Đôi điều về siêu thị bản vẽ kiến trúc | KTS Nguyễn Văn Tất – Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam

Trên tinh thần khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật, xin có ý kiến về một sản phẩm thương mại dịch vụ mới xuất hiện trên môi trường kinh doanh qua mạng: siêu thị bản vẽ kiến trúc. Có thể ở góc độ tổ chức kinh doanh, “Siêu thị bản vẽ” có giấy phép kinh doanh hợp lệ, nhưng ở góc độ chất lượng “sản phẩm kinh doanh“, có thể đơn vị kinh doanh không thể đảm bảo. Và như vậy quyền lợi khách hàng sẽ không được đảm bảo.

Đôi điều về siêu thị bản vẽ kiến trúc | KTS Nguyễn Văn TấtKTS Nguyễn Văn Tất

1. Không đảm bảo phù hợp pháp lý kinh doanh dịch vụ của sản phẩm

– Mỗi công trình kiến trúc trước khi xây dựng phải được cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra, thẩm định, cấp phép dựa trên rất nhiều căn cứ luật pháp và quyền lợi cộng đồng.

– Công trình được một văn phòng KTS hay công ty kiến trúc cụ thể chịu trách nhiệm pháp lý và chuyên môn đúng quy trình quản lý nhà nước và luật hành nghề.

– Giấy phép xây dựng chỉ cấp duy nhất cho thiết kế của KTS tác giả và gắn liền trên khu đất của chính chủ sở hữu (ngay cả anh chị em ruột đồng ý xây nhà chung cũng phải thực hiện uỷ quyền cho một người đứng tên xin phép).

2. Không phù hợp luật sở hữu trí tuệ

– Quyền nhân thân: KTS thiết kế công trình có bản quyền (nhân thân) đối với công trình đã thiết kế, nhưng không có quyền copy thiết kế đó cho chủ đầu tư khác sử dụng.

– Quyền sử dụng: Chủ đầu tư có bản quyền (sử dụng) đối với công trình được thiết kế khi xây dựng, nhưng không được quyền xây dựng nhân bản hay cho, tặng người khác để xây dựng.

– Quyền tác giả được căn cứ từ thiết kế ý tưởng và quyền chi phối tất cả các bước thiết kế tiếp theo, nên nếu một công ty khác (hoặc người “mua“ tự thực hiện) khai triển kỹ thuật thi công theo mẫu “bán” của siêu thị bản vẽ là không hợp pháp đã đành; KTS tác giả “rao bán” mẫu (đã thiết kế cho người khác) trên siêu thị cũng không hợp pháp.

3. Không đảm bảo chất lượng sản phẩm thiết kế kiến trúc

– Mỗi thiết kế có giá trị chuyên môn phải đáp ứng đặc điểm sử dụng riêng, trên khu đất cụ thể của chủ đầu tư, được khai triển kỹ thuật xây dựng phù hợp nhất, chi phí hợp lý nhất. Không có mẫu chung tốt nhất cho mọi trường hợp. Nếu có, chỉ có thể là bản copy một vài giá trị hình thức của một phương án tốt mà thôi.

– Trường hợp thiết kế mẫu thì có quy định pháp lý riêng và chỉ phù hợp cho căn hộ chung cư hoặc nhà mẫu cấp phép đồng bộ cùng với dự án địa ốc; và người mua chấp nhận giá trị nhiều phiến diện của “hàng may sẵn” ).

Xét cho cùng, bản vẽ thiết kế cũng chỉ là ngôn ngữ truyền đạt, hướng dẫn để xây dựng hình khối kiến trúc thực tế cuối cùng. Chất lượng thực sự còn nằm ở kinh nghiệm ứng xử suốt các công đoạn thiết kế, giám sát tác giả, hiệu chỉnh các rủi ro xây dựng… để trung thành nhất có thể với ý tưởng sáng tác kiến trúc của KTS tác giả. Và chỉ tác giả mới làm tốt nhất điều đó.

4. Ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sáng tác và làm nghề thiết kế kiến trúc lành mạnh

– Không góp phần định hướng thị trường sử dụng dịch vụ thiết kế kiến trúc đúng đắn.

– Không tôn vinh lao động sáng tác, hình thành nhiều tác phẩm kiến trúc mới có giá trị đặc sắc.

– Tạo thói quen sử dụng chất xám lệch lạc, hình thức trong thị phần đầu tư nhà ở (một lĩnh vực rất lớn trong xã hội).

– Góp phần nhân bản dễ dãi các hình thức kiến trúc nhà ở, đi ngược lại mong ước phát triển nền kiến trúc sâu sắc nói chung và lĩnh vực kiến trúc nhà ở đương đại nói riêng.

Qua những nhận định nói trên, thiết nghĩ Hội KTS Việt Nam, tiếng nói thay mặt cho giới KTS làm nghề chuyên nghiệp cần công khai một quan điểm đúng đắn, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và trân trọng nghề nghiệp. Và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc chính thức có phản hồi, điều chỉnh với các nội dung sau:

1/ Siêu thị bản vẽ kiến trúc có thể hoạt động theo pháp luật cho phép với mục tiêu cung cấp dịch vụ kiến trúc.

2/ Sản phẩm dịch vụ được cung cấp cần đảm bảo nhu cầu về chất lượng, quyền lợi khách hàng và xã hội, được quy định bởi các tiêu chuẩn pháp lý hiện hành.

3/ Theo nội dung trình bày nêu trên, điều 2 là không thể. Thiết nghĩ, sản phẩm dịch vụ của Siêu thị bản vẽ chỉ dừng lại ở mức “hub “ thông tin kết nối khách hàng (nhà đầu tư) với các địa chỉ tư vấn thiết kế (văn phòng KTS, công ty tư vấn thiết kế kiến trúc…) đăng ký với “Siêu thị ý tưởng kiến trúc Nhà ở ”. Ở đó, các bên đăng ký thông tin và nhận thông tin tự nguyện và trả phí cho “Siêu thị”. Hệ thống thông tin này được sàng lọc, phân loại, minh hoạ… và cung cấp địa chỉ liên hệ phù hợp với tổ hợp điều kiện riêng của mỗi khách hàng (như trong dịch vụ đặt phòng khách sạn).

Mỗi giao dịch được kết nối, có thể khách hàng và văn phòng KTS phải trả tiếp “phí giao dịch thành công” của Siêu thị.

Còn lại là công việc của một hợp đồng thiết kế kiến trúc theo đúng luật Kiến trúc, một loại công việc vô cùng phức tạp mà rất gian khổ mới có được Luật kiến trúc như ngày hôm nay.

KTS Nguyễn Văn Tất

XEM THÊM: