Độc đáo lớp học Lịch sử tại trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
Học Lịch sử không chỉ là đọc – chép
Cứ đến sáng thứ bảy, không khí nhà Tiền đường (Văn Miếu – Quốc Tử Giám) lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Tại đây có một lớp học mang tên “Bút nghiên dư ảnh” gồm 24 học sinh. Tham gia lớp học với trang phục áo dài tứ thân truyền thống, các em từ 11 đến 13 tuổi sẽ được thảo luận về nhiều kiến thức lịch sử.
Lớp học “Bút nghiên dư ảnh” nằm trong dự án Không gian văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Theo lý giải của đội ngũ sáng lập, “bút nghiên” tượng trưng cho bút lông và nghiên mực; còn “dư ảnh” được hiểu là việc tái hiện những hình ảnh của quá khứ. Trong 5 tuần tham gia vào lớp học, các em sẽ lần lượt được tìm hiểu về lịch sử đạo học Việt Nam thời kỳ trung đại, thông qua phương pháp giáo dục khai phóng.
Học khoá “Bút nghiên dư ảnh”, các em không cảm thấy áp lực với việc học Lịch sử
“Học lịch sử ở đây thì có thêm hoạt động thực tế, thay vì chỉ ngồi và trả lời câu hỏi khi học ở trường.”, đó là những ấn tượng của em Nguyễn Hồ Thiện Quang, học sinh trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ) về lớp học đặc biệt này.
Xưa kia, Quốc Tử Giám là nơi dạy chữ Nho, dạy người học về nhân nghĩa, đào tạo hiền tài, phụng sự việc kinh bang tế thế, dựng nước giúp đời. Dẫu không còn là trường học đúng nghĩa như xưa nhưng với nỗ lực của những người thực hiện dự án, lớp học đã tái hiện phần nào không khí của một nền lịch sử văn hiến rạng rỡ.
“Bởi vì tìm hiểu về đạo học thời Trung đại, cho nên mình sẽ phải trích dẫn tài liệu, phải nghiên cứu một số thư tịch cổ. Khi soạn bài, mình cũng cố gắng chắt lọc những ý phù hợp với mức độ nhận thức của các con, thiết kế những hoạt động mang tính trải nghiệm nhiều hơn, không gò ép để các con thoải mái.”, thầy giáo trẻ Trần Quang Minh chia sẻ về quá trình dạy học.
Cũng theo thầy Minh, để thu hút được các em nhỏ hứng thú với những kiến thức Lịch sử có phần khô cứng, đội ngũ những người giảng dạy phải biên soạn bài giảng theo trình tự dễ hiểu, lọc ra những ý cốt yếu, sau đó tìm những cách diễn đạt cùng các hoạt động đi kèm.
Thầy giáo Trần Quang Minh trong một buổi lên lớp
Sau buổi học, em Nguyễn Huy Bình, học sinh trường Tiểu học Long Biên (quận Long Biên) vẫn tràn đầy hứng khởi cho biết: “Em rất thích học môn Lịch sử. Đến đây, em có thể ôn lại những kiến thức đã học.”
Tái hiện lại không khí học tập, thi cử thời kỳ phong kiến, thông qua những hình ảnh, từ chiếc bút lông đến nghiên mực; câu chuyện về tình thầy trò, đạo làm người của thế hệ trước, các em học sinh ngày càng thêm yêu lịch sử, yêu những nét đẹp văn hóa của dân tộc.
“Em đã hiểu thêm về truyền thống đạo học của người Việt thời xưa; đạo làm người để sống và ứng xử cho đúng thuần phong mỹ tục. Ngay cả động tác cúi chào thầy trước khi vào lớp học cũng chứa đựng nhiều thông điệp, giá trị nhân văn”, Hoàng Hà My, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) chia sẻ sau buổi học thứ 3.
Không chỉ cuốn hút con trẻ, lớp học cũng đem đến cho các bậc phụ huynh cái nhìn tích cực hơn với việc học Lịch sử. “Mình rất hào hứng để con tham gia. Đây là một lớp học rất lạ nhưng rất hay, để con có thể tiếp cận văn hóa lịch sử một cách nhân văn mà rất thú vị.”, chị Nguyễn Thị Hồng Châm (quận Tây Hồ) cho biết.
Học Lịch sử để tạo ra “căn cước văn hóa” của mình
“Đối với khóa học “Bút nghiên dư ảnh”, khóa học tập trung vào nhóm trẻ từ 11 đến 13 tuổi, đây là độ tuổi các con tiến vào quá trình hình thành cá tính của mình, tiếp xúc với đời sống xã hội và có thể tạo ra căn cước văn hóa của mình.”, đó là chia sẻ của bà Hoàng Đoan Trang, đồng Chủ nhiệm Dự án Không gian văn hóa Quốc Tử Giám.
Nhiều kiến thức lý thú được các em nhỏ hào hứng tiếp nhận
Nếu như trước đây các lớp học lịch sử tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám tập trung vào việc giúp học sinh trải nghiệm di sản, tìm hiểu lịch sử về các mảng kiến trúc, sự kiện, hiện tại, lớp học “Bút nghiên dư ảnh” chú trọng vào nội dung lịch sử xoay quanh câu chuyện khoa cử thời xưa, đạo thầy trò, đạo làm người, lịch sử phát triển của chữ viết…
Đánh giá về “Bút nghiên dư ảnh”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Những lớp học như này sẽ tạo nên một hình thức học Lịch sử mới mẻ, hấp dẫn, sáng tạo. Việc tham gia lớp học sẽ nuôi dưỡng tình yêu văn hóa, lịch sử cho các em nhỏ; từ đó vững bước trên con đường hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được hồn của dân tộc Việt Nam trước tình hình đầy biến động hiện nay.”.
Các hoạt động trực quan, tái hiện những nếp sinh hoạt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa – trường Đại học đầu tiên của nước ta, chính là điểm mới lạ của lớp học trong việc truyền tải những kiến thức lịch sử, văn hóa cho các bạn nhỏ. Điều này cũng giúp các em có thêm nguồn cảm hứng cho việc học tập của chính mình trước khi bước vào năm học mới.