Doanh nghiệp xây dựng đứng trước thách thức khốc liệt
–
Thứ ba, 05/07/2022 10:12 (GMT+7)
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã nêu về những khó khăn, thách thức như biến động giá cả vật liệu quá lớn; thủ tục pháp lý phức tạp; bị nợ đọng… khiến các doanh nghiệp (DN) xây dựng Việt Nam đối mặt với khó khăn.
Doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Cao Nguyên
Nhiều khó khăn nhưng chưa có giải pháp
Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong quý I/2022, có 53,4% DN ngành Xây dựng nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn; 28,7% nhận định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định và 17,9% nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. Trong quý II/2022, có 41,5% số DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn; 32,3% số DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và 26,2% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2022 tốt hơn quý I/2022.
Mặc dù vậy, theo dự báo của DN ngành Xây dựng, quý III/2022 so với quý II/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chưa thực sự có cải thiện đáng kể, thậm chí có thể khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi sự biến động của các yếu tố đầu vào như sử dụng lao động, chi phí sản xuất…
Mới đây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng ngành xây dựng. Báo cáo nêu rõ các khó khăn, thách thức mà các DN xây dựng đang gặp phải mà chưa tìm được phương hướng giải quyết.
Số liệu dẫn chứng cho thấy, giá thép nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng từ 20-60% (cao điểm là tăng 60%, hiện nay dịu xuống ở mức trên 20%); giá xi măng từ mức giá 1.400 đồng/kg (thời điểm quý IV/2020) đến nay là 1.980 đồng/kg (chưa kể VAT); giá nhựa đường là 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối 2020 đến nay là 15.500 đồng/kg…
Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao và nếu tính theo tỉ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18-30% (tính trung bình cho từng thời điểm).
Ngoài ra, thủ tục pháp lý đầu tư dự án bất động sản chưa được tháo gỡ do đó số dự án mới chưa đủ nhiều để cung cấp công ăn việc làm cho các DN xây dựng.
Điều đáng nói, ngành xây dựng có đặc thù là 70% số lao động là từ nông nhàn nhưng sau COVID-19, việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn. Chính vì sự khan hiếm nhân công nên đơn giá nhân công tăng lên đến 25% để cạnh tranh thu hút nhân lực.
Về tài chính đang là một sức ép lớn cho các DN xây dựng do công tác thanh quyết toán với các Chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng 20-25% cuối của dự án. Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ.
Tháo gỡ, vượt qua giai đoạn khốc liệt
Giới chuyên gia nhìn nhận, các DN xây dựng Việt Nam thật sự đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần. Hiện khá nhiều DN xây dựng tập trung tìm kiếm công việc ở các dự án FDI vì cơ chế giá của họ hợp lý bám sát giá thị trường vật liệu, cơ chế đấu thầu minh bạch và cơ chế thanh toán sòng phẳng.
Tuy nhiên, thực tế không phải DN nào cũng tiếp cận được các công trình vốn FDI. Vì vậy có thể nói đa số các DN xây dựng Việt Nam đều đứng trước thách thức hết sức khốc liệt.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, mặc dù hiệp hội nhà thầu đã nhiều lần kiến nghị bằng cả văn bản cũng như đề xuất trong các cuộc họp về cơ chế thanh toán để bảo vệ nhà thầu khỏi bị thua thiệt với các chủ đầu tư nhưng cho đến nay chưa có cơ quan nào lên tiếng.
Các cuộc tranh chấp giữa các chủ đầu tư và nhà thầu phần lớn người chịu thua thiệt là các nhà thầu. Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng siết room tín dụng cho vay làm các nhà thầu đã khó khăn càng thêm điêu đứng về tài chính.
Chia sẻ với Lao Động, ông Lê Tuấn Nam – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Mai – cho biết, với DN dù chưa bị ảnh hưởng nhưng về lâu dài nếu không cân đối được nguy cơ rơi vào khó khăn. “Ở giai đoạn này sự hỗ trợ, đồng hành của ngân hàng sẽ là đòn bẩy để DN xây dựng làm đầy nguồn vốn, tăng khả năng cạnh tranh và không bị động. Bên cạnh đó, nếu không có cơ chế đặc biệt, các DN bị nợ xấu sẽ không có cơ hội tiếp cận gói kích cầu”, ông Nam nói.
Đại diện một số DN xây dựng khác chia sẻ không chỉ giá sắt, thép, hai tháng trở lại đây, do ảnh hưởng của giá xăng dầu, cước phí vận chuyển tăng nên giá tất cả các nguyên vật liệu xây dựng đều tăng cao. Hàng loạt công trình đều chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá vật liệu.
Trước vấn đề này, DN xây dựng kiến nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp ổn định giá vật liệu xây dựng; cải cách thủ tục hành chính, có thêm những gói vay ưu đãi thiết thực.