Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Sóc Trăng


Đổi mới sáng tạo và định hướng kinh doanh có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu như đổi mới sáng tạo đang ngày càng chứng minh tính hiệu quả trong việc phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm mới có tính ưu việt thì định hướng kinh doanh giúp doanh nghiệpthấu hiểu nhu cầu của khách hàng để từ đó cải tiến chất lượng dịch vụ cũng như cải tiến sản phẩm dựa trên những mong muốn, những yêu cầu từ phía khách hàng. 

Để đảm bảo tính trọng tâm, trong phạm vi bài tham luận này, tác giả tập trung thảo luận với chủ đề “Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Sóc Trăng”. Ngoài việc giới thiệu vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nội dung bài viết đề cập đến quá trình đổi mới sáng tạo, những yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo, qua đó đề xuất một số ý kiến tham luận nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Từ khóa: Đổi mới sáng tạo, hiệu quả, đổi mới, công nghệ,

Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đại đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Tại hầu hết các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Pháp và Hoa Kỳ,DNNVV chiếm trên 99% (https://cdn.advocacy.sba.gov). Tại Malaysia, số liệu thống kê do Cục Thống kê Malaysia (DOSM) công bố, tỷ lệ DNNVV chiếm 97,2%. Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ DNNVV chiếm 98,15%.

Trong nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, DNNVV được ghi nhận là trụ cột trong tăng trưởng bao trùm nhờ phản ứng nhanh với thị trường bằng cách luôn duy trì đổi mới (Kasseeah, 2013). Tại Việt Nam, các DNVVN đã nổi lên như một động lực phát triển kinh tế kể từ khi chính phủ bắt đầu cải cách kinh tế cách đây ba thập kỷ. DNNVV có đặc điểm linh hoạt, dễ thích nghi và có vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung (Nguyễn Thanh Hương, 2017).

Đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo  (ĐMST) là quá trình tổ chức thực hiện các ý tưởng mới hoặc ứng dụng công nghệ mới nhằm đạt hiệu quả tốt trong quản lý, tạo lợi thế cạnh tranh về thời gian, chi phí và chất lượng dịch vụ. Trong kinh tế học, đổi mới là yếu tố quan trọng, giúp các tổ chức tăng trưởng, tăng năng suất và tăng khả năng cạnh tranh (Luke, 2004).

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2005): “Đổi mới sáng tạo là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/ dịch vụ) hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”. ĐMST được phân loại thành 4 loại hình: (i) ĐMST sản phẩm, (ii) ĐMST quy trình hoạt động, (iii) ĐMST hệ thống quản lý, và (iv) ĐMST về các hoạt động marketing.

Theo khoản 16 Điều 3 Luật khoa học và công nghệ 2013, “ĐMST được hiểu là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”. ĐMST không chỉ nằm trong tư duy mà còn bao gồm cả việc ứng dụng tư duy đó vào thực tế. ĐMST được hiểu là việc giới thiệu và áp dụng các sản phẩm, công nghệ, quy trình kinh doanh, mô hình kinh doanh và ý tưởng mới trên thị trường. Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV trong đó có những chính sách liên quan đến ĐMST, tiếp cận chuỗi giá trị (OECD, 2021).

ĐMST có mối quan hệ mật thiết với đổi mới công nghệ. Theo Phan Anh Tú (2006) công nghệ hàm chứa trong: kỹ thuật (Technoware–T) dưới dạng công cụ, thiết bị máy móc, dây truyền sản xuất, v.v.v, có ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và thể hiện góc độ kỹ thuật; trong con người (Humaneare – H) bao gồm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, sự sáng tạo, v.v.v, có ảnh hưởng đến khả năng hợp tác, đạo đức lao động; hàm chứa trong khung thể chế để xây dựng cấu trúc tổ chức (Orgaware-O) là những quy định về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ, sự bố trí sắp xếp nhân sự gắn với công việc; trong các dữ liệu (Inforware – I), bao gồm các dữ liệu về phần kỹ thuật, về con người và tổ chức.

Nguồn: Phan Anh Tú (2006)

Các thành phần của công nghệ có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau, trong đó kỹ thuật là then chốt nhưng vẫn phải phụ thuộc vào con người điều hành và được quản lý trong một tổ chức với một hệ thống thông tin đầy đủ.

Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2021, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ, đặt ra nhu cầu bức thiết về ĐMST trong chương trình nghị sự phát triển quốc gia. Áp lực duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam đang gặp phải rào cản, đó là suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu; cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đẩy nhanh tốc độ phát triển của công nghệ; khó khăn do đại dịch COVID-19 mang lại; và đặc biệt, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong các chuỗi giá trị sản xuất và du lịch. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy ĐMST, ứng dụng các công nghệ mới, kỹ thuật số đang mang đến cơ hội để nâng cao năng suất và khả năng thích ứng của doanh nghiệp (WB, 2021).

