Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

CNQP&KT – Doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) là một bộ phận của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ Quốc phòng quản lý. Thời gian qua, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DNQĐ có sự tăng trưởng khá cao, tuy nhiên so với lợi thế, tiềm năng thì vẫn chưa tương xứng. Do vậy, việc sắp xếp, đổi mới DNQĐ tinh, gọn, mạnh là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Tham gia lao động sản xuất là một trong những chức năng cơ bản của Quân đội ta. Hiện nay, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, Quân đội tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; chú trọng sản xuất vũ khí, trang bị, khí tài công nghệ cao. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là các loại vũ khí chiến lược”.

Thời gian qua, trong điều kiện dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, song, các DNQĐ đã nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Nhiều DNQĐ vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững thương hiệu, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, giải quyết được nhiều việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động.

 Thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ theo tinh thần Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 80/TTg- ĐMDN, ngày 4/10/2017 (Đề án 80), Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị chủ quản tích cực triển khai thực hiện. Bộ Quốc phòng đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Quy chế hoạt động… Qua đó, đã thể hiện rõ quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại DNQĐ, với mục tiêu giảm mạnh đầu mối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ quản lý; tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuần túy ở các lĩnh vực thương mại, xây dựng, dịch vụ. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của DNQĐ, bảo đảm sự phát triển ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP của đất nước và phù hợp với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quá trình sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNQĐ mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập, nhưng đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Đến nay, đã cơ cấu lại các DNQĐ giữ 100% vốn nhà nước, cắt giảm một số ngành nghề sản xuất thương mại, dịch vụ ít hoặc không liên quan đến phục vụ các mục tiêu quốc phòng – an ninh; thực hiện cơ cấu lại tài chính và thoái vốn ở một số doanh nghiệp quốc phòng, công ty cổ phần. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo một số đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phương án chuyển thành đoàn kinh tế – quốc phòng, tập trung xử lý tồn đọng về tài chính, sắp xếp lại các công ty con thành chi nhánh, cơ cấu lại các đơn vị phụ thuộc. Hướng dẫn doanh nghiệp triển khai các bước cổ phần hóa, cơ cấu lại, xử lý tài chính, xây dựng phương án sử dụng đất, đánh giá giá trị doanh nghiệp; xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động khi thực hiện sắp xếp lại các DNQĐ.



Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tại cảng Tân Cảng – Cát Lái.  Ảnh: CTV

Các DNQĐ sau sắp xếp cơ bản duy trì được nhịp độ phát triển ổn định, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế quốc dân. Nổi bật là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), sau sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại luôn đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng. Năm 2021, doanh thu của Viettel đạt 274 nghìn tỷ đồng (tăng 3,3% so với năm 2020), lợi nhuận đạt 40,6 nghìn tỷ đồng (tăng 3,2 % so với năm 2020), nộp ngân sách gần 32 nghìn tỷ đồng. Những năm gần đây, giá trị thương hiệu của Viettel luôn gia tăng, năm 2021 tăng 32 bậc với giá trị 6,061 tỷ USD, đứng thứ 325 toàn cầu và lần thứ 6 liên tiếp giữ vị trí số 1 trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Bên cạnh đó là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (thuộc Quân chủng Hải quân) hiện đứng trong Top 25 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới, đồng thời là nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam; nắm giữ 50% thị phần hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container của cả nước, gần 90% thị phần khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2021, Tổng công ty hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng container thông qua các cảng đạt hơn 9,2 triệu Teu container (tương đương 130 triệu tấn hàng hóa), tăng 4,7% so với năm 2020. Các doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP cũng rất nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, hàng năm luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Năm 2021, Tổng cục đạt doanh thu 24.766 tỷ đồng, trong đó sản xuất kinh tế đạt 14.280 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt trên 579 tỷ đồng… Khối các doanh nghiệp xây dựng cũng chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp, đổi mới cơ chế tổ chức, quản lý, chú trọng khai thác mở rộng thị trường nên đạt tốc độ tăng trưởng ổn định. Điển hình như Tổng công ty 319, Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11), Tổng công ty Xây dựng Hàng không ACC…

Các DNQĐ sau sắp xếp duy trì được nhịp độ phát triển, đảm bảo việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng nền kinh tế quốc dân.

