Đọc sách “Sống đời của chợ”
NDO –
“Sống đời của chợ” (NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn) ra mắt đã nửa thập kỷ nhưng đến nay vẫn là công trình công phu cắt nghĩa bản chất chợ trong đời sống văn hóa Việt Nam. Hơn thế, những nảy sinh trong diễn biến đời sống chợ, những xây mới, cải tạo, thưa vắng, lãng phí hoặc ngăn nắp, vệ sinh hơn của chợ, cả những bối rối chợ cóc, chợ tạm… càng buộc chúng ta hiểu chợ một cách nghiêm túc, thấu đáo khi quản lý, tổ chức chợ trong đời sống hiện đại.
Đáng nói, “Sống đời của chợ” sẽ còn được phát triển trong sự mở rộng các vùng khảo cứu và dấu ấn nghiên cứu như mong muốn của tác giả. Vì thế, với tôi đây là tác phẩm thú vị để đọc lại, thiết thực với những người dân bình thường quan tâm đến chợ, đến văn hoá và với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý…
“Như bất kỳ một người Việt Nam nào, đều sống đời đi qua những chợ, đi bên cạnh chợ hay đi trong những chợ. Chợ là kinh nghiệm mà mỗi người đều sở đắc một hình dung sống động. Chợ phơi bày tất cả, lộ thiên trước mắt, chợ không giấu ta điều gì, nên vì thế, chắc gì ta đã hiểu hết cuộc đời, tâm hồn của chợ… Trong nhận thức, có những điều quá quen thuộc, quá thường ngày, nên, dễ bị trượt đi. Chợ, có lẽ, là một trường hợp điển hình cho sự phụ bạc của nhận thức về cái quá đỗi quen thuộc.”
Công trình này, với Nguyễn Mạnh Tiến bên cạnh cơ hội “trả nợ ngàn xưa” thì về mặt khoa học là “nỗ lực hiểu chức năng chợ trong cấu trúc làng-đơn vị hành chính cơ bản nhất của tổ chức xã hội Việt Nam cổ truyền”. Với “Sống đời của chợ”, vùng quét nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Tiến là làng người Việt, ở Bắc bộ và mở rộng thêm ít nhiều ra vùng Thanh-Nghệ.
“Sống đời của chợ” có 3 phần. Phần I: Vào chợ với “Dạo quanh những phiên chợ”, “Mở vào những phiên chợ”. Phần II: Chợ trong cấu trúc chức năng làng với 7 nội dung chuyên sâu đặc biệt thú vị như “Chợ với mạng lưới kinh tế làng xã”, “Chợ-sự triển nở của không gian làng”, “Chợ-nền thương mại đàn bàn” hay “Chợ-mạng lưới thông tin, làn sóng dư luận và tiến trình hình thành tâm lý đám đông làng xã”, “Chợ-không gian văn hóa, hội hè làng mạc và bảo tồn nghệ thuật dân gian”… Phần III: Về chợ thay lời kết rộng với những Phụ chú mang lại cho độc giả sự soi chiếu rộng hơn với tư liệu lịch sử về Lệ lập chợ, Mạng lưới chợ qua các thời kỳ.
Nguyễn Mạnh Tiến viết về chợ như một người trong cuộc, ở cả hai góc độ, trước hết là một người con luôn chờ đợi mẹ trở về sau mỗi buổi “canh khuya, trăng lặn, chợ tàn…” tự thấy “chợ như một người thân đi vào trong cuộc đời” mà mình thì cũng là “một phần thân thể của chợ” và sau nữa là chợ như một đối tượng của nhà nghiên cứu, một sinh quyển của người Việt.
Tiếp cận liên ngành, đã đành, xu thế nghiên cứu khoa học hiện đại, nhưng còn một tiếp cận khác của tác giả vượt lên tất cả, bắt đầu cho tất cả là tiếp cận từ trái tim đến trái tim bằng sự thông hiểu, thấu cảm.
Chợ – những đứt gãy và rạn vỡ
Độc giả có thể chọn cách lang thang cùng Nguyễn Mạnh Tiến qua những buổi chợ phong phú tưởng như bất tận ngay từ cách phân chia, hoặc theo những chức năng của chợ. Chợ theo địa danh, chợ theo tư duy không gian, thời gian, chợ theo cấp độ hành chính, chợ theo các tiêu chí khác… Chợ như không gian văn hóa, mạng lưới thông tin, thậm chí là môi trường thị phạm quyền lực quốc gia, hay chốn ma thuật thương mại của người dân quê. Từ đây hiểu chợ thật cặn kẽ cái thực thể tưởng quá đỗi quen thuộc này.
Thí dụ như, với chức năng quan trọng nhất là kinh tế, Nguyễn Mạnh Tiến chỉ ra nền thương mại quê mùa với mạng lưới chợ địa phương là hạt nhân nội thương được nhà nước thực thi các chính sách bảo hộ để phát triển. Nó kết nối miền núi và đồng bằng, là trái tim trong hoạt động thương mại của làng. Nó là sự mở ra của không gian làng, thực hiện những chức năng đa dạng, linh hoạt của đời sống làng mạc.
Cho dù còn manh mún, nhỏ lẻ, nó cũng cho thấy cái nhìn khác về làng quê Việt Nam truyền thống, về người nông dân, ngoài nông nghiệp thuần túy thì còn những khoảng thời gian buôn bán, phi nông nghiệp…
Câu chuyện về bà cụ H, người xóm Giữa, làng Ngọc Than, chạy chợ từ năm 13 tuổi, đến ngoài 80 vẫn cứ trốn con cháu tìm đến chợ Phú Mỹ bán mớ giầu cau cho “đỡ nhớ”, và phán “tôi có chết cũng phải về chợ trước ăn cái hoa quả xong mới về nhà” – là một hình dung sống động về cái nỗi chợ ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt.
