Độc đáo trò chơi dân gian Tết trong cung đình Huế

Từng là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), Cố đô Huế không những có Quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới mà còn là nơi lưu giữ nhiều nghi thức, lễ nghi, trò chơi cung đình độc đáo. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán của dân tộc, các trò chơi dân gian triều Nguyễn lại được tái hiện tại các điểm di tích Huế để phục vụ du khách đến tham quan.

Ngày đầu Xuân, trong tiết trời nắng ấm của xứ Huế, đông đảo du khách trong và ngoài nước đi vào cổng Ngọ Môn để bắt đầu chuyến tham quan Đại Nội Huế. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi 2 bên đường dẫn lối vào điện Thái Hòa và các di tích được bố trí nhiều chậu cây tiểu cảnh, hoàng mai khoe sắc hoa rực rỡ.

Biểu diễn múa lân chào mừng năm mới bên trong Đại Nội Huế.

Trong tiếng trống rộn ràng cùng với màn múa lân “Cung chúc tân Xuân”, du khách được trải nghiệm các nghi thức và trò chơi dân gian cung đình do Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế tổ chức. Đặc biệt, nhiều trò chơi trong cung đình triều Nguyễn vào ngày Tết như bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ, đối thơ… diễn ra ngay tại sân điện Thái Hòa đã thu hút rất đông du khách tham gia.

Cùng gia đình vào Đại Nội Huế tham quan và chơi các trò chơi cung đình trong ngày đầu năm mới, anh Nguyễn Văn Hồng (ở TP Hồ Chí Minh) chia sẻ niềm vui: “Dịp Tết năm nay, chúng tôi chọn Cố đô Huế làm điểm đến và thật bất ngờ khi bên trong Hoàng cung tổ chức nhiều trò chơi dân gian cung đình ngày xưa khiến các con chúng tôi và nhiều du khách khác rất thích thú. Đây là những trải nghiệm thú vị và khó quên trong dịp đầu Xuân”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Huế, đổ xăm hường là trò chơi gieo con xúc xắc để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ ghi học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa. Muốn chiến thắng, người chơi phải gieo xúc xắc để giành đủ các thẻ bài với học vị Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn và Trạng nguyên. Không chỉ là trò chơi vào ngày Tết, đổ xăm hường còn là hình thức để người chơi thử vận may trong năm mới.

Theo quan niệm, nếu đầu năm đổ xăm hường được 6 mặt nhất “lục phú” thì năm đó sẽ gặp may mắn. Còn với trò chơi dân gian bài vụ thì chiếc vụ có hình bát giác ứng với 8 con vật. Người chơi đặt cược theo con vật yêu thích, nếu chiếc vụ dừng lại và con vật nào nằm mặt trên thì sẽ chiến thắng. Các trò chơi này ban đầu từ cung đình triều Nguyễn nhưng sau đó đã được truyền ra dân gian và trở thành thú vui tiêu khiển trong Tết xưa của người dân Cố đô.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tái hiện trò chơi đổ xăm hường phục vụ du khách vào dịp Tết Nguyên đán.

Một trò chơi khác thường được các vua chúa triều Nguyễn chơi vào ngày đầu năm mới là đầu hồ. Bộ đồ chơi đầu hồ gồm 12 chiếc thẻ tượng trưng cho 12 tháng trong năm, được vót từ một loại gỗ chắc, dẻo, mỗi thẻ dài khoảng 68cm, một đầu tiện tròn, một đầu phẳng. Vật không thể thiếu của trò chơi là miếng gỗ rộng 20cm, dày 4cm và chiếc bình hình quả bầu không đáy đặt trên đế căng mặt trống. Du khách đứng cách xa chiếc bình khoảng 2,5m dùng tay ném thẻ xuống miếng gỗ trước mặt để thẻ bật ngược lên không trung và rơi vào vào miệng bình. Thẻ rơi trúng bình gõ vào trống nhỏ đặt dưới đế phát ra tiếng “binh! binh!” báo hiệu chiến thắng. Sau khi được hướng dẫn cách chơi đầu hồ, nhiều du khách thích thú khi được tham gia trò chơi này.