Đối với khối doanh nghiệp cổ phần, nhiều đơn vị đã thực sự khẳng định được vị thế và thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Tiêu biểu là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank), đã trở thành một trong những ngân hàng thương mại “thuận tiện nhất” và duy trì “Top 5 ngân hàng thương mại về hiệu quả kinh doanh và an toàn” tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của MB và các công ty con (MB Group) đạt 607 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 16.527 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.



Sản xuất băng tải cao su ở Nhà máy Z175 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng).  Ảnh: NAM ANH

Có thể khẳng định, nhiều DNQĐ sau sắp xếp đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo bước đột phá để phát triển, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển DNQĐ trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là nhận thức của cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa chưa thật đầy đủ, sâu sắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt; triển khai thực hiện còn lúng túng. Để góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần sớm có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu đề án: “Sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2022-2025” cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của đất nước và Quân đội. Đặc biệt, trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đề án cần chú trọng bám sát những khó khăn, vướng mắc, tồn tại… của giai đoạn trước. Cần thiết phải nghiên cứu sửa Nghị định số 47/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, bởi theo các quy định của Nghị định này thì hiện một số công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên là công ty con của công ty mẹ (tập đoàn, tổng công ty) là doanh nghiệp quốc phòng đang được giao thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thông qua công ty mẹ, nhưng chưa được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng.

Các doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, Tổng cục đạt doanh thu 24.766 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 12 triệu đồng/người/tháng…

Hai là, cấp ủy đảng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần quán triệt, chấp hành nghiêm các nội dung và triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ phù hợp với điều kiện thực tế mới. Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới DNQĐ. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng, kế hoạch, đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ đó xác định rõ chủ trương, kế hoạch, lộ trình và các biện pháp thực hiện đồng bộ về công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ba là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong toàn quân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kế hoạch và lộ trình của Bộ Quốc phòng khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ giai đoạn 2022-2025.

Bốn là, thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp, đổi mới DNQĐ đúng mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng. Quá trình thực hiện phải sát với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phù hợp với đặc điểm của thị trường, thực tiễn của các DNQĐ. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo hướng rút gọn đầu mối, gắn với Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội và định hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước của Đảng. Các DNQĐ cần có phương án xử lý cụ thể các vấn đề có liên quan, nhất là các doanh nghiệp được giữ lại là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cần xác định rõ chiến lược phát triển đến năm 2025 và những năm tiếp theo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Năm là, chủ động và kiên quyết thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp. Quá trình triển khai cần được lãnh đạo, chỉ đạo sát sao theo đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, không tạo cơ hội cho hành vi tham nhũng; thực hiện cổ phần hóa công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Sáu là, các DNQĐ cần chú trọng, tích cực, chủ động đầu tư trang – thiết bị, công nghệ hiện đại, tăng năng lực quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, có chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau sắp xếp, cơ cấu lại, góp phần tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến biên chế, tổ chức, chế độ, chính sách, tư tưởng, tình cảm của nhiều người. Vì vậy, cần phải “tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội”, nhất là đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các DNQĐ. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, sự đoàn kết, nhất trí và đồng thuận cao của mỗi cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động tại mỗi DNQĐ trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LONG

Đại úy, ThS. NGUYỄN TÂN DƯƠNG

Khoa Tài chính – Học viện Hậu cần

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II (2021), Nxb Chính trị quốc gia sự thật.

  2. Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

   3. Thông tư 139/2018/TT- BQP ngày 30/8/2018 về “Hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng và thực hiện một số chế độ chính sách đối với các đối tượng làm việc tại các doanh nghiệp quân đội thực hiện cổ phần hóa hoặc giải thể phá sản”.

   4. Tạ Ngọc Tấn (2012), Đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.