Tiềm năng và nhu cầu về ĐMST, đặc biệt tại các DNNVV, còn rất nhiều. Cũng theo báo cáo của WB, đến năm 2021, khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các DNNVV còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường. Trong sản xuất, các DNNVV tại Việt Nam còn gặp hạn chế về áp dụng công nghệ tự động hóa, về kỹ thuật số và còn khoảng cách đáng kể để bắt kịp mức độ phát triển công nghệ cao. Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh, trung bình chỉ có 20% DNNVV sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh, bao gồm: tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng (WB, 2021).

Cùng chung nhận định về thực trạng ĐMST của Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu, báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy  mặc dù Việt Nam đã ban hành một số luật liên quan đến ĐMST, tuy nhiên, cần điều chỉnh và thực thi các luật này một cách hiệu quả. Ngoài ra việc chi tiêu cho R&D của doanh nghiệp ở Việt Nam còn thấp hơn so với các nước ASEAN và mối liên kết ĐMST cũng rất yếu, mức độ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu là hạn chế (OECD, 2021).

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hoạt động ĐMST còn gặp nhiều khó khăn thách thức mà nguyên nhân là do số lượng doanh nghiệp còn ít, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, logistics non trẻ và hoạt động đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất còn thấp. Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực ĐBSCL có tỷ lệ  580 người dân/doanh nghiệp, thấp hơn trung bình cả nước là 220 người dân/doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có quy mô nhỏ nên rất dễ bị tổn thương trước áp lực cạnh tranh về vốn, đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị nguồn nhân lực[1]. Tuy vậy, phong trào khởi nghiệp tại khu vực ĐBSCL đang nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ và chính quyền địa phương, trong đó có sáng kiến ĐMST tại khu vực ĐBSCL (Mekong Innovation Innitiative – MII)[2]. Theo MII cam kết, sẽ có nhiều DNNVV nhận được sự hỗ trợ về các giải pháp công nghệ; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; cung cấp học bổng cho sinh viên và người lao động; nông dân,  tiểu thương sẽ được đào tạo về chuyển đổi số, v.v.v.

Đổi mới sáng tạo tại Sóc Trăng.

Sóc Trăng thuộc lưu vực sông Hậu, nằm trên tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 60, nối liền các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Sóc Trăng có 72 km bờ biển và 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, thuận lợi cho việc giao thông đường thủy, dịch vụ kho vận, cảng nước sâu, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác biển, đánh bắt xa bờ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, dân số của địa phương là 1.195.741 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 35,44%, chủ yếu là người Khmer. Trong giai đoạn 2016 đến 2019, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng 1,9%/năm, thấp hơn so với trung bình toàn khu vực ĐBSCL là 6,1%/năm. Tính lũy kế đến 31/12/2020, toàn tỉnh Sóc Trăng có 3.577 doanh nghiệp, có 17 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 299,1 triệu USD. Năng lực cạnh tranh của địa phương còn thấp, năm 2020, Sóc Trăng xếp hạng thứ 51/63 tỉnh, thành phố.

Nhìn chung hoạt động của các DNNVV tại Sóc Trăng chưa đạt hiệu quả cao mà nguyên nhân có thể là do quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và đặc biệt là tâm lý ngại thay đổi, sự quan tâm đến ĐMST còn hạn chế. Theo số liệu của nhóm nghiên cứu, có tới gần 95% doanh nghiệp siêu nhỏ với tâm lý kinh doanh theo truyền thống, chưa có kỳ vọng mở rộng quy mô và hiệu quả kinh doanh còn thấp. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp còn ít trong khi doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong tiếp cận các dây chuyền/công nghệ tiên tiến. Đây là những khó khăn có ảnh hưởng đến quá trình ĐMST tại địa phương. Tuy vậy, trong những năm qua, Sóc Trăng cũng đạt một số thành tựu nhất định từ lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Theo số liệu của nhóm nghiên cứu,6 tháng đầu năm 2020  xuất khẩu thủy sản đạt 332 triệu USD, tăng 25% so cùng kỳ năm trước; xuất khẩu gạo 97 triệu USD, tăng 220% so cùng kỳ năm trước. Đây là những điểm mạnh dựa trên vị trí địa lý và đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương.

