Đời công nhân: Không ngừng hi vọng
Tiếng cười rộn rã của gia đình anh Ban xua đi cái nóng nực trong phòng trọ chật hẹp – Ảnh: C.TRIỆU
Mong sao gom góp được chút đỉnh để có tiền mua cái nhà, thoát khỏi đời ở trọ. Có cái nhà thì cuộc sống ổn định hơn.
Anh Nguyễn Văn Ban
Họ vẫn nỗ lực từng ngày, tìm “lối ra” cho chính mình trong thời điểm tưởng chừng bế tắc.
Mỗi người một nơi
Tan ca làm, chị Lê Hương Ly (32 tuổi, quê Kon Tum) chạy ngay đến trường đón con trai 8 tuổi về phòng trọ. Đó là một khu trọ tuềnh toàng, giá 1,4 triệu đồng/tháng, gần công ty may trên đường Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) mà chị đang theo làm. Phòng chỉ có hai mẹ con, do chồng chị đang làm công nhân điện ở miền Trung.
Chị tâm sự: “Đặc thù công việc của chồng hay đi công trình xây dựng ở nhiều tỉnh, thành miền Trung nên chỉ hai mẹ con trong này. Khoảng 2, 3 tháng chồng sẽ đón xe vào thăm. Vợ xa chồng, con xa ba cả ngàn cây số cũng buồn nhưng đành chấp nhận. Hi vọng một thời gian nữa, khi cuộc sống ổn định hơn thì vợ chồng sẽ gần nhau, con có ba có mẹ”.
Khi tiếp xúc với những công nhân, mới thấy câu chuyện “chồng một nơi, vợ một nơi” như trường hợp chị Ly không phải là cá biệt. Nên nghĩa vợ chồng, nhưng vì nhiều lý do, mỗi người phải tìm cách bám trụ công việc ở mỗi công ty khác nhau, hoặc một trong hai người rơi vào cảnh thất nghiệp… để rồi cả hai phải sống cảnh thiệt thòi.
Anh Lê Văn Vương (28 tuổi, quê Quảng Ngãi, công nhân ở Q.Bình Tân) cho biết trước đây vợ chồng anh làm cùng chỗ. Cách đây không lâu, vợ anh nằm trong danh sách bị cắt giảm nhân sự nên giờ “mỗi người một ngả”.
Hằng ngày, tan ca về, anh Vương lại “lên mạng” để gọi video về quê, nhìn vợ con cho nguôi ngoai nỗi nhớ.
“Vợ con tôi về quê sống tạm cùng gia đình, mình thì ở lại, phần là để dò kiếm khắp nơi xem có việc gì cho vợ làm không, chứ tình cảnh như thế này buồn lắm”, anh tâm sự.
“Thèm” cái nhà của mình
Dẫu phải trải qua 8 tiếng, thậm chí 12 tiếng mỗi ngày trong nhà xưởng, với bất kỳ công nhân nào, họ cũng đều vui và chấp nhận. Với họ, nỗ lực kiếm được vài triệu tiền lương để cuối tháng khỏi chạy vạy… mới ngủ yên giấc. Muôn vàn nỗi lo nhưng họ sợ nhất là “đổ bệnh”, bởi bình thường đã phải tốn kém đủ thứ tiền, huống gì lúc bệnh, lấy đâu ra tiền để điều trị.
Chị Châu Thị Hồng Hoa (39 tuổi, quê Sóc Trăng, công nhân may giày ở Q.Bình Tân) kể chồng chị mới bị đau ruột thừa phải mổ, tốn hơn chục triệu.
“Bao nhiêu tiền dành dụm trước đó đều dồn hết vào viện phí. Thú thiệt rất lo lỡ “bị gì” thì không biết lấy tiền đâu chạy chữa”, chị Hoa nói.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ban (32 tuổi) đã trọ ở đường Lê Văn Phan (Q.Tân Phú) được 4 năm. Anh làm công ty vật tư điện ở Q.12, còn vợ anh, chị Đỗ Thị Nương (31 tuổi) nhận giúp việc nhà ở Q.10. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm mới lo được ăn học cho hai con nhỏ.
“Nghĩ đi nghĩ lại, dù mình chẳng bằng ai nhưng cũng đỡ hơn nhiều hoàn cảnh khác. Thế nên tới đâu thì tính tới đó, cứ lạc quan mà sống, mà làm việc thôi”- anh Ban cười nói.
Hỏi ước mơ lớn nhất của hai vợ chồng, anh thốt ngay: “Mong sao gom góp được chút đỉnh để có tiền mua cái nhà, thoát khỏi “đời ở trọ”. Có cái nhà thì cuộc sống ổn định hơn”.
Không riêng vợ chồng anh, với những công nhân mưu sinh xa xứ, khao khát lớn nhất chính là có “cái nhà của mình”, để “an cư lạc nghiệp”.
Chị Lê Thị Hường thổ lộ: “Giờ hơi cực, nhưng tôi vẫn luôn tin tương lai sẽ đỡ vất vả, đủ đầy hơn. Có nhà rồi, mình sẽ đổi nghề không làm công nhân nữa, chuyển sang mở tiệm tạp hóa nhỏ”.
Ổn định hơn – đó cũng là mong ước của anh Văn Tuấn (34 tuổi) và chị Thanh Thảo (29 tuổi), cùng làm việc tại công ty giày ở H.Trảng Bom (Đồng Nai). Từng mơ một đám cưới giản dị song vì đồng lương công nhân bấp bênh, họ chỉ lên xã làm giấy đăng ký kết hôn rồi sống cùng nhau, chứ chưa dám nghĩ đến việc tổ chức đám cưới.
“Khi nào cuộc sống ổn định hơn, không còn nợ, sẽ tính đến chuyện cưới hay sinh con. Chứ hiện tại còn chật vật quá”, anh Tuấn chia sẻ.
Để “ngày ổn định” đến nhanh, ngoài thời gian làm ở công ty, hai vợ chồng anh làm thêm nhiều việc khác. Như chị Thảo tranh thủ ngày nghỉ nhận trang điểm cho khách, còn anh Tuấn trồng thêm cây ăn trái, nuôi gà…
“Mình đang tính học thêm nghề chụp ảnh cưới. Để về sau, hai vợ chồng mở một tiệm chụp ảnh, trang điểm cho đỡ cực”, anh ấp ủ.
Làm thơ, cộng tác với báo
Tan sở, Tuyết Lan (27 tuổi, quê Tiền Giang, công nhân công ty điện tử ở Q.9) về phòng trọ và thủ thỉ buồn vui cùng hai chú mèo. Để quên đi những khó khăn, vất vả đời công nhân, cô “trút bầu tâm sự” vào… thơ. Không ngờ, đây lại là cách Lan có thêm thu nhập từ khoản nhuận bút của các báo, tạp chí.
Ngoài thơ, Lan cũng đang ấp ủ vài truyện ngắn về cuộc sống công nhân và sẽ “trình làng” trong thời gian tới.
Đời công nhân: ‘Cấn’… thẻ ATM, ‘vướng’ vào… app