Doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ, lo phá sản hàng loạt
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) – nêu một loạt vấn đề liên quan đến những khó khăn mà doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt.
Phát biểu tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022, ông Hiệp cho rằng ngành xây dựng về tổng thể đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong 6 tháng đầu năm 2022 sau những ảnh hưởng bởi dịch bệnh vào cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp như Hòa Bình, Delta, Newtecons, Vinaconex… ghi nhận mức tăng trưởng 300-500%. Kết quả này cũng phản ánh sự hiệu quả trong các chính sách của Chính phủ.
Song, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu. Nhìn chung, 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất chỉ đạt 28-40% kế hoạch cả năm, tương đương 60-80% kế hoạch 6 tháng, kể cả doanh thu lẫn sản lượng.
Ví dụ, sản lượng của Vinaconex chỉ đạt 5.000 tỷ đồng trên 14.000 tỷ đồng, tương đương 35,7%. Doanh thu của doanh nghiệp đạt 3.600 tỷ đồng so với kế hoạch 11.300 tỷ đồng, tương đương 31,8%.
Phần lớn doanh nghiệp xây dựng lỡ kế hoạch đề ra. Ảnh: Chí Hùng.
Doanh nghiệp lao đao vì bão giá
Về nguyên nhân, đại diện VACC cho rằng dù đã được cải thiện so với năm ngoái, tình trạng ách tắc, vướng mắc pháp lý khiến số dự án được triển khai trong năm 2022 vẫn còn chậm. Tuy nhiên, việc nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam giúp triển vọng trong năm nay khả quan hơn.
“Lượng công việc, công ăn việc làm do doanh nghiệp FDI mang lại chiếm 30% tổng số của ngành xây dựng. Hiện nay có những dự án rất lớn, ví dụ dự án Lego ở Bình Dương có tổng giá trị gói thầu lên tới 400 triệu USD”, vị này chia sẻ.
Dẫu vậy, ngành xây dựng đang phát sinh tình trạng phân hóa khi chỉ có những doanh nghiệp, dự án có vốn FDI uy tín, vững vàng mới có thể tồn tại trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh “chết dần, thậm chí chết rất nhanh”.
Đơn cử như dự án Lego, hiện chỉ có 2 đơn vị là Conteccons và Newtecons cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên thủ tục đầu tư ở Bình Dương vẫn đang vướng mắc ở quá trình giải phóng mặt bằng.
Các doanh nghiệp đang không tìm được lao động. Ảnh: Quỳnh Danh.
“Những doanh nghiệp như Vinaconex có tới 80% công việc nằm ở dự án nước ngoài. Đây cũng có thể coi là lối thoát cho doanh nghiệp”, ông Hiệp cho biết.
Báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại diện VACC nêu thực trạng doanh nghiệp xây dựng không muốn làm dự án trong nước, đặc biệt sợ thực hiện dự án đầu tư công do giá nguyên vật liệu tăng nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tìm dự án nước ngoài hoặc làm thầu phụ cho dự án FDI.
Từ quý IV/2020 đến nay, giá dầu diesel đã tăng từ 12.000-12.600 đồng/lít lên 30.000 đồng/lít, tương đương 240%. Giá thép tăng 20-60% so với đầu năm 2021.
Cuối năm 2020, giá cát dao động 300.000-320.000 đồng/m3 nay tăng lên 360.000 đồng/m3. Giá nhựa đường cuối quý IV/2020 là 11.000 đồng/kg nay là 15.500 đồng/kg. Giá xi măng tăng từ 1.400 đồng/kg lên 1.980 đồng/kg.
“Không có loại vật liệu xây dựng nào không tăng. Nếu tính theo %, giá thành của các dự án xây dựng trong năm 2022 tăng 18-30%”, ông Hiệp thông tin vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hay bù giá cho nhà thầu.
Vấn đề thứ hai là lực lượng lao động. Ngành xây dựng có đặc thù sử dụng nhiều lao động thời vụ, chiếm 70%. Tuy nhiên sau dịch, lực lượng này không quay lại làm việc, một phần do cơ hội việc trở nên đa dạng hơn. Do vậy, dù đơn giá nhân công tăng 25-30%, các doanh nghiệp vẫn khó tuyển nhân lực.
Thủ tục, quy định gây khó doanh nghiệp
Vấn đề thứ ba là thủ tục về giao nhận thầu. Ông Hiệp cho rằng doanh nghiệp đang chịu nhiều thiệt thòi do phải phục vụ tất cả đối tượng.
“Hôm qua anh Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình – nói với tôi là anh cố gắng nói với Bộ trưởng rằng doanh nghiệp xây dựng không có cửa nào không phải trả tiền, ít nhất 5%. Đấy là những nỗi đau của doanh nghiệp mà không biết kêu ai”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Vấn đề thứ tư là quy định phòng cháy chữa cháy. Dù là nước đang phát triển, Việt Nam lại có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cao như những nước phát triển, ví dụ như Mỹ, và có thêm thắt thêm, dẫn đến tiêu chuẩn trong nước gần như cao nhất thế giới.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải nhập khẩu một số vật liệu phòng cháy chữa cháy bị độc quyền nên chi phí cao gấp nhiều lần.
Một số quy định có tiêu chuẩn cao buộc doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí. Ảnh: Việt Linh.
Vấn đề thứ năm là quy trình kiểm toán, thanh kiểm tra. Ông Hiệp hy vọng Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng quy định các dự án sau 5 năm không hồi tố, không thanh kiểm tra.
“Có những dự án đã quyết toán khoảng 10 năm, nhưng giờ kiểm toán vào bảo ‘chỗ này là sai, phải nộp lại tiền đất’. Cái này không phải họ làm sai mà là cơ quan định giá các tỉnh quyết định. Giờ dự án xong, hồ sơ đã quyết toán, chia lãi , chia cổ tức. Kiểm toán bảo phải truy thu cái này, cái nọ thì lấy ở đâu để nộp”, đại diện VACC nói.
Vấn đề cuối cùng là về tài chính. Việc cạn room tín dụng khiến chủ đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn khi huy động vốn.
Nếu đơn giá bình thường, thi công chặt chẽ, quản lý tốt, doanh nghiệp xây dựng có thể lãi khoảng 4%. Song, tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ, càng chết.
“Chúng tôi có nói với nhau hôm họp Ban chấp hành của VACC, nếu tình hình này tiếp diễn 5 năm nữa, chắc không còn doanh nghiệp xây dựng nào nữa. Chúng tôi rất mong Bộ trưởng kiến nghị cho phép các doanh nghiệp xây dựng lớn được báo cáo với Thủ tướng để cứu rỗi ngành xây dựng, không thì ngành tan nát mất”, ông nhấn mạnh.
Để tránh rủi ro, ông Hiệp chỉ ra một số doanh nghiệp hiện nay như Newtecons dứt khoát không nhận công trình đầu tư công, chỉ làm công trình nào chủ đầu tư thanh toán đàng hoàng. Giải pháp này giúp Newtecons trở thành doanh nghiệp hiếm hoi không dính nợ và báo lãi.