Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản năng động, linh hoạt trước hàng loạt biến động
Chủ động chuyển đổi sản xuất
Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam, cùng với cơ hội mở cửa thị trường khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, các hàng rào kỹ thuật cũng được dựng lên. Bên cạnh đó, các thị trường cũng ngày càng trở nên khó tính hơn đối với chất lượng của hàng hóa nhập khẩu. Đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm, xu hướng tiêu dùng cũng ngày càng thay đổi, từ ăn no sang ăn ngon, ăn sạch, tốt cho sức khỏe và tiến tới là tiêu dùng xanh…
Những thay đổi trên đòi hỏi các DN phải có sự thay đổi ngay từ khâu sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Là DN xuất khẩu trái cây đã gặt hái được nhiều thành công tại các thị trường khó tính, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, chìa khóa cho sự thành công này là nhờ Chánh Thu đã đầu tư vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP tại nhiều địa phương, liên kết với nông dân trong sản xuất để có nguyên liệu đạt chuẩn. “Việc sản xuất sạch là bảo vệ chính mình, giúp xây dựng thương hiệu và uy tín cho DN” – bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh.
Nhờ đó, Công ty Chánh Thu đã ghi được nhiều dấu ấn trên bức tranh xuất khẩu trái cây của Việt Nam, từ quả xoài đi Mỹ, quả vải vào thị trường Nhật Bản và sắp tới sẽ còn nhiều loại quả khác được Chánh Thu đưa đến với khách hàng quốc tế. Ngay cả thị trường Trung Quốc, từ nhiều năm trước khi nhiều người vẫn nhìn nhận đây là thị trường dễ tính thì Chánh Thu đã tự đặt tiêu chuẩn cho riêng mình để sản xuất. Chính nhờ đó, khi Trung Quốc có những thay đổi trong chính sách nhập khẩu, Chánh Thu không gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các quy định. Hiện trái cây của Chánh Thu vẫn được xuất khẩu đều đặn sang Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.
Tương tự như Chánh Thu, nhiều DN xuất khẩu lúa gạo cũng đang có những bước chuyển đổi mạnh việc sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau nhiều năm triển khai sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn an toàn, đầu năm nay, 2 DN xuất khẩu lúa gạo hàng đầu của Việt Nam là Lộc Trời và Tân Long đã công bố việc liên kết sản xuất lúa quy mô lớn tại An Giang. Theo đó, các DN sẽ hỗ trợ các hợp tác xã cơ giới hóa đồng bộ các hoạt động mùa vụ, tăng năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế và qua đó tăng sức cạnh tranh của lúa gạo trên thị trường quốc tế.
Mới đây, 2 DN này cũng đã xuất khẩu thành công sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng của mình tới thị trường châu Âu và Nhật Bản, đánh dấu bước tiến mới của lúa gạo Việt Nam trên hành trình chinh phục khách hàng quốc tế.
Linh hoạt trong kinh doanh
Bên cạnh việc chủ động chuyển đổi hoạt động sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, sự linh hoạt trong kinh doanh cũng là một yếu tố giúp các DN trụ vững trước những biến động của thị trường và kịp thời nắm bắt cơ hội. Mới đây, Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu đã xuất khẩu thành công 2 container cà phê nông sản với thương hiệu Meet More sang thị trường EU. Trước đó, cà phê Meet More cũng đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 20-30%/năm – một con số đáng mơ ước của nhiều DN chế biến nông sản xuất khẩu, nhất là khi sản phẩm được gắn thương hiệu riêng của DN.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Nhà sáng lập và Điều hành Meet More Coffee cho biết, khác với cà phê thông thường, cà phê nông sản là kết quả của sự phối trộn khéo léo giữa cà phê và nông sản để phù hợp với gu thưởng thức cà phê của khách hàng châu Âu cũng như các nước trên thế giới. Theo ông Luận, thời điểm công ty đàm phán với đối tác để đưa cà phê Meet More sang EU cũng là lúc châu Âu tắc nghẽn chuỗi cung ứng, một số thức uống ở các nước bị thiếu hụt nên họ muốn thay thế dòng thức uống mới. Nhờ thể hiện đúng bản chất nông sản Việt nên Meet More được đối tác châu Âu đánh giá cao. Tuy vậy, khi đàm phán họ vẫn yêu cầu xuất khẩu bằng hình thức gia công và sản phẩm mang thương hiệu của họ.
“Đó là thói quen của đối tác châu Âu khi đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không tỉnh táo hoặc muốn bán cho được hàng DN dễ dàng chấp nhận, nhưng Meet More quyết tâm giữ vững thương hiệu. Bởi đây là dòng sản phẩm được làm ra từ những nguyên liệu nông sản tốt của Việt Nam và trên thị trường thế giới chưa có nên không bị lẫn với bất cứ sản phẩm khác” – ông Luận cho biết. Sau 6 tháng kiên trì đàm phán đối tác đã đồng ý nhập những đơn hàng đầu tiên, may mắn thời đó điểm đó Hiệp định EVFTA vừa được thông qua nên những đơn hàng sau được hưởng ưu đãi thuế quan. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 20 container 40 feet cà phê Meet More được xuất khẩu sang EU. Đáng chú ý, giá bán cà phê nông sản cao hơn các loại cà phê bình thường từ 10 đến 15%.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra trên toàn cầu khiến cho chi phí logistics tăng vọt lên gấp nhiều lần. Điều này khiến cho các DN xuất khẩu hàng đi Mỹ, EU phải chịu gánh nặng chi phí rất lớn. Trước tình hình đó, nhiều DN đã phải cơ cấu lại các thị trường xuất khẩu để đảm bảo lợi nhuận.
Điển hình như tại Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, trong nhiều năm liền Mỹ là thị trường lớn nhất của DN này với tỷ trọng lên tới 34% trong năm 2021. Tuy nhiên, liên tiếp các vụ kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, lại thêm việc giá cước tăng vọt nên DN này đã quyết định giảm tỷ trọng tại thị trường này. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, kinh doanh tại Mỹ không có lợi nhuận nên sẽ giảm thị phần tại thị trường này và đẩy mạnh bán hàng vào những thị trường có lợi nhuận tốt hơn.
Tương tự, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng đang chuyển hướng vào thị trường gần, phù hợp các thế mạnh của mình. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, doanh số Sao Ta sẽ không tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ đạt mức nhỉnh hơn mức toàn ngành, nhưng chắc chắc tỷ suất lợi nhuận sẽ được cải thiện và lợi nhuận cả năm sẽ luôn đạt mức cao, vượt kế hoạch đề ra. Dĩ nhiên, Sao Ta vẫn duy trì, tranh thủ cơ hội ở thị trường Mỹ và các thị trường khác, tập trung phân khúc sản phẩm chế biến sâu.