Đối phó chứng cồn ruột bằng thuốc

Vũ Lê Hân (Đồng Nai)

 

Cảm giác cồn cào xót ruột hay cồn ruột là một trong những triệu chứng bệnh lý đặc trưng của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Dịp Tết vừa rồi bạn ăn uống thất thường và ăn nhiều hơn bình thường, sau đó bị cồn ruột là lẽ đương nhiên. Đây cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng tái phát kết hợp với ảnh hưởng của việc ăn uống nhiều hơn ngày thường.

Để khắc phục chứng cồn ruột do bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng tái phát, có thể dùng các loại thuốc kháng acid dạ dày, thuốc ức chế bơm proton và thuốc ức chế thụ thể H2 với chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

 Thuốc kháng acid dạ dày làm giảm tiết acid dịch vị, giúp giảm chứng ợ nóng, cồn ruột, khó tiêu… Một số hoạt chất có trong thuốc kháng acid dạ dày phổ biến gồm aluminium hydroxide, magnesium carbonate, magnesium trisilicate… Thuốc ức chế bơm proton cũng giúp làm giảm acid dạ dày do ngăn chặn các vị trí sản xuất acid trong thành tế bào dạ dày. Các nhóm thuốc đang được sử dụng nhiều tại nước ta gồm esomeprazole, omeprazole, rabeprazole… Thuốc ức chế thụ thể H2 khống chế tình trạng gây dư thừa acid trong dạ dày mặc dù tác dụng không nhanh như nhóm thuốc kháng acid nhưng ảnh hưởng lâu hơn. Nhóm thuốc phổ biến được sử dụng gồm nizatidine, famotidine, cimetidine, ranitidine…

Trong trường hợp cồn ruột không do viêm loét dạ dày – tá tràng, bạn không cần sử dụng thuốc điều trị mà điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt: Ăn uống đúng giờ, không để bụng quá đói hoặc ăn quá no, nhai kỹ thức ăn; không ăn cay, chua, chất mỡ, đồ ngọt; ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa, không uống bia rượu và hút thuốc lá…; và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Nếu tình trạng cồn ruột kéo dài bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để biết chính xác căn nguyên gây cồn ruột và dùng thuốc phù hợp.