Độc đáo nghệ thuật bonsai
Từ những gốc cây xù xì, thô ráp với những tán lá hoang dại, nhưng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật bonsai độc đáo, tuyệt đẹp.
Tuổi cây – tuổi nghề
Đến thăm khu vườn cây cảnh của nghệ nhân Nguyễn Đình Huấn – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang vào một ngày cuối năm, chúng tôi như lạc vào một thế giới thiên nhiên thu nhỏ, xanh mát và đậm nét hoài cổ với những gốc cây me, linh sam… to, nhỏ xù xì mang dáng hình cổ thụ gần trăm năm tuổi. Trải qua bao năm tháng, mỗi cây là mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện riêng thú vị mà nghệ nhân Huấn đều nhớ rất rõ và hào hứng chia sẻ. Đó có thể là những gốc me, linh sam… mọc hoang dại trên những con đường mòn nơi thôn dã, hay uốn mình len lỏi dưới những tảng đá, cheo leo trên vách núi từ các vùng miền khác nhau, rồi như một cơ duyên được ông mang về chăm tỉa khi mới chỉ là cây phôi bé xíu, để từ đó đi cùng với ông qua bao năm tháng cuộc đời.
Gốc me gần trăm tuổi được ông Huấn mang về chăm sóc, uốn nắn từ khi là cây phôi.
“Gia đình tôi, thời ông nội, ông cố vốn là “thầy đồ nghèo”, sống theo đạo giáo Lão tử, Khổng tử, có thú vui tao nhã về cây cảnh, giả sơn non bộ. Từ nhỏ, tôi đã được nhìn thấy những khu vườn xanh mát, êm đềm, góc non bộ độc đáo như vậy nên hình ảnh đó đã in đậm trong tâm trí. Khi lớn lên, có điều kiện đi đây đó, thấy cảnh đẹp núi non gấm vóc, tôi lại bị hấp dẫn và theo đuổi nghề cây cảnh, bonsai như là một cách để ghi lại hình ảnh non sông hùng vĩ đó trong tác phẩm thiên nhiên của mình”, ông Huấn tâm sự. Bộ sưu tập của ông được hình thành cũng từ những ngày đó và đến nay, qua hàng chục năm, ông cũng không thể nhớ được mình đã vun trồng, cắt tỉa bao nhiêu cây cảnh, gốc bonsai…
Tuy tuổi đời còn rất trẻ, Hồng Ly cũng khẳng định được tên tuổi của mình trong giới sinh vật cảnh tại Khánh Hòa. Anh bắt đầu tìm kiếm, sưu tầm cây cảnh và học hỏi kỹ thuật trồng bonsai từ lúc 16 tuổi. Anh cho biết, hiện nay, khu vườn Út Kiểng của anh trên đường Phan Bội Châu, TP. Nha Trang có khoảng 500 gốc bonsai, có cây anh tự tìm, có cây anh mua lại từ bạn bè khắp nơi trong và ngoài tỉnh rồi mang về chăm sóc, tạo, thay đổi dáng thế theo ý mình. Nhiều loại cây rừng như: cam ngọc, xương cá… có tuổi từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi, hiện cây cổ nhất là linh sam, ước tính khoảng 300 tuổi.
Mỗi tác phẩm bonsai đều mang đậm dấu ấn thời gian, công sức cũng như triết lý sống, tâm tư, tình cảm mà nghệ nhân muốn gửi gắm trên từng nhánh cây, tán lá… Đa số bonsai có nguồn gốc là cây rừng, vốn quen với thời tiết khắt nhiệt, mưa bão nên sức sống rất mãnh liệt, điều này cũng thể hiện triết lý sống về sự vươn lên trong nghịch cảnh khó khăn. Ông Huấn cho biết, đối với bonsai, không có gì quý giá bằng bàn tay của tạo hóa, thiên nhiên. Khu vườn của ông chủ yếu gồm những cây ở khu vực miền Trung, chịu tác động của thổ nhưỡng, khí hậu ven biển nên mang những nét đặc trưng độc đáo riêng. Dưới điều kiện sống khắc nghiệt, gió bão, đất đai khô cằn, có cây vẫn cố chống chọi, cố vươn lên giành lấy sự sống, trở thành những cây “quái”, theo cách gọi của giới bonsai. Quái tức là “kỳ quái”, dáng thế độc lạ do thiên nhiên tạo ra, vượt qua luật thuần túy của bonsai. Với những cây này, các nghệ nhân chỉ cần biết cách cắt tỉa đôi chút thì trở thành một kiệt tác, mang thông điệp về sức sống mãnh liệt: Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận lợi, dù có trở ngại, thử thách, cũng phải học cách tự đứng dậy và vượt qua…
Nỗi niềm và đam mê
Hiện nay, tại Khánh Hòa, số lượng nghệ nhân sinh vật cảnh khá nhiều, tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa… “Đến với nghệ thuật sinh vật cảnh, đòi hỏi trước hết phải có lòng đam mê. Tiếp đến, việc nhân giống, trồng, chăm sóc cây có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào bàn tay, kỹ thuật, óc thẩm mỹ, sáng tạo. Ngoài việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu từ các nguồn khác nhau, việc quan sát, khám phá trong thực tế, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nghề dạy nghề. Thất bại và thành công luôn song hành, đòi hỏi phải có sự kiên trì, tỉ mỉ của người thợ”, ông Huấn chia sẻ.