Tại mỗi doanh nghiệp, để quá trình ĐMST thành công thì cần có tư tưởng đổi mới, nguồn nhân lực, vốn và chính sách hỗ trợ từ bên ngoài. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy chi phí cho ĐMST của các DNNVV tại địa phương còn thấp, mức độ quan tâm của doanh nghiệp còn chưa cao mà nguyên nhân có thể do các DNNVV hiện chưa hiểu hết vai trò và còn lo lắng đến tính hiệu quả của những hoạt động này nên chưa đẩy mạnh đầu tư vào ĐMST cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển khác.

Như vậy, mặc dù chính quyền địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng cũng như bối cảnh chung của Việt Nam, hoạt động ĐMST tại các DNNVV ở Sóc Trăng hiện còn mới và gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ý kiến tham luận

Thật khó để đánh giá hết thực trạng cũng như đề xuất một chiến lược hoàn hảo cho quá trình ĐMST tại địa phương bởi tính bao trùm và có liên quan đến nhiều tác nhân, cả trong và ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên, dựa vào một số bằng chứng, chúng tôi đưa ra một số ý kiến tham luận bàn về “Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Sóc Trăng” như sau:

Địa phương cần tuyên truyền để các bên liên quan có nhận thức đúng về vai trò, lợi ích, xu hướng cũng như khó khăn thách thức của ĐMST trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế.Nhận thức đúng sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà quản lý và hoạch định chính sách có kế hoạch, thiết lập sự ưu tiên trong hành động. Ngoài ra, nhận thức đúng về ĐMST còn phải kể đến việc am hiểu những khó khăn, thách thức và những yêu cầu về nguồn lực nhằm tiến hành quá trình ĐMST thành công.

Chính quyền địa phương và các ban ngành cần xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái ĐMST. Mặc dù chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệm tiến hành ĐMST nhưng cần tiếp tục duy trì, bổ sung một cách chi tiết cho hoạt động của từng nhóm doanh nghiệp bởi tính đặc trưng riêng biệt của từng nhóm doanh nghiệp. Cần chú trọng những chính sách về công nghệ, vốn, thị trường, cơ sở hạ tầng và môi trường hoạt động chung của doanh nghiệp.

Các DNNVV cần lựa chọn những công nghệ phù hợp, lựa chọn giải pháp mang tính thực tiễn cao, lựa chọn đội ngũ nhân sự cùng chí hướng, thấu hiểu hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình xây dựng, phát triển và ứng dụng  ĐMST trong hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ chi phí đầu tư không nhỏ, cả về tài chính, nguồn lực máy móc và con người. Để việc đầu tư vào ĐMST mang lại hiệu quả, DNNVV cần tiến hành lựa chọn giải pháp khả thi, tận dụng chính sách ưu đãi và xem xét khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, yếu tố con người rất quan trọng, vì vậy cần xây dựng đội ngũ nhân sự để cùng phát triển.

Cần đẩy mạnh liên kết với các trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, các trường đại học, viện nghiện cứu và các địa phương trong khu vực. ĐMST là một tiến trình dài, liên tục thay đổi, vì vậy, việc phối hợp, liên kết với các trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm ĐMST giúp cho địa phương và doanh nghiệp cải thiện năng lực công nghệ, cập nhật thông tin về các giải pháp và tìm kiếm cơ hội đầu tư hiệu quả. Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ là nơi để trao đổi kiến thức công nghệ cũng như cơ hội tìm kiếm những ứng viên nhằm bổ sung vào nguồn nhân lực ưu tú cho doanh nghiệp. Đây cũng là chủ trương, định hướng trong tiến trình đẩy mạnh ĐMST của địa phương[3].

Xin trân trọng cám ơn!

TS. Nguyễn Văn Dư – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (2020). Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế / Ngân hàng Thế giới.

2. Báo cáo Chính sách DNNVV và khởi nghiệp tại Việt Nam (2021). Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.

3. Kasseeah, H. (2013). Innovation and performance in small-and medium-sized enterprises: evidence from Mauritius. Innovation and Development, 3(2), 259-275.

4. Luke, P. (2004) Networking and Innovation: A Systematic Review of the Evidence. DOI: 10.1111/j.1460-8545.2004.00101.x

5. Nguyen, D., Nguyen, H., & Nguyen, K. S. (2018). Ownership feature and firm performance via corporate innovation performance. Journal of Asian Business and Economic Studies.

6. Nguyễn Thanh Hương (2017), “Những nhân tố ảnh hưởng tới đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, số 488, tr.93-95

7. Phan Anh Tú (2006). Giáo trình Quản trị công nghệ,  Học viện Bưu chính Viễn Thông.