Đời Sống Tâm Linh – NTH

Dĩ nhiên, những người dám hy sinh mạng sống vì chính nghĩa không chỉ giới hạn trong số các tín đồ Kitô Giáo. Họ có đáng gọi là tử đạo không? Tôi hy vọng sẽ trở lại đề tài này vào dịp khác. Hôm nay chúng ta chỉ nói đến quan điểm của đức thánh cha Gioan Phaolô II.

Các ký giả đã ghi nhận rằng lần đi thăm Ấn Độ vào ngày 1/2/1986, người đã đến viếng thăm mộ của Mahatma Gandhi, một người đã sử dụng phương pháp bất-bạo-động để tranh đấu giành độc lập cho quốc gia Ấn Độ. Ông đã bị ám sát bởi một người đồng bào quá khích, chống lại chủ trương xoá bỏ các đẳng cấp. ĐTC đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Gandhi. Tuy ca ngơị ông Gandhi như là một người “tử đạo vì chân lý”, nhưng đức thánh cha không thể phong thánh cho ông được, bởi vì ông ta đâu phải là tín đồ Kitô Giáo!

Mặt khác, khi phong thánh cho cha Maximilianô Kolbe, một linh mục dòng Phanxicô đã tự nộp mình để thế mạng cho một tù nhân khác có gia đình khi ông bị quốc xã Đức kết án chết thiêu trong hỏa lò, đức thánh cha cho thấy rằng cha Kolbe không chỉ chứng tỏ lòng thương yêu bác ái dựa theo gương của Chúa Kitô Đấng đã hiến thân cho người thân yêu, nhưng còn làm chứng cho sự thật về công lý, bởi vì cha bênh vực cho một người vô tội bị kết án oan ức. Chắc chắn trên đời này những tấm gương tương tự có thể thấy ở ngoài Giáo Hội Công Giáo.

Đã hơn một lần, đức Gioan Phaolô II không chỉ dừng lại ở nhãn hiệu (xem có phải là người Công Giáo hay không Công Giáo), nhưng nhìn đến chân lý khách thể mà các vị đó làm chứng.

Trong Năm thánh 2000, người đã tổ chức tại hí trường Côlôssê ở Rôma (vào ngày 7 tháng 5) một buổi lễ tưởng niệm tất cả các chứng nhân cho Tin Mừng, dù là phần tử Giáo Hội Công Giáo, hay Chính Thống, Tin Lành. Tất cả đều gặp nhau ở một điểm chung, là họ đã được thuyết phục bởi tình yêu Chúa Kitô, và làm chứng cho Tin Mừng của Người, một Tin Mừng không chỉ bao gồm những chân lý về mầu nhiệm Thiên Chúa, mà còn bao gồm những chân lý về phẩm giá con người, về tình huynh đệ liên đới giữa nhân loại nữa. Hai khối đó không tách biệt nhau, bởi vì Đức Kitô đã đến để mặc khải kế hoạch
của Thiên Chúa dành cho con người, và đó chính là cốt yếu của phẩm giá con người, như Công Đồng Vaticanô II đã nói
trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”.