Anh Ly cắt tỉa gốc linh sam 300 tuổi.
Theo các nghệ nhân bonsai, quan niệm “nhất dáng nhì da” được áp dụng trong kỹ thuật chăm sóc cây cảnh. Chính vì thế, kỹ thuật chăm sóc bonsai quan trọng nhất là phải biết hoạch định trong tương lai, cây sẽ có dáng thế như thế nào để từ đó có kỹ thuật chăm sóc, uốn nắn cho phù hợp. Cây đẹp là cây phải cân đối, thuôn đều từ gốc lên ngọn, thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trời đất, âm dương… Bonsai có nhiều thế như: trực, hơi nghiêng, thác đổ… Tuy nhiên, dù bất cứ dáng thế nào, nhìn tổng thể của bộ lá, tán lá đều có hình khối tam giác. Tam giác càng lệch bao nhiêu thì càng mang tính nghệ thuật cao bấy nhiêu.
Đến với nghệ thuật cây cảnh, ngoài thỏa mãn niềm đam mê cá nhân, các nghệ nhân cũng góp phần làm đẹp cho phố phường, đặc biệt là tham gia triển lãm sinh vật cảnh tại các kỳ Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa và hội hoa xuân. Bên cạnh các thành viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân yêu cây cảnh khác cũng tích cực tham gia chăm sóc, trưng bày cây hoa cảnh trong các sự kiện lễ, Tết trong tỉnh, thêm sắc màu đa dạng phong phú cho các mùa lễ hội ở địa phương. Theo các nghệ nhân, đánh giá bonsai cũng tương tự như đồ cổ, trước hết dựa vào tiêu chí thời gian, với ngụ ý là dù cho phong ba bão táp, đất đai khô cằn, khí hậu khắt nghiệt đến mấy thì “cây vẫn sống, lá vẫn xanh và chồi vẫn mọc”. Tiếp đến là kỹ thuật cắt tỉa tạo dáng. Giống cây dù có quý đến mấy, nhưng ta không biết cắt tỉa, dạo dáng, lựa chọn chậu phù hợp theo tỷ lệ hình dáng, kích thước thì sẽ không thể làm tôn thêm vẻ đẹp của cây, không thể trở thành một tác phẩm đẹp, quý.
Được hỏi cây bonsai tại Khánh Hòa hiện nay giá bao nhiêu là cao nhất, ông Huấn cho biết, giá bonsai không có mức cụ thể, có thể từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đối với những người am hiểu về bonsai và có điều kiện kinh tế, nếu đã thích thì “giá nào cũng ưng” và ngược lại. Đến với nghệ thuật bonsai, phải hiểu đây là thú vui còn kiếm thu nhập chỉ là chuyện… phụ (!), bởi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật bonsai, không phải ai cũng nhận ra và hiểu hết giá trị của nó. “Mỗi tháng, tôi bán được khoảng 1 – 2 cây bonsai nhưng cũng có khi cả tháng, không bán được cây nào. Thu nhập của tôi chủ yếu từ việc nhận chăm sóc cây cảnh cho cơ quan, khách sạn, khu du lịch…”, anh Ly thổ lộ.
Chính vì thế, các nghệ nhân xác định đặc thù của nghề này trước hết là được thỏa mãn niềm đam mê với thú vui tao nhã và góp phần làm đẹp cho đời, mang niềm vui đến cho mọi người. “Chúng tôi đều có chung mong muốn là phong trào cây cảnh trong tỉnh phát triển hơn nữa, ngày càng có nhiều người hiểu và đam mê nghệ thuật cây cảnh, góp phần tô điểm thêm cho những ngôi nhà, góc phố, mang lại không gian sống đẹp xinh, tươi mát, trong lành, thư thái”, ông Huấn bày tỏ.
Như Thảo