Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tuân thủ quy chuẩn chất lượng sản phẩm

leftcenterrightdel

 Xuất khẩu gạo (ảnh minh họa – nguồn: kinhtenongthon.vn)

Thông tin từ Bộ Công thương cho hay, đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội nhận được nhiều ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết thì các hàng rào kỹ thuật lại được dựng lên. Hiện tượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Hiện nay, đã có 22 quốc gia áp dụng phòng vệ thương mại với Việt Nam, với 214 vụ việc.

Hàng rào kỹ thuật của các nước đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam là kiểm tra rất kỹ về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, muốn xuất khẩu được hàng hóa, doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt quan tâm tìm hiểu quy định của thị trường nhập khẩu.

Ví dụ như nông sản muốn vào thị trường Nhật Bản sẽ không chỉ phải trải qua kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc dư lượng thuốc kháng sinh mà còn phải cung cấp các thông tin về kỹ thuật trồng trọt, sử dụng loại phân bón nào, cách thức xử lý sâu bệnh…

Nếu doanh nghiệp lần đầu làm ăn với đối tác Nhật Bản sẽ phải trả lời hàng nghìn câu hỏi bằng tiếng Anh hoặc gửi mẫu 10 – 20 lần để phía nhập khẩu đánh giá. Quy trình này có khi kéo dài 2 – 3 năm.

Đơn cử vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) – một trong 3 sản phẩm được lựa chọn để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản đã phải trải qua 2 năm mới hoàn tất hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật nước bạn.

Hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật Bản phải cung cấp rất nhiều thông tin như: Chủ sở hữu nhãn hiệu; tên sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tại Nhật Bản; danh tiếng của sản phẩm; giống vải, phân loại trái vải; bao gói và bảo quản quả vải; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc; điều tiết sinh trưởng của quả vải; các yếu tố tác động của tự nhiên đến cây trồng; quy trình cung ứng và kiểm soát chất lượng sản phẩm; trọng lượng quả loại đặc biệt (30 – 45 quả/kg); mẫu mã; không có tỷ lệ sâu cuống.

Đối với thị trường Mỹ, sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tem nhãn, điều kiện lao động, tiền lương, an toàn cháy nổ…

Sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Từ đầu năm 2022, thị trường Trung Quốc cũng có những thay đổi rất lớn trong quy định về xuất khẩu nông sản để bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm vào thị trường này phải sớm đăng ký với phía Trung Quốc và phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm.

Phía Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới liên quan thuốc bảo vệ thực vật. So với tiêu chuẩn cũ, tiêu chuẩn mới có số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật tăng 81 loại, giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại. Ngoài ra, Trung Quốc còn đẩy mạnh quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Như vậy, vấn đề mấu chốt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản là phải duy trì, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và của nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên tìm hiểu, nắm rõ những thay đổi về quy định của thị trường nhập khẩu.

Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức phòng vệ thương mại trong các FTA giữa Việt Nam và đối tác để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình.

Trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp nên tích cực tham gia vụ việc, tránh bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích, kết luận vụ việc. Thường xuyên theo dõi thông tin vụ việc, tích cực trao đổi, phối hợp với hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước để cùng xử lý nhằm tránh những bất lợi không đáng có.