Doanh nghiệp xây dựng ‘lung lay’ trước bão giá – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG Online) – Dù hoạt động thi công đã được khôi phục nhưng “bão” giá nguyên vật liệu ập đến khiến việc kinh doanh nửa đầu năm của nhiều doanh nghiệp xây dựng không được suôn sẻ. Tình hình về cuối năm cũng sẽ không mấy khả quan vì dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản đang bị kiểm soát chặt dẫn đến các chủ đầu tư khó khăn hơn về tài chính.

Phần lớn báo cáo bán niên của các doanh nghiệp ngành xây dựng đều ghi nhận mức lợi nhuận giảm sâu hoặc chìm vào thua lỗ. Biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành “cơn ác mộng” đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng trong suốt thời gian qua và có thể kéo dài hơn nữa.

Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lớn giảm sâu

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, chỉ số giá nguyên vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ do nhu cầu tăng cao trong khi chuỗi cung ứng chưa hết gián đoạn từ năm 2020. Được biết, chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, việc tăng giá vật liệu ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án, bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã đưa ra báo cáo tài chính hợp nhất quí 2-2022 với các chỉ số tài chính không mấy khả quan. Doanh thu công ty vẫn tăng trưởng nhưng chi phí cao đẩy biên lợi nhuận xuống thấp, dòng tiền cũng chuyển sang trạng thái âm do các khoản phải thu tăng mạnh.

Doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 28% so với cùng kỳ lên 4.080 tỉ đồng. Biên lãi gộp suy giảm từ 6,1% cùng kỳ về 3,2% quí này. Chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay cũng tiêu tốn của HBC số tiền 143 tỉ đồng, tăng 78%. Kết quả, HBC lãi sau thuế hơn 50 tỉ đồng trong quí 2, giảm 14% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HBC đạt 7.063 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỉ đồng, lần lượt tăng 30% và giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả trên, HBC đã thực hiện được 40% kế hoạch doanh thu và 17,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau hai quí.

Tính đến 30-6, dư nợ tài chính của HBC đã tăng 1.436 tỉ đồng lên 6.533 tỉ đồng, tức tăng 28% so với đầu năm, đa số là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm đến 1.365 tỉ đồng kể từ đầu năm.

Không riêng gì HBC, một doanh nghiệp trong top đầu thị trường là Công ty cổ phần Coteccons cũng vừa trải qua một quí 2 với tình hình kinh doanh kém hiệu quả. Thậm chí doanh nghiệp này còn không thể ghi nhận mức lợi nhuận trong quí 2 mà phải báo lỗ 24 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2021 vẫn lãi dương 59 tỉ đồng).

Khoản lỗ này phần lớn do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp 3 lần, tiêu tốn của doanh nghiệp hơn 360 tỉ đồng bào mòn toàn bộ doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của Coteccons trong quí 2. Đồng thời cùng kéo lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 18 lần, chỉ còn 5 tỉ đồng.

Lãnh đạo Coteccons cho biết việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ 2018-2020, cùng những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận quí 2 vừa qua. Tín dụng ngân hàng lẫn kênh trái phiếu bị kiểm soát chặt, chuỗi cung ứng gián đoạn, giá nguyên, nhiên vật liệu leo thang đang tiếp tục đè nặng lên các nhà thầu xây dựng.

Thông tin về ngành xây dựng Việt Nam nửa đầu năm 2022 từ ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), tại hội nghị ngành xây dựng mới đây cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, so với kế hoạch đặt ra thì hầu hết các doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt. 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất nói chung chỉ đạt 28-40% kế hoạch năm, tức chỉ đạt 60-80% kế hoạch 6 tháng, kể cả doanh thu lẫn sản lượng.

Thị trường vẫn chưa hết khó trong ngắn hạn

Mặc dù giá thép, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khá mạnh những ngày gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng tình hình chung vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như cát, đá, xi măng vẫn còn neo cao, thị trường bất động sản bị tác động tiêu cực khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể lạc quan trong thời gian tới.

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, sau hai năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch, ngành xây dựng lại gặp khó khăn khi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặt chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.

Những khó khăn đó chưa qua đi thì cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả leo thang chóng mặt. Khó khăn chồng chất khiến rất nhiều nhà thầu quy mô lớn, trước đây làm ăn rất tốt nhưng thời gian vừa qua phải đối diện với nguy cơ phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

“Với các dự án mới, chủ đầu tư thường chốt một mức giá cố định, khi giá vật liệu leo thang, không ít nhà thầu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục thi công thì càng làm càng lỗ, còn không làm thì sẽ mất uy tín, bị phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ”, ông Hải chia sẻ.

Báo cáo của VACC mới đây cũng nêu lên các vấn đề khúc mắc của ngành và doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Đầu tiên, số lượng công việc 6 tháng qua dù có khá hơn năm 2021 song vẫn còn rất ít, chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI mang lại và cũng chỉ dành cơ hội cho các doanh nghiệp lớn. Hầu hết doanh nghiệp không muốn làm dự án trong nước, nhất là dự án đầu tư công vì tiến độ thanh toán dài mà rủi ro từ giá nguyên vật liệu là rất lớn.

Tiếp đó là các vấn đề liên quan đến lao động thiếu hụt sau dịch, thủ tục giao nhận thầu phức tạp và tốn kém. Các vấn đề kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, hồi tố truy thu những dự án đã tất toán từ rất lâu rồi cũng khiến nhiều doanh nghiệp bị động. Vấn đề đáng nói nhất hiện nay là việc cạn “room” tín dụng đang khiến các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn về dòng vốn.

“Nếu theo đơn giá bình thường, làm hết sức chặt chẽ, quản lý tốt, doanh nghiệp xây dựng có biên lợi nhuận khoảng 4%. Nhưng hiện nay do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá, doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ. Nếu tình hình này tiếp diễn 5 năm nữa, chắc không còn doanh nghiệp xây dựng nào tồn tại”, Chủ tịch VACC nói.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, trong cơ cấu chi phí xây dựng, nguyên vật liệu chiếm đến 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, trong đó thép và xi măng là hai vật liệu quan trọng nhất. Hiện diễn biến giá thép hạ nhiệt giúp các doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi đáng kể. Tuy nhiên giá xi măng vẫn tăng lên 1,65 – 1,7 triệu đồng/tấn do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước và nhân công đều tăng khiến cho doanh nghiệp chưa cải thiện được tình hình.

Dựa trên thực tế này, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đưa ra nhận định, mặc dù doanh nghiệp có sự chủ động ứng phó nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy một kế hoạch quản trị khủng hoảng có lẽ là chưa đủ. Các doanh nghiệp đang hứng chịu những tác động tiêu cực do việc bỏ qua đầu tư vào chiến lược phục hồi kinh doanh. Trong khi đây là chiến lược không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ những rủi ro, gián đoạn mà còn có thể phục hồi nhanh hơn.