Độc đáo những món bánh truyền thống ngày Tết 3 miền
Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân sang các gia đình Nam Bộ lại háo hức chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ, lá chuối, dây lạt… để quây quần bên nhau làm bánh tét. Hình ảnh những đòn bánh tét đã trở thành “linh hồn Tết” của người dân nơi đây.
Nếu bánh chưng có nguồn gốc từ đời vua Hùng thứ 16 theo “Sự tích bánh chưng bánh dày”, thì bánh tét của người miền nam lại gợi nhớ về vị vua tài ba Quang Trung. Ban đầu, món bánh này được vua ra lệnh gói vào dịp Tết và đặt tên là bánh Tết. Tuy nhiên, qua bao năm, được đọc lái thành bánh tét như ngày nay.
Nguyên liệu chủ yếu làm nên 1 chiếc bánh tét cũng giống như bánh chưng của miền bắc, đó là gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ. Song, bánh tét có 2 điểm khác biệt so với bánh chưng, đó là được gói bằng lá chuối và có hình dáng tròn dài.
Để có được chiếc bánh tét thơm ngon, cần thực hiện thật tỉ mỉ, nắn nót từ những khâu chuẩn bị nguyên liệu như gạo nếp phải là loại mới, thơm, ngon; đỗ xanh đã đãi vỏ, đem nấu chín; dừa khô nạo lấy nước cốt dừa; lá dứa xay, lọc lấy nước trộn vào gạo cho ngấm để tạo màu xanh mát; thịt ba chỉ thái theo độ dài của bánh, ướp gia vị để làm nhân.
Luộc bánh tét cũng tương tự như luộc bánh chưng từ cách xếp bánh vào nồi, thời gian luộc tới việc ngồi canh lửa liên tục để bánh chín đều, không bị sống hay nhão. Thời điểm luộc bánh luôn là khoảng thời gian được mong chờ nhất, cả gia đình cùng quây quần bên nhau, những đứa trẻ cũng háo hức thức canh nồi bánh, trò chuyện cùng ông bà, cha mẹ với vô vàn những câu hỏi về Tết cổ truyền. Cứ thế, tình yêu thương hòa cùng hơi ấm của bếp lửa lan tỏa từng căn bếp, nếp nhà. Năm này qua năm khác, những đứa trẻ Việt lớn lên như thế.
Bánh Tét sau khi luộc xong, để nguội, cắt thành từng khoanh tròn đẹp mắt dâng lên cúng tổ tiên và cũng là món ăn không thể trong mâm cơm mừng năm mới của người Nam Bộ.
Ngày nay, bánh tét cũng được làm và ăn quanh năm, nhưng chiếc bánh tét ngày Tết mới thật ý nghĩa. Mỗi dịp Tết, những người mẹ Nam Bộ gói bánh tét đong đầy yêu thương mong chờ con về sum vầy và những đứa con xa quê thấy bánh tét là thấy bóng dáng người mẹ hiền thân thuộc, thôi thúc họ gác lại công việc bộn bề để lên đường trở về nhà, nơi có mẹ đang chờ.