Từ những soi chiếu đa chiều, suốt chiều dài lịch sử, Nguyễn Mạnh Tiến chỉ ra sức sống mạnh mẽ, khả năng tồn tại xuyên thời gian của chợ truyền thống và đặc biệt là những rạn vỡ, đứt gãy của nó trong đời sống hiện đại. Điều này thực sự là quan trọng, khi ta nhìn thẳng vào những rạn vỡ đó như thể nhìn vào một chủ thể có đời sống, có tâm hồn.
Đọc “Sống đời của chợ”, ta nhận ra cái mênh mông tâm hồn, cảm thức Việt trong một hiện tượng, không gian công cộng, văn hóa quá đỗi quen thuộc, bình thường. Ta hiểu ông bà ta xưa và cũng là hiểu mình hơn trong cái toàn thể của cộng đồng, dân tộc.
Thật vậy, tính khách quan trong sự dai dẳng của chợ truyền thống, thậm chí của mạng lưới chợ cóc chợ tạm… đặt ra cho chúng ta một thách thức hiểu chợ như nó vốn là thay vì chỉ đơn thuần là cái đã cũ, cái xấu-bẩn-vi phạm trật tự xã hội… Cũng có thể nhắc lại chuyện hiện đại hóa chợ truyền thống được “nhốt” trong những nhà kính, khiến chợ không còn sinh khí giao lưu sống động.
Những căn nguyên khác cũng được đề cập như cải thiện đời sống người dân để xóa bỏ các hình thức chợ gắn với kinh tế manh mún truyền thống. Và sâu xa hơn là một chiến lược quy hoạch kinh tế nông thôn và đô thị tương thích để chợ hiện diện trong đời sống đương đại với thế cộng hưởng.
Giữ phần tinh hoa của truyền thống
Nguyễn Mạnh Tiến mong muốn nếu có khi nào đó “sách có được vinh hạnh nằm trên tay của người hàng chợ” thì như Tiến gửi hướng dẫn sử dụng sách tới đối tượng độc giả này một cách đầy thương mến: “bạn cũng chẳng cần quan tâm đến phần chú thích. Nhưng riêng phần Phụ lục, nhất là mục Cảm hứng chợ, tôi mong bạn dành chút thời gian nhâm nhi lâu hơn. Bởi đó, như hình dung của tôi, là khoảnh khắc thăng hoa nhất của chợ khi chợ hiện hữu trong cảm quan, không-thời gian nghệ thuật mà chúng ta, người hàng chợ, dù hằng ngày ăn đời ở kiếp với chợ, có thể lại để tuột mất, chưa nhận ra…”.
Phần phụ lục này quả thực là một gửi gắm nhiều tình cảm của tác giả. Đó là chợ qua tác phẩm văn chương và nghệ thuật tạo hình. Tác giả thận trọng khẳng định, nó không phải là sự đối trọng với hiện thực bộn bề về chợ đang được nhận diện, mà là một ký ức đẹp đẽ về chợ như một nét hương xa.
Nét hương xa, như tôi hiểu cũng là tài nguyên tạo văn hoá tạo đà cho phát triển nội lực, cụ thể như phát triển du lịch, kinh tế.
Những lời thở than, những tâm sự tiếc nuối của nhiều người về các chợ truyền thống từng làm thành diện mạo, là căn cước của một vùng đất bị phá dỡ, xóa sổ cần thiết nên được lắng nghe. Những khu chợ thực sự truyền thống với những kiến trúc cầu, đình chợ còn lại và với cảnh quan độc đáo cần được bảo tồn như một di sản quan trọng.
(Nguyễn Mạnh Tiến)
Nguyễn Mạnh Tiến giữ lối viết giàu cảm xúc, một đặc trưng trong ngòi bút của anh, nhưng vẫn mạch lạc tỉnh táo khi tổ chức tư liệu, xâu chuỗi sự kiện, mạch kể.
Đọc “Sống đời của chợ”, ta nhận ra cái mênh mông tâm hồn, cảm thức Việt trong một hiện tượng, không gian công cộng, văn hóa quá đỗi quen thuộc, bình thường. Ta hiểu ông bà ta xưa và cũng là hiểu mình hơn trong cái toàn thể của cộng đồng, dân tộc. Và cũng hiểu vì sao tác giả bày tỏ: “Chợ là sự lựa chọn để từ cái-một có thể hiểu được cái-toàn-thể. Chợ như thế, lại cưu mang tôi một lần nữa trong đời, lần này là hiểu-biết-tôi”.
Không gì quan trọng và quý giá hơn cái “hiểu biết bản tôi”, nhất là trong cuộc hội nhập mạnh mẽ và không cưỡng lại được này của thế giới. Hiểu để phát triển, đi tiếp mà bớt đi những đứt gãy, rạn vỡ.
Như tác giả tha thiết bày tỏ: “Những lời thở than, những tâm sự tiếc nuối của nhiều người về các chợ truyền thống từng làm thành diện mạo, là căn cước của một vùng đất bị phá dỡ, xoá sổ cần thiết nên được lắng nghe. Những khu chợ thực sự truyền thống với những kiến trúc cầu, đình chợ còn lại và với cảnh quan độc đáo cần được bảo tồn như một di sản quan trọng”.
Những mong “Sống đời của chợ” sẽ sớm có phần tiếp theo để nối dài hơn những nghiên cứu giá trị và cảm thức văn hóa Việt từ góc nhìn về chợ.