Đọc “Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI”

PGS-TS BÙI QUANG THANH

  –  

Thứ bảy, 01/08/2015 07:31 (GMT+7)

Cho đến nay, việc thể hiện sự trân trọng, yêu quý Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều đã trở thành hoạt động mang tính văn hóa và được coi như một nếp sống tri thức đẹp, không chỉ với người Việt Nam trong nước mà còn hiện diện ở đông đảo bạn bè quốc tế. Di cảo của Nguyễn Du đã được lan tỏa qua hàng loạt bản dịch, đến tay bạn đọc khắp các châu lục.

Đọc “Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI”

Cũng từ đó, hàng nghìn ấn phẩm, công trình, bài báo quan tâm nghiên cứu, quảng bá về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã ra đời. Nhân loại biết đến Nguyễn Du như một biểu tượng chói sáng của nền văn học cổ điển Việt Nam, một thi nhân vĩ đại sánh ngang hàng với các tượng đài văn chương bất tử của nhân loại, được UNESCO đưa vào danh sách các danh nhân thế giới được các nước thành viên kỷ niệm trong hai năm 2014 – 2015.

 Tuy nhiên, với dung lượng đồ sộ của các công trình, bài báo đã công bố liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du trên hàng chục tạp chí khoa học, hàng trăm tờ báo ở Trung ương và các tỉnh – thành, việc đón nhận, tìm đọc và nhận thức vốn tri thức trong đó một cách đầy đủ, với từng cá nhân là bất khả. Và đương nhiên, do vậy, vốn hiểu biết của con người đương đại về một thi hào dân tộc tất có phần hao hụt, khiếm khuyết hoặc không tránh khỏi những nhận thức so lệch hoặc sai lệch đáng tiếc. 

Đấy là chưa kể, trong ý thức tự hào về các giá trị văn hóa của dân tộc trong lòng mỗi người vốn được kết tinh từ những tinh hoa văn hóa dân tộc tất sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến các chuẩn mực nhân văn của xã hội hiện tại. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đã và đang đặt ra, việc có những bộ sách sưu tầm, biên soạn một cách có hệ thống các công trình nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều nói riêng, về các tác giả, tác phẩm văn chương xuất sắc của Việt Nam và thế giới nói chung là một hoạt động lao động văn hóa cần thiết, xứng đáng được ghi nhận.

1. Ấn phẩm đồ sộ đầu tiên nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều được đông đảo bạn đọc tiếp nhận và tri ân là Hai trăm năm nghiên cứu – bàn luận Truyện Kiều (Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn. NXB Giáo dục, H., 2005, 2000 trang). Với 208 bài viết, tiểu luận khoa học viết về Truyện Kiều trong khoảng gần 200 năm, bộ sách đã cung cấp cái nhìn tổng thể và có hệ thống từ các nguồn tư liệu, các phương pháp tiếp cận và đánh giá của 158 tác giả thuộc nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu đối với Truyện Kiều. Tiếp nối bộ sách sưu tầm và biên soạn đại thành này, soạn giả Nguyễn Xuân Lam kết hợp với nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít và các cộng sự lại kỳ công cho ra đời bộ sách Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế 

kỷ XXI.

 

Đón nhận bộ sách sưu tầm và tuyển chọn Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI, chắc chắn bạn đọc đều có chung cảm nhận đặc biệt về sự hiện diện một hàm lượng tình cảm và trí tuệ mới của người Việt Nam nói chung và các thế hệ học giả nói riêng với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Chỉ mới bước vào thế kỷ XXI được gần 7 năm, chúng ta đã có thể lựa chọn được 124 tiểu luận, công trình khoa học của 97 tác giả thuộc nhiều thế hệ mà đa phần là giới nghiên cứu trung niên và trẻ tuổi, đang vươn tới độ chín của sự nghiệp nghiên cứu khoa học. 

Truy tầm một cách công phu và lựa chọn, biên soạn một cách nghiêm túc, cẩn trọng nguồn tư liệu phong phú các bài viết từ các tạp chí chuyên ngành, các báo chí xuất bản ở Trung ương và địa phương bên cạnh việc tiếp nhận khối lượng tham luận khoa học lớn từ Hội thảo nhân kỷ niệm 240 năm sinh Nguyễn Du do Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức năm 2005 tại Hà Nội, các soạn giả đã xây dựng được một bố cục các nhóm công trình theo 7 phần thông thoáng, logic và chặt chẽ: Quê hương, dòng họ, gia đình và cuộc đời đại thi hào Nguyễn Du – Các vấn đề văn bản “Truyện Kiều” – Bàn về phương pháp nghiên cứu “Truyện Kiều” – Bàn về nội dung “Truyện Kiều” – Bàn về nghệ thuật “Truyện Kiều” – Trao đổi và tranh luận – “Truyện Kiều”: Tiếp nhận và giao lưu quốc tế… 

