ cộng đoàn không sợ nỗi thất vọng mà chắc hẳn mình sẽ phải có khi ý thức về những khuyết điểm của mình, mới có thể bắt đầu là như Chúa muốn và nhờ đức tin hiểu được Lời Chúa hứa với mình” (De la Vie communautatre). Do vậy, phải làm sao vượt lên trên những xung khắc về thế hệ tuổi tác hoặc về tâm thức có trong cộng đoàn tu như ở bất cứ nơi nào khác, sự chấp nhận sống cởi mở với người sẽ luôn là cửa ngõ rộng mở đón nhận ơn Thánh. .
6. Khuôn mặt của cộng đoàn tu trì
Trước hết là một cộng đoàn đức tin nhưng vẫn luôn còn là cộng đoàn nhân loại. Cho nên, việc qui tụ lại trong cùng một đức tin, cùng một sứ vụ thì cũng phải đạt được sự thăng tiến những tương giao giữa người và người. Ca ngợi sự sốt sắng đạo đức của một cộng đoàn tụ trì sẽ chỉ là hàm hồ nếu người tu sĩ sống trong đó cho chúng ta cái ấn tượng là họ đang bị ngộp thở. Khi quan tâm đến chất lượng của những tương giao thân ái và huynh đệ sẽ giúp ta khám phá ra rằng cộng đoàn là một ơn ban của Chúa cho tôi. Các anh em, các chị em này, tôi đã không chọn họ, nhưng chính Chúa đã chọn họ như là Chúa đã chọn tôi. Họ được ban cho tôi và cần một thời gian để tôi có thể yêu chuộng giá trị khác biệt nhưng độc đáo của họ (bởi vì Chúa đã chọn họ). Do đó cần lưu ý đến trường hợp những người có thể có những khó khăn về hội nhập hoặc về tính tình khi sống chung với một người nào khác nhưng cần phải hiểu rằng mỗi người cần phải đáp trả lại lời mơi gọi riêng của Chúa: “Trong Đức Kitô hoà giải” (2Cr 5, 19). Sự giao hoà tích cực này được thể hiện trong mọi phục vụ với tinh thần Tin Mừng và đòi hỏi một sự sẵn lòng với việc lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Thế nên, một đàng cộng đoàn tu trì phải diễn tả đức tin của mình qua phụng vụ và kinh nghiệm thì sự sống còn của cộng đoàn mới thiết thực; đàng khác, sự liên tục thăng tiến trong đời sống chứng tá cụ thể trong sự hiệp thông huynh đệ, thì sự chuyên cần cũng như tất cả khổ chế hy sinh mà cộng đoàn nỗ lực mới trở nên không vô ích.
Làm sao để tất cả mỗi thành viên khi đón nhận Lời của Chúa Kitô phải là một sự tiếp nhận hứng khởi và vui mừng vượt lên trên những giới hạn của đời sống chung. Sự kiện “hãy xem họ yêu thương nhau dường bao” sẽ là lời minh chứng sống động về chứng từ đức tin của họ, sự kiên trì của họ trong việc cầu nguyện và việc họ niềm nở thân ái, huynh đệ trong tương giao với mọi người và sự hy sinh dấn thân mạnh mẽ vì sứ vụ.
Có thể nói rằng đời sống cộng đoàn tu trì thể hiện rõ nét chuyên tâm cầu nguyện, đối thoại chân thành trong cộng đoàn, giải trí và chia sẻ chung, niềm nở giao tiếp, và hăng say thực thi sứ vụ thì chắc chắn mỗi cộng đoàn sẽ làm nổi bật một lối sống mới trong Chúa Kitô, một lối sống mà mọi người gọi là ĐỜI SỐNG TU TRÌ TRONG CỘNG ĐOÀN.