Độc đáo Tết sớm của người Mông ở Hà Giang

Phong Quang

  –  

Thứ bảy, 29/01/2022 09:00 (GMT+7)

Hà Giang – Người Mông ở Hà Giang ngày nay đã đón Tết cổ truyền Nguyên Đán giống như các dân tộc khác, tuy vậy, tại một số nơi đồng bào Mông vẫn duy trì phong tục đón Tết sớm trước 1 tháng so với Tết cổ truyền như một nét văn hoá rất đặc trưng.

Độc đáo Tết sớm của người Mông ở Hà Giang
Đón Tết sớm vốn là một phong tục truyền thống xa xưa của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: H.T

Bắt đầu từ 27 tháng 11 âm lịch, ông Thào Chìa Dính (xã Phố Cáo, Đồng Văn) đã dừng mọi công việc thường ngày để chuẩn bị cho Tết sớm. Những công cụ sản xuất hàng ngày như con dao, chiếc cuốc được rửa sạch và dán giấy niêm phong, nghĩa là mặc áo mới, rồi đặt ở một vị trí cao ráo để “nghỉ ngơi” chuẩn bị đón Tết cùng gia chủ.

Đúng theo các nghi thức truyền thống, ông Dính dùng một chiếc chổi mới quét sạch màng nhện trong nhà, trên tường với quan niệm xua đi tà ma, vía dữ. Người Mông không có ban thờ mà họ chỉ dán tờ giấy đỏ lên vị trí trung tâm và trang trọng nhất trên tường nhà để thực hiện các nghi lễ tâm linh.

Ông Thào Mí Dính (xã Phố CáoMỗi năm ông Thào Mí Dính sẽ thay những tờ giấy hoặc vải đỏ được dán lên tường, cửa nhà một lần và đây là nghi thức không thể thiếu để đón Tết sớm.

Ông Dính cho biết, ngày cuối cùng của tháng 11 được coi như ngày 30 Tết và ngày đó sẽ tổ chức cúng ma ở trong gia đình như một nghi lễ không thể thiếu. Đã cúng ma thì phải mổ gà, có rượu trắng và cơm nếp, sau lễ cúng chủ nhà sẽ bỏ tờ giấy đỏ trên tường nhà đi để dán tờ mới vào.

Nhìn về phía tường được dán giấy đỏ trong nhà ông Dính bảo: “Lễ cúng cuối năm quan trọng lắm, phải cúng xin thần linh thổ địa rồi mới được thay giấy. Phong tục này lâu lắm rồi, không biết có từ lúc nào đâu, từ ngày bé đã thấy bố mình làm thế, giờ mình là chủ nhà thì phải làm”.

Mâm cỗ ngày Tết của người Mông nhất thiết phải có bánh dày để cúng tổ tiên, trời đất vì họ quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, nguồn gốc sinh ra con người, vạn vật. Thức ăn chính trong mấy ngày tết vẫn là thịt lợn, bánh ngô, bánh dày và rượu ngô.

Khi những nghi thức cúng tổ tiên đã hoàn tất thì sẽ là thời điểm người Mông đi chợ chơi, đi thăm anh em gặp gỡ bạn bè. Cánh đàn ông thì ngồi uống rượu chuyện trò, phụ nữ thì chuẩn bị những bộ quần áo mới đã được thêu dệt kỹ lưỡng từ trong năm để mặc chơi Tết.

Năm nay đi chơi Tết nhưng bà con người Mông vẫn bảo nhau phải nghiêm túc phòng dịch COVID-19.Năm nay đi chơi Tết nhưng bà con người Mông vẫn bảo nhau phải nghiêm túc phòng dịch COVID-19. 

Tết sớm cũng là dịp để người Mông tổ chức các trò chơi truyền thống như chơi quay, đánh yến, múa khèn, hát đối…khắp các bản làng trở nên rộn ràng, náo nhiệt trong những ngày đầu xuân đón Tết. Đây cũng là dịp để vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả.

Chị Thào Thị Nái ở xã Phố Cáo hồ hởi: “Bắt đầu từ mùng 1 thì đi chơi, đàn ông thì đá bóng, đàn bà đánh còn, theo phong tục của người Mông thì là như thế. Các bà già không đi đâu ở nhà sưởi lửa ấm thôi, ai cũng mong đến Tết để được gặp gỡ nhau”

Còn anh Vương Mí Vừ ở xã Sủng Trái (Đồng Văn) thì chỉ thích thổi khèn, cây khèn như một biểu tượng cho sự gắn kết và tình yêu đôi lứa của người Mông. Có lẽ vì vậy mà người Mông rất coi trọng cây khèn, nó luôn theo các chàng trai khi lên nương cho đến những phiên chợ, lễ hội ngày Tết.

Múa khèn đã là một nét rất đặc trưng của các chàng trai, cô gái người Mông mỗi dịp Tết đến. Ảnh: T.LMúa khèn đã là một nét rất đặc trưng của các chàng trai, cô gái người Mông mỗi dịp Tết đến. Ảnh: T.L

Vừa biểu diễn xong một điệu khèn, anh Vừ cho biết: “Từ thời ông cha để lại rồi, cây khèn đi đến đâu thì người Mông phải đi đến đó. Ngày lễ tết người ta thổi khèn để là tỏ tình, thổi cho vui cửa vui nhà thôi. Tiếng khèn còn có ý nghĩa là để mở đường tiến cho người đã khuất ở dưới suối vàng yên tâm mà đi”.

Ngày nay đời sống của người Mông ở Hà Giang dần được nâng lên cùng với sự thay đổi về nhận thức, nhiều hủ tục lạc hậu đã được bài trừ. Tục đón Tết sớm của người Mông tuy không còn phổ biến nhưng với nhiều gia đình người Mông đây vẫn như một phong tục đẹp được gìn giữ và duy trì qua các thế hệ.