Đời Sống Tâm Linh — Nhật ký làm phim — Sun Wolf Animation Studio

Cũng chính tín ngưỡng sùng bái tự nhiên mà dẫn đến việc thờ tất cả những “vị thần” cai quản tự nhiên, là nguyên nhân dẫn đến tín ngưỡng đa thần của người Việt. Chúng ta thờ Bà Trời (Mẫu Cửu Trùng, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Mụ), Bà Đất (Địa Mẫu, Bà Chúa Xứ), Bà Nước (Bà Thuỷ, Bà Chúa Sông). Về sau do ý thức được sự đối lập âm dương mà có Ông Trời và do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa nên có thêm Ngọc Hoàng, Thổ Công, Hà Bá, nhưng xa xưa nhất, tổ tiên ta thờ các nữ thần là phần nhiều. Bên cạnh việc thờ Trời, Đất, Nước, chúng ta còn thờ những vị thần quản lí thời tiết (do thời tiết ảnh hưởng đến mùa màng), các thần không gian, thời gian (ví dụ Thập Nhị Hành Khiển, mười hai vị thần – mỗi vị quản lí một năm theo Tí, Sửu, Dần, v.v và quản lí cả việc sinh nở, do đó ta có Mười Hai Bà Mụ).

Người Việt mình hay quen miệng nói với nhau: hú hồn hú vía, hay ba hồn bảy vía – những câu nói này đều bắt nguồn từ những niềm tin về mặt tâm linh thuở xa xưa, khi con người bắt đầu tìm cách lí giải thế giới và những hiện tượng xung quanh. Dân tộc Việt Nam tin rằng, trong mỗi con người đều tồn tại ba phần: hồn, xác và vía. Vía là một khái niệm để chỉ phần trung gian giữa xác và hồn. Theo quan niệm xưa, người nam có bảy vía, người nữ có chín vía. Đây cũng là cơ sở để người xưa giải thích cho các hiện tượng ngủ mê, ngất, chết hay sự đau ốm ở trẻ con. Do có phần vía tồn tại giữa hồn và xác, cho nên sẽ có những khái niệm như “yếu vía”, “nặng vía” và cũng nảy sinh ra các hiện tượng tâm linh như “đốt vía”, giải vía” nếu một người không may gặp tai nạn gì đó. Khi một người chết đi, phần xác và phấn vía (là những phần nặng) sẽ tiêu tan ở dương gian, tuy nhiên hồn vì nhẹ hơn rất nhiều nên xuất khỏi xác, lưu lạc trên trần gian.

TÍN NGƯỠNG SÙNG BÁI CON NGƯỜI

Người Việt Nam cũng tin rằng có một thế giới bên kia, tồn tại song hành cùng trần gian. Do vậy những người chết đi thì phần hồn của họ sau những ngày lưu lạc ở cõi sống sẽ được dẫn về cõi chết, hay cõi vĩnh hằng. Bởi chính niềm tin này mà chúng ta có tục thờ cúng ông bà, tổ tiên. Tục lệ này ở Việt Nam phổ biến hơn hẳn so với các dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một tôn giáo ở Việt Nam (Đạo ông bà) và hầu như trong nhiều gia đình Việt Nam đều có bàn thờ để thờ cúng ông bà. Dân tộc ta quan niệm dương sao âm vậy, nên khi cúng giỗ chúng ta cúng đồ ăn (gọi là cỗ: cỗ mặn, cỗ chay). Bên cạnh đồ ăn, chúng ta còn cúng cả quần áo, đồ dùng, tiền nong (được làm bằng giấy, gọi chung là vàng mã) để ông bà ở bên đó có đầy đủ đồ dùng và sự tiện nghi như khi còn tại thế.