“Tương truyền vào thời nhà Nguyễn, cứ sau những buổi yến tiệc trong dịp Tết, vua và các quan thường chơi trò này. Đây là trò chơi rất khó, người nào ném được nhiều thẻ vào bình sẽ thắng cuộc và người thua phải dâng rượu cho người thắng. Vua Tự Đức thường tổ chức trò chơi đầu hồ để nhắc các quan về sự trung thành, đức khiêm tốn, tính cương trực và lòng yêu nước. Tuy nhiên về sau, trò chơi này dần bị mai một. Hiện Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế vẫn đang lưu giữ nhiều cổ vật ghi dấu những trò chơi ngày Tết của các vị vua Nguyễn và đơn vị đã tái hiện được trò chơi này vào đầu Xuân để phục vụ du khách”, lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố Đô Huế cho biết thêm.

Du khách nước ngoài hào hứng với trò chơi đầu hồ.

Ngoài các trò chơi, mỗi dịp Tết Nguyên đán, các vua triều Nguyễn còn tổ chức “Họa ngự thi”. Nhà vua thường chọn 4 quan văn cùng chơi và đến gần giao thừa, các quan phải đứng đợi trước nhà mình bên cạnh hương án, trầm hương nghi ngút với hai lính hầu hai bên. Khi nghe có tiếng ngựa hí, lục lạc kêu của kỵ mã do vua phái tới, họ lập tức mặc áo mão để tiếp lệnh vua. Kỵ mã dâng tráp cho quan, trong đó có bài ngự thi là thơ của vua. Quan nhận thơ của vua xong phải ngay lập tức vào vẽ lại bằng giấy hoa tiên. Sau đó, viên kỵ mã tiếp tục đi giao cho 3 quan còn lại. Giao thơ cho quan cuối cùng xong, kỵ mã quay lại nhận bài họa của quan đầu tiên và cứ thế cho tới khi nhận hết 4 bức của 4 quan. Thời điểm này, vua sẽ đợi trong cung để nhận 4 bài thi, tự mình kiểm duyệt. Tới ngày đầu năm mới, đích thân nhà vua làm giám khảo chọn ra bài phụng họa hay nhất để ban thưởng.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế bày tỏ, Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất trong năm nên ngoài các trò chơi kể trên, triều Nguyễn còn tổ chức các lễ hội không kém phần long trọng với những đặc trưng riêng. Trong đó phải kể đến lễ ban sóc vào đầu tháng Chạp để phân phát lịch của nhà vua cho văn võ bá quan và hoàng thân quốc thích trong triều. Sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ ban sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào hoàng cung để cho hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, lần đầu tiên lễ ban sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân và để khác với các nghi tiết đại triều được tổ chức ở điện Thái Hòa. Tiếp đó, triều đình nhà Nguyễn tiến hành lễ Phất thức để lau chùi, dọn dẹp các ấn ngọc, ấn vàng, kim sách trong điện Cần Chánh. Đến gần ngày Tết, Khâm Thiên Giám chọn giờ lành để Bộ Lễ dựng cây nêu. Vào thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản. Ngoài phướn đỏ, trên ngọn nêu còn treo ấn tín, đoản kiếm, bút lông biểu trưng cho việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi khi Tết đến. Đến nay, nhiều họ tộc, làng quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng vào những ngày giáp Tết.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế khẳng định, việc phục dựng và tái hiện lại các nghi lễ và trò chơi cung đình trong dịp Tết nhằm giữ gìn nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Đồng thời, tạo không khí vui xuân đón Tết tại các điểm di tích Huế để phục vụ nhân dân địa phương và du khách khi đến tham quan, du xuân.