Có thể nói, trong kho tàng văn chương Việt Nam, chưa có tác phẩm nào như Truyện Kiều, dù đã được nghiên cứu kỳ công qua gần hai thế kỷ với hàng trăm học giả nhiều thế hệ, lại vẫn được hàng chục tác giả nghiên cứu tiếp nối những năm đầu thế kỷ XXI mà vẫn có những phát hiện, đánh giá khoa học mới mẻ, thú vị, đóng góp cho tri thức tiếp nhận tác phẩm ngày một sâu rộng và đáp ứng được yêu cầu tiếp cận hiện đại của khoa lý luận văn học đương đại và nhu cầu thưởng thức của quảng đại bạn đọc nói chung. Hàng loạt các phương pháp nghiên cứu hiện đại đã được giới nghiên cứu áp dụng từ những năm cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI. Người đọc thú vị và hấp dẫn cũng như bị thuyết phục bởi các phương pháp nghiên cứu văn bản học mới của những Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Hữu Sơn; phương pháp nghiên cứu thi pháp học của những Trần Đình Sử, Phạm Đan Quế, Lê Xuân Lít, Mai Quốc Liên, Trịnh Bá Đĩnh; phương pháp nghiên cứu văn hóa học của Lê Nguyên Cẩn; phương pháp nghiên cứu nhân học văn hóa của Trần Nho Thìn; và các phương pháp nghiên cứu khoa học khác đã được kế thừa và nâng cao như phương pháp nghiên cứu địa văn hóa, sinh thái học văn hóa, tâm lý học văn hóa…

2. Đến với Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI, bạn đọc còn được tiếp nhận không ít những khám phá, phát hiện quan trọng của các nhà nghiên cứu mà hàm lượng khoa học từ đó (ở những phạm vi, cấp độ và mức độ khác nhau) có thể tác động không nhỏ đến mạch tư duy truyền thống vốn có đối với Truyện Kiều và ngay cả cách thức nhìn nhận về cuộc đời Nguyễn Du. Chẳng hạn, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã đề xuất một hướng nghiên cứu mới, thông qua chữ kị húy trong Truyện Kiều để tìm hiểu về thời điểm sáng tác của khoảng 900 câu khởi thảo đầu tiên, từ đó đi đến giả thuyết Truyện Kiều được viết trước thời Tây Sơn; Nguyễn Hữu Sơn sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để truy tầm bản Kiều cổ với những phép đối sánh chặt chẽ, thuyết phục, hợp lý; Trần Nho Thìn nhận diện số phận nhân vật Truyện Kiều bằng cách tiếp cận nhân học văn hóa, điều chưa có được trong các công trình nghiên cứu từ thế kỷ trước.

 Giáo sư Trần Đình Sử với sự trải nghiệm của thi pháp học văn học đã đến với Truyện Kiều sâu sắc hơn, lột tả các thủ pháp nghệ thuật và tài năng nghệ thuật Nguyễn Du một cách thuyết phục và sinh động. Nguyễn Khắc Bảo lần tìm theo gia phả học để điền dã và đi đến phát hiện đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long, góp phần lý giải hợp lý cho sự kiện Nguyễn Du có lần định trốn vào nam giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn… Bằng những sản phẩm khoa học đích thực được tập hợp trong công trình sưu tập này, hoàn toàn có căn cứ để nhấn mạnh rằng, chỉ bằng khoảng thời gian ngắn ngủi 5 – 7 năm đầu thế kỷ XXI, giới nghiên cứu Việt Nam đã tạo được một làn sóng mới trong / trên tiến trình nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều, góp phần bổ sung và làm giàu thêm tri thức của người đọc hậu sinh với Truyện Kiều. Một điểm sáng nữa từ bộ sách này là hệ thống các bài viết về quá trình tiếp nhận và giao lưu giữa Truyện Kiều với quốc tế. Những nguồn tư liệu của Từ Thị Loan, Phan Mậu Cảnh và một số học giả nước ngoài như Ahn Kyong Hwan và Ngô Ngọc Ngũ Long đã mở ra một không gian mới, cần thiết được đặt ra và quan tâm nghiên cứu, giới thiệu khi Truyện Kiều cùng di sản văn học Việt Nam đã và đang trên đường hội nhập vào kho tàng văn hóa nhân loại…

Nhìn chung, bộ sách sưu tầm và tuyển chọn Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI là một công trình có giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, giáo dục cao, đáp ứng được nhu cầu của quảng đại bạn đọc trong quá trình học tập, nghiên cứu, giảng dạy, tham khảo nghiên cứu và nhu cầu thỏa mãn tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế có nguyện vọng tìm hiểu di sản văn hóa Việt Nam, trong điều kiện xã hội mới, góp phần hữu ích vào sự nghiệp “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Với 208 bài viết, tiểu luận khoa học viết về Truyện Kiều trong khoảng gần 200 năm, bộ sách đã cung cấp cái nhìn tổng thể và có hệ thống từ các nguồn tư liệu, các phương pháp tiếp cận và đánh giá của 158 tác giả thuộc nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu đối với Truyện